Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 16/5 cảnh báo chính phủ nước này đang đối mặt với chi phí đi vay gia tăng do bế tắc xung quanh vấn đề trần nợ quốc gia.
Bà Yellen nêu rõ những bế tắc đang khiến các nhà đầu tư trở nên miễn cưỡng hơn trong việc nắm giữ trái phiếu chính phủ đáo hạn vào đầu tháng Sáu tới, làm gia tăng gánh nặng nợ nần cho người nộp thuế ở Mỹ.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn một tháng tăng lên 5,74% vào ngày 15/5, mức cao nhất ít nhất trong 20 năm và cao hơn đáng kể so với mức lãi suất 5-5,25% mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang áp dụng.
Hồi giữa tháng Tư, mức lợi suất là 3,29%.
[Bộ trưởng Tài chính Mỹ gia tăng sức ép thương lượng về trần nợ công]
Ngày 15/5, bà Yellen tái khẳng định quan điểm của Bộ Tài chính là nước này có thể lâm vào cảnh vỡ nợ ngay đầu tháng Sáu tới nếu Quốc hội và Nhà Trắng không đạt được thỏa thuận về nâng trần nợ quốc gia.
Bà Yellen đưa ra tuyên bố trên trước thềm các cuộc đàm phán khó khăn về vấn đề trần nợ công dự kiến diễn ra trong ngày 16/5 giữa Tổng thống Joe Biden và các lãnh đạo của đảng Cộng hòa.
Bộ Tài chính Mỹ trước đó đã cảnh báo những hậu quả "thảm khốc" nếu Mỹ cạn tiền mặt để trang trải các nghĩa vụ tài chính; trong đó có việc không trả được lương cho các nhân viên liên bang, kéo theo khả năng tăng lãi suất tác động mạnh đến các doanh nghiệp.
Trong thư gửi Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, Bộ trưởng Yellen ghi rõ: "Chúng tôi vẫn ước tính Bộ Tài chính có thể sẽ không còn đáp ứng được tất cả các nghĩa vụ của chính phủ nếu quốc hội không hành động để nâng hoặc đình chỉ trần nợ công vào đầu tháng Sáu tới và nhiều khả năng điều này sẽ sớm xảy ra, có thể vào ngày 1/6."
Theo giới quan sát, Tổng thống Joe Biden và các lãnh đạo của đảng Cộng hòa có rất nhiều vấn đề cần thảo luận. Hiện hai bên vẫn bất đồng sâu sắc về các điều khoản để nhất trí về việc nâng mức trần nợ.
Các nghị sỹ đảng Cộng hòa tiếp tục nêu điều kiện để ủng hộ nâng trần nợ là Tổng thống Biden phải đồng ý cắt giảm mạnh chi tiêu. Tuy nhiên, đảng Dân chủ kêu gọi nâng mức trần nợ không kèm theo điều kiện ràng buộc.
Nền kinh tế đầu tàu thế giới đã chạm ngưỡng giới hạn nợ 31.400 tỷ USD hồi tháng Một vừa qua. Do đó, Bộ Tài chính Mỹ đã phải áp dụng các biện pháp đặc biệt để có thể tiếp tục trang trải cho các hoạt động của chính phủ.
Tuy nhiên, nếu mức trần nợ không được nâng lên hoặc đình chỉ, Chính phủ Mỹ có nguy cơ không thực hiện được các nghĩa vụ tài chính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế.
Các cuộc đàm phán giữa ông Biden, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy và ba lãnh đạo khác trong Quốc hội dự kiến diễn ra vào ngày 16/5 (giờ địa phương), với hy vọng đạt được một thỏa thuận./.