Nhà tâm lý học đường – “Vitamin hạnh phúc” cho học sinh

02/04/2025 11:02

Áp lực về học hành, thành tích thi cử, mục tiêu, kỳ vọng của gia đình đã khiến nhiều học sinh có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Các chuyên viên tư vấn tâm lý như những “vitamin hạnh phúc”. Đây là chất xúc tác giúp gắn kết ban giám hiệu, giáo viên, học sinh và phụ huynh, từ đó chăm sóc sức khỏe tâm lý học đường một cách hiệu quả.

1/4 số học sinh gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần

Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều vụ việc đau lòng đã xảy ra, gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng sức khỏe tâm thần học đường. Điển hình, cách đây chưa lâu, trường hợp một nam sinh 16 tuổi ở TP Hồ Chí Minh nhảy lầu tự tử tại một trung tâm thương mại, để lại bức thư tuyệt mệnh đầy xót xa. Trước đó, hai nữ sinh 15 tuổi tại TP Hồ Chí Minh cũng đã uống thuốc ngủ và thuốc giảm đau với ý định tự tử do áp lực gia đình. Rất may, các em được phát hiện và cứu chữa kịp thời. Một sự việc khác xảy ra tại Bắc Ninh khi hai nữ sinh lớp 9 cùng nhau nhảy cầu Kinh Dương Vương, được cho là do áp lực học tập quá lớn.

Theo thống kê năm 2024, có đến 1/4 số học sinh gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, nguyên nhân chủ yếu đến từ áp lực học hành, kỳ vọng từ gia đình, xã hội và cả những tiêu chuẩn mà chính các em đặt ra. Đặc biệt, với guồng quay cuộc sống hiện đại, nhiều phụ huynh không có thời gian để gắn kết, chia sẻ cùng con cái, khiến những vấn đề tâm lý ngày càng nghiêm trọng hơn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xác định công tác tư vấn tâm lý học đường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Tuy nhiên, để hoạt động này thực sự hiệu quả, cần có sự đầu tư bài bản, chuyên nghiệp và sự chung tay từ nhiều phía, đặc biệt là đội ngũ chuyên viên tâm lý học đường.

Các chuyên viên tâm lý học đường chia sẻ kinh nghiệm. 

Không chỉ đơn thuần là “chữa lành”

Hội Tâm lý Giáo dục học Hà Nội vừa tổ chức hội thảo với chủ đề “Nhà tâm lý học đường và vai trò nâng cao cảm nhận hạnh phúc trong trường học”. Sự kiện là cơ hội để các chuyên viên tâm lý học đường kết nối, cập nhật kiến thức và tìm ra những giải pháp thiết thực nhằm xây dựng một môi trường học tập hạnh phúc, bền vững.

Tại hội thảo, PGS, TS Trịnh Thị Linh, Trưởng khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh rằng nhà tâm lý học đường không chỉ đóng vai trò hỗ trợ cá nhân mà còn góp phần tạo dựng một môi trường giáo dục an toàn, hòa nhập. Họ là những người đồng hành, giúp học sinh phát triển toàn diện cả về thể chất, tinh thần và cảm xúc. Chuyên gia cũng chia sẻ về các phương pháp đánh giá sức khỏe tinh thần, đo lường hạnh phúc cũng như những chương trình phát triển trí tuệ cảm xúc, giúp nâng cao hiệu quả của công tác tư vấn tâm lý.

TS Nguyễn Thị Thu Anh, Phó chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục học Hà Nội, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) cho rằng các chuyên viên tư vấn tâm lý giống như “vitamin hạnh phúc” trong trường học. Họ không chỉ hỗ trợ học sinh mà còn là cầu nối quan trọng giữa ban giám hiệu, giáo viên, phụ huynh và học sinh, giúp xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh. TS Thu Anh đặc biệt đề cao vai trò của hiệu trưởng trong việc hiện thực hóa 12 tiêu chí về trường học hạnh phúc do UNESCO đề xuất, bởi chỉ khi những tiêu chí này được triển khai đồng bộ, trường học mới thực sự trở thành nơi mà mỗi học sinh được tôn trọng, thấu hiểu và phát triển toàn diện.

Nhà tâm lý học đường như những “vitamin hạnh phúc”

Nhiều giáo viên chia sẻ về các hoạt động thực tiễn đã và đang triển khai tại các trường học ở Hà Nội nhằm hỗ trợ học sinh về mặt tâm lý. Trường THCS Nam Từ Liêm đã tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa như “Hôm nay bạn thế nào?”, “Điều ước Giáng sinh của bạn là gì?” và chiến dịch “7 ngày biết ơn” để khuyến khích học sinh bày tỏ cảm xúc và quan tâm đến bản thân, gia đình, xã hội.

Cô Phạm Thị Ngọc Huệ, giáo viên Toán kiêm phụ trách phòng tư vấn tâm lý tại Trường THPT Đông Anh, đã chia sẻ những câu chuyện đầy xúc động về hành trình đồng hành cùng học sinh vượt qua những khó khăn tâm lý. Không chỉ tận tâm hỗ trợ các em, cô còn không ngừng học hỏi, sáng tạo nhiều hoạt động thiết thực nhằm phòng ngừa và can thiệp kịp thời, giúp học sinh cảm nhận được sự quan tâm và yêu thương từ thầy cô và nhà trường.

Nhà giáo Ưu tú, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, nhấn mạnh rằng lý thuyết có thể rất nhiều, nhưng thực tế mới là quan trọng. Ông mong muốn các giáo viên đảm nhận công tác tâm lý học đường tiếp tục phát huy nội lực, sự chủ động và tinh thần tích cực để thực hiện nhiệm vụ này. Theo ông, tư vấn tâm lý không chỉ đơn thuần là “chữa lành” mà quan trọng hơn là giúp học sinh phát triển bản thân, tự giải quyết được những vấn đề nội tại.

Bài, ảnh: KHÁNH HÀ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan. 

Theo www.qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/nha-tam-ly-hoc-duong-vitamin-hanh-phuc-cho-hoc-sinh-822240
Copy Link
https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/nha-tam-ly-hoc-duong-vitamin-hanh-phuc-cho-hoc-sinh-822240
x

Nổi bật

    Mới nhất
    Nhà tâm lý học đường – “Vitamin hạnh phúc” cho học sinh
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO