Mỗi nhà sàn dài là nơi cư trú của nhiều thành viên có cùng huyết thống trong dòng tộc. Khi các thành viên trong nhà dài kết hôn, nhà dài của ông bà, bố mẹ lại được nối dài thêm cho gia đình mới một không gian riêng, nên có những ngôi nhà “dài như tiếng chiêng ngân” trong sử thi.
Nhà sàn dài của người Mạ là nơi diễn ra các sinh hoạt thường ngày của một gia đình hoặc dòng tộc, đồng thời cũng là nơi chứa đựng, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của họ, thể hiện qua kết cấu kiến trúc, các mối quan hệ huyết thống, sinh hoạt tín ngưỡng, lao động sản xuất... Nhà sàn dài có cấu trúc khá đặc biệt, nhất là chiều dài. Thông thường, mỗi ngôi nhà dài từ 18 đến 25m, nhưng cũng có những ngôi nhà dài tới năm, sáu chục mét.
Theo già làng K’Diệp, người Mạ ở huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) thì việc dựng nhà thường diễn ra vào thời điểm mới lập bon. Thời gian dựng nhà của người Mạ thường diễn ra vào mùa khô, vì theo quan niệm của họ, đây là thời điểm cây được lấy trong rừng về sẽ tốt hơn, bảo đảm độ bền và việc dựng nhà thuận lợi hơn.
Các kết cấu chính nhà sàn dài của người Mạ có cột nhà bằng gỗ; sàn nhà được kết cấu “sàn treo” bằng gỗ, trên sàn là các cây tre nhỏ xếp theo chiều dọc và chiều ngang, gồm 5 lớp liên kết; vách nhà chủ yếu là tre nứa, bộ khung vách lộ ra bên ngoài; mái và nóc nhà được làm bằng gỗ, tre, lá mây hoặc cỏ tranh; cửa ra vào là điểm đáng chú ý của ngôi nhà, thường mỗi cửa tương ứng một gia đình trong nhà sàn dài, với khu vực chính sẽ có cửa dành cho chủ nhà và cửa dành cho khách; cuối cùng là cầu thang tre hoặc gỗ, được chia thành 2 loại có sàn nghỉ bên ngoài ngôi nhà và bắc trực tiếp lên sàn nhà.
Nhà sàn dài người Mạ thuộc loại hình nhà tương đối thấp, chiều cao trung bình sàn nhà khoảng 1m; cấu trúc bằng những vật liệu dễ kiếm có sẵn trong rừng. Đặc điểm nổi bật của ngôi nhà dài là các kết cấu kiến trúc, liên kết giữa các bộ phận và cách bài trí trong ngôi nhà. Già làng K’Diệp cho biết, trong không gian nhà dài thường được chia làm 3 phần chính, gồm không gian sinh hoạt chung (là nơi tiếp khách, chỗ ngủ cho những thành viên chưa lập gia đình và là bếp chung - nơi thường diễn ra các nghi lễ và nơi vui chơi, tụ họp của đại gia đình), phần dành cho các tiểu gia đình và không gian thờ cúng.
Nhà sàn dài truyền thống thường có thời gian tồn tại từ 7 đến 10 năm. Trong suốt thời gian sinh sống, hằng năm, chủ nhà phải cúng Yàng hìu (thần cai quản ngôi nhà). Các gia đình sống trong cùng một ngôi nhà có quan hệ mật thiết với nhau, tuy nhiên vẫn có một sự độc lập tương đối trong một số hoạt động kinh tế cũng như sinh hoạt thường ngày. Mỗi gia đình nhỏ đều có một bếp riêng, khoảng không gian riêng trong ngôi nhà chung. “Lãnh thổ” của các gia đình trong nhà sàn dài được bố trí liền kề nhau theo ngôi thứ; bắt đầu từ chỗ nằm của vợ chồng chủ nhà, sau đó theo quan hệ trưởng, thứ và thế hệ.
Nhà sàn dài là loại hình kiến trúc tiêu biểu của đồng bào dân tộc bản địa giữa đại ngàn Nam Tây Nguyên. Một mô thức phù hợp với môi trường sống kiểu quần cư cộng đồng theo từng bon, dòng họ và ẩn chứa bên trong kiến trúc bình dị đó là những giá trị văn hóa truyền thống. Trong dòng chảy của sự phát triển, tiếp biến văn hóa, xu hướng nhà truyền thống người Mạ đã thay đổi, “nhà dài như tiếng chiêng ngân” chỉ tồn tại qua lời kể. Ngày nay, người Mạ thường làm nhà trệt và chỉ còn một bếp lửa cho gia đình riêng.