Nhà văn tình báo Vũ Bằng

Vũ Hà| 27/04/2021 09:02

Vũ Bằng - một nhân vật đặc biệt có cuộc đời và thân phận nhiều bi kịch và bí ẩn nhất trong giới báo chí văn nghệ trước năm 1975.

Từ năm 1929, khi mới 15 – 16 tuổi, ông đã bước chân vào nghề làm báo, từ bỏ giấc mộng mà bà mẹ đã từng ấp ủ là sang Pháp học nghề thuốc. Vũ Bằng đã vào đời, vào nghề với tất cả đam mê đến sôi sục ở khắp các lĩnh vực của báo chí. Với văn tài của mình, ông có thể viết tất cả các chuyên mục của lĩnh vực văn nghệ, báo chí… Nhắc đến Vũ Bằng là người ta lại nhớ đến một Hà Nội nhiều bâng khuâng với những gì thanh tao, lịch lãm; là nhắc tới “Miếng ngon Hà Nội” và “Thương nhớ mười hai”.

Nhà văn, nhà báo Vũ Bằng

Cuộc đời nhà văn - nhà báo Vũ Bằng vẫn còn những bí ẩn đến nhói lòng. Năm 1948 từ vùng tản cư, ông đưa vợ con về lại thành chịu tiếng “dinh tê” để được bí mật hoạt động trong mạng lưới tình báo nội thành. Vũ Bằng chủ động nhận cái án dư luận là kẻ phản bội để tạo vỏ bọc cho mình, đồng nghĩa với việc chấp nhận hy sinh, vợ con, gia đình phải chịu điều tiếng, khổ đau... Nhà văn “Vũ Bằng đã chọn con đường cách mạng kháng chiến như một cách nhập thế”; đứng hẳn về phía Nhân dân để góp phần nhỏ bé vào thắng lợi chung của dân tộc.

Năm 1954, Vũ Bằng chia tay vợ con xuống Hải Phòng lên tàu vào Nam. Lúc đó, đứa con trai ông mới mười mấy tuổi cứ nằng nặc đi theo bố. Nuốt nước mắt vào trong, Vũ Bằng bảo con: Nước độc lập rồi. Con còn phải ở nhà học chứ! Hai năm nữa sau Hiệp định thống nhất, lúc đó bố lại về với con”... Bà Quỳ vợ ông cũng gạt nước mắt đưa con trở về Hà Nội đợi ngày tái ngộ... Nhưng kể từ đó, đất nước bị kẻ thù chia cắt 21 năm ròng. Cuộc chia ly ấy đã làm ông khắc khoải trong văn chương một nỗi nhớ Hà Nội, nơi có người vợ tảo tần và đứa con đầu lòng.

Trong lòng Sài thành, Vũ Bằng tiếp tục âm thầm làm sứ mệnh của người chiến sĩ tình báo. Hoạt động tình báo là thế. Ông đơn độc và cô đơn giữa đất nước mình, giữa gia đình, bạn bè mình... Một thời gian dài, Vũ Bằng và gia đình ông âm thầm chịu tiếng là nhà văn "dinh tê, về thành", "quay lưng lại với Kháng chiến", "di cư vào Nam theo giặc"! Có lẽ vì thế mà sách giáo khoa phổ thông cũng như đại học, người ta không giảng dạy về Vũ Bằng. Trong khi đó, những năm 1932-1945, ông đã nâng đỡ, hướng nghiệp, dìu dắt rất nhiều nhà văn trẻ Việt Nam trở thành những nhà văn lẫy lừng tên tuổi.

Đồng thời bấy giờ, ở Hà Nội, cũng như bao người vợ sống trong cảnh “ngày Bắc đêm Nam”, bà Quỳ thương nhớ chồng da diết. Lạ lùng thay, lúc ông viết về tháng Tư “Tội nghiệp cho người vợ bé nhỏ đầu tắt mặt tối” thì thời điểm ấy, con trai ông - Vũ Hoàng Tuấn nhớ lại: “Cuộc sống khắc nghiệt, sự vô vọng chờ đợi đã làm mẹ tôi sinh bệnh... Cái tháng Tư định mệnh ấy, con đưa mẹ về yên nghỉ tại Nghĩa trang Văn Điển trong tiếng bom rền đạn nổ năm 1967. Trước ngày mất, mẹ tôi còn nói: “Mua cho mẹ vài quả chanh và đọc cho mẹ nghe thêm vài trang cuốn Thuyền tình bể ái mà ngày xưa cha mẹ đều thích đọc”.

Đại tá tình báo Trần Văn Hội là người phụ trách lưới tình báo cho biết, sau giải phóng gặp lại Vũ Bằng, thấy gia đình nheo nhóc, liền đến cơ quan đề nghị trợ cấp cho Vũ Bằng hơn tạ gạo. Ông viết cho Vũ Bằng giấy xác nhận là thành viên cơ sở trong mạng lưới tình báo do ông phụ trách nay đã hoàn thành nhiệm vụ và nói với ông rằng cứ sinh sống bình thường, nếu ai hỏi gì đã có bằng chứng ấy. Ông Trần Văn Hội cùng vợ con ra Hà Nội sinh sống. Ông cũng không ngờ, khi xa nhau, Vũ Bằng ở lại phải chịu nhiều nỗi truân chuyên đến thế...

Vũ Bằng - một con người mà văn chương đạt đến tầm tuyệt bút và đầu óc thông tuệ, nhưng chỉ nhận mình là người đãng trí hay quên. Con người mà khi sống phục vụ cách mạng âm thầm như vậy mà đến chết vẫn chưa một lời minh oan cho cái án “dinh tê”, vào Nam theo giặc… Nỗi oan của Vũ Bằng nhiều năm sau giải phóng mới được giải. Rất nhiều người đã bỏ công sức tìm hiểu lai lịch cuộc đời ông và phát hiện thêm nhiều bằng chứng cho thấy không phải ông "dinh tê, di cư, phản bội", mà là ông hoạt động tình báo trong giới trí thức nội thành từ năm 1952.

Tháng 3/2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng đã có văn bản xác nhận chính thức là chiến sĩ tình báo của Quân đội Nhân dân Việt Nam với bí danh X10, được tổ chức biệt phái vào Nam năm 1954. Ông được xác nhận và được Nhà nước truy tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhất. Đến năm 2007 Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật cho cụm tác phẩm “Vũ Bằng toàn tập”. Hy vọng rằng ở nơi chín suối, hương hồn nhà văn Vũ Bằng sẽ thanh thản sau những năm dài buồn tủi…

Ở đây chưa nói về hoạt động tình báo nhưng về văn học nghệ thuật của Vũ Bằng, GS Phong Lê khẳng định: “Nếu như không có cuộc “dinh tê” vào Nam từ năm 1954, chắc chắn với những tác phẩm của mình, Vũ Bằng có tên trong lịch sử văn học Việt Nam thời kỳ 1930-1945, không chỉ với tư cách một cây bút hiện thực nổi trội, mà còn là một tên tuổi lớn ngang hàng với Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng…".

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/xa-hoi/nha-van-tinh-bao-vu-bang-85885.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/xa-hoi/nha-van-tinh-bao-vu-bang-85885.html
x

Nổi bật

    Mới nhất
    Nhà văn tình báo Vũ Bằng
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO