Ðó là do sự buông lỏng quản lý hoặc vô vàn các lý do khác. Rất nhiều dự án đầu tư bất động sản, du lịch, nông nghiệp… đã xảy ra sai phạm về sử dụng tài nguyên đất đai và núi rừng.
Tại các phường trung tâm và các phường, xã vùng ven, nhiều diện tích rừng và núi đồi bị cạo trọc cho những khối bê-tông mọc lên từng ngày; nhiều khu dân cư mới hình thành tự phát. Bê-tông hóa khắp thành phố, nhất là khu trung tâm thành phố không còn khoảng thở, hệ thống thoát nước luôn trong tình trạng quá tải dù đã được nhiều lần cải tạo. Vành đai xanh bị hao hụt nghiêm trọng, nhiều lâm phần bị xâm hại lấy đất canh tác và xây dựng các khu, điểm du lịch. Do những bất cập trong quản lý, tình trạng phân lô bán nền, xây dựng nhà ở trái phép trên đất rừng và đất nông nghiệp đang phổ biến tại thành phố này…
Một mối lo ngại khác, trong những năm gần đây, Ðà Lạt phát triển mạnh sản xuất nông nghiệp, kéo theo đó là việc mở rộng diện tích nhà kính, nhà lưới ở nhiều vùng trong thành phố, vượt qua tầm kiểm soát. Diện tích trồng rau, hoa của Ðà Lạt khoảng 18.000 ha nhưng đã có đến 10.000 ha nhà kính. Các chuyên gia cảnh báo, đó là một sự lạm dụng cực kỳ nguy hiểm, nhất là những nơi bạt núi, phá rừng làm nhà kính, nhà lưới.
Một số chuyên gia cho rằng, nhà kính là vành đai trắng, là "vòng kim cô" bóp nghẹt Ðà Lạt. Nhà kính có nhiều tác động ảnh hưởng đến môi trường: đó là làm tăng nhiệt độ môi trường chung quanh, làm ảnh hưởng đến môi trường đất, gây ô nhiễm nguồn nước và... gây ngập lụt. Không gian xanh của nhiều vùng bị phá vỡ, kết cấu địa chất, dòng chảy, thẩm thấu... đều thay đổi theo hướng tiêu cực.
Lý giải về việc ngập lụt, trước hết, là việc thiếu kiểm soát dẫn đến mật độ xây dựng quá cao, nén chặt ở các khu dân cư đã làm cho Ðà Lạt thiếu khoảng thở. Trong khi đó, hạ tầng thoát nước không đồng bộ, các dòng suối bị các công trình xây dựng lấn chiếm cả hành lang lẫn dòng chảy, rác thải nông nghiệp và rác thải dân sinh hầu hết bị đẩy xuống cống, xuống suối, làm cho các miệng cống bị bịt và suối bị nghẽn dòng. Nguyên nhân quan trọng khác, chính là mật độ nhà kính quá cao.
Về mặt lý thuyết những vùng đất có nhà kính thì hệ số thấm nước bằng không, có nghĩa là khi mưa đổ xuống với lưu lượng lớn thì nước chỉ rơi trên tấm ni-lông, không thấm vào đất hạt nào như người mặc áo mưa đi dưới trời mưa thì người không bị ướt và vì vậy, nước chỉ thoát bằng cách đổ ào ra những con đường, dòng suối gần nhất. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian ngắn, dòng suối không thể tải, không chảy kịp, gây ngập lụt đột ngột do dòng chảy quá tải.
Ở một khía cạnh khác, hạn hán cục bộ cũng sẽ xảy ra khi nước không thấm vào đất khiến nguồn nước ngầm cạn kiệt, và vì vậy, chất lượng đất ở nơi đó cũng sẽ suy giảm rất nhanh. Việc phát triển dày đặc các khối kiến trúc đô thị và nhà kính mà quên đi những quy luật tự nhiên đã trở thành vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến toàn bộ hệ sinh thái Ðà Lạt, thay đổi và biến dạng toàn bộ tiểu vùng khí hậu, khi mà không gian xanh đã hoàn toàn lùi xa thành phố.
Những nguyên nhân nêu trên đã dẫn tới hậu quả về việc ngập lụt, trượt đất, sạt lở đất. Rõ ràng là Ðà Lạt đang thay đổi nhiệt độ, cạn kiệt và ô nhiễm nguồn nước, không khí. Một hệ di chứng cực kỳ nguy hiểm và để lại hậu quả lâu dài là hằng ngày các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp cứ ngấm dần vào lòng đất đô thị cao nguyên...