Đời sống

Nhà báo Thu Uyên: “Sau 18 năm, tôi đã biến thành người biết mở lời xin tiền tài trợ”

PV 21/04/2025 16:14

Sau 18 năm gắn bó với “Như chưa hề có cuộc chia ly”, tôi đã biến thành một con người khác - một người biết mở lời xin tiền tài trợ”, nhà báo Thu Uyên - “linh hồn” của chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” chia sẻ với Dân Việt.

Nhà báo Thu Uyên hẹn gặp tôi tại căn hộ trên tầng 4 của khu tập thể Văn Chương ở Đống Đa, Hà Nội. Căn hộ tập thể rộng chỉ hơn 20m2 này là nơi chị từng có những tháng năm đẹp đẽ sống cùng bố mẹ của mình.

Nhiều năm qua, khi GS.TSKH Phạm Trương Thị Thọ - mẹ của Thu Uyên qua đời, bố chị vẫn sống tại căn hộ đầy ắp sách vở và kỷ niệm này. Thỉnh thoảng, Thu Uyên lại bay từ TP.HCM ra ở mấy ngày cùng bố, ăn với bố bữa cơm, cùng bố sắp xếp lại căn phòng nhỏ hoặc trò chuyện cùng bố về mọi thứ.

Phải nói thêm rằng, Thu Uyên rất quý báo Dân Việt và người viết nên đã vui vẻ nhận lời trò chuyện. Ngay khi nghe tin chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly (NCHCCCL) phát sóng trở lại trên VTV1 sau gần 7 năm “vắng sóng”, tôi gọi điện ngay cho Thu Uyên để gửi lời chúc mừng. Chị vui vẻ nhận lời chúc mừng từ tôi và nhận lời hẹn gặp tại Hà Nội.

Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu bằng NCHCCCL và kết thúc cũng bằng chủ đề này. Trên đường về, trong đầu tôi vẫn văng vẳng giọng nói của Thu Uyên.

Cảm xúc của chị thế nào khi “Như chưa hề có cuộc chia ly” được phát sóng trở lại trên VTV1 sau gần 7 năm “xa vắng”?

- Việc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) rộng vòng tay đón NCHCCCL trở về gieo cho chúng tôi rất nhiều hạnh phúc. Tôi nghĩ đến hai điều. Thứ nhất là VTV đang cùng chúng tôi lan tỏa tinh thần thiện nguyện – vì chúng tôi đang làm chương trình này cho cộng đồng, vì cộng đồng.

Thứ hai, chúng tôi coi như đây là một phần thưởng vì dù làm việc ở bên ngoài nhưng vẫn được đánh giá cao về mặt chuyên môn và những giá trị nhân văn mang lại cho cộng đồng.

Thực tế, tôi từng nghĩ chương trình được sinh ra ở VTV1 nên khi không còn được phát sóng trên VTV1 nữa thì vẫn luôn phải giữ chất lượng như thế.

Được ưu ái phát sóng trở lại trên VTV1 nhưng NCHCCCL vẫn là một chương trình xã hội hóa, nghĩa là giống các chương trình bên ngoài. Hình thức của nó là chúng tôi sản xuất ra chương trình, thông qua hội đồng duyệt và nội dung ổn thì sẽ lên sóng. VTV không yêu cầu chúng tôi phải thực hiện nghĩa vụ gì cả và phát sóng hoàn toàn miễn phí, tôi rất biết ơn Tổng Giám đốc VTV cùng lãnh đạo các ban liên quan đã xem NCHCCCL là một hoạt động vì cộng đồng của chính Đài.

Vì công ty sản xuất của chúng tôi không phải là một công ty media, mà là công ty xã hội phi lợi nhuận. 100% nguồn thu từ sự ủng hộ của các cá nhân trong cộng đồng được dành để đi tìm kiếm miễn phí cho những người chịu cảnh ly tán và để kể các câu chuyện nhân ái truyền hình. Chúng tôi cũng không nhận bất kỳ một hình thức hậu tạ hay khoản phí nào từ phía những người gửi hồ sơ đến đăng ký tại chương trình.

Nhà báo Thu Uyên với các cộng sự thực hiện NCHCCCL.

Trong gần 7 năm qua, “Như chưa hề có cuộc chia ly” đã phải xoay sở như thế nào để truy trì sự tồn tại?

- Từ lúc không phát sóng trên VTV, đồng nghĩa với việc không thể có tài trợ cho chương trình truyền hình, thì một thời gian, NCHCCCL trông chờ vào sức thiện nguyện của chúng tôi. Khi bắt đầu kêu gọi cộng đồng ủng hộ, chúng tôi vẫn tiếp tục dụng hết sức mình, tiết kiệm từng đồng chi tiêu một.

Để một chương trình ổn định trên sóng truyền hình thì không thể chỉ trông chờ vào các cá nhân và sự góp lực từ cộng đồng. Sự ưu ái của VTV dành cho NCHCCCL lần này không chỉ ở chỗ lan tỏa rộng rãi trên sóng truyền hình quốc gia những thông điệp nhân ái mà chúng tôi muốn chia sẻ, mà còn giúp chúng tôi có cơ hội được nhận thêm nguồn tài trợ. Có thêm nguồn tài trợ thì chúng tôi sẽ ổn định hơn trong tìm kiếm và sản xuất truyền hình.

Nụ cười hạnh phúc của nhà báo Thu Uyên và các cộng sự sau khi thực hiện xong một số phát sóng.

Trước đây, chị từng chia sẻ nếu có 30.000 người góp số tiền bằng ổ bánh mỳ mỗi tháng, tương đương với 20.000 đồng thì hoạt động Như chưa hề có cuộc chia ly sẽ chỉ còn lo tìm kiếm và kể chuyện bằng hình. Con số đó vẫn được duy trì ổn định gần 7 năm qua?

- Hiện tại, mức ủng hộ của các cá nhân trong cộng đồng dành cho NCHCCCL trung bình đạt từ ¼ đến ½ tổng chi phí hoạt động hàng tháng.

Tôi rất mê mô hình người Hà Lan ủng hộ người Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ. Thời chống Mỹ, nhiều công chức của Hà Lan đã trích một khoản nho nhỏ trong tiền lương của mình hàng tháng để ủng hộ cho hòa bình của Việt Nam thông qua 1 tổ chức thiện nguyện. Điều đó diễn ra từ năm 1968 và cho đến nay vẫn còn duy trì.

Tôi rất muốn ở Việt Nam cũng có hình thức như vậy để cảm thấy lòng trắc ẩn của mình được nuôi dưỡng thường xuyên và bền bỉ. Những anh chị đóng góp cho NCHCCCL mỗi tháng, không chỉ để góp sức làm những việc tử tế cho cuộc đời mà còn nhận được niềm vui khi thấy những điều chương trình làm được có sự đóng góp của chính họ.

Thời điểm đầu, chúng tôi có đề nghị với ứng dụng ví MOMO tạo ra một tiện ích để hàng tháng mọi người có thể gửi tiền ủng hộ chương trình vào đó. Ví dụ, những ai đăng ký ủng hộ chương trình, mỗi tháng app sẽ tự động trừ đi 20.000 đồng từ tài khoản của họ. Như vậy một năm họ sẽ ủng hộ chương trình 240.000 đồng. Nhưng việc này rất khác với việc một lúc họ ủng hộ luôn 240.000 đồng. Vấn đề ở đây là hàng tháng đều đặn, định kỳ họ sẽ được ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần cho chương trình. Sau đó, bên Zalo cũng làm với hình thức y như vậy. Cho đến bây giờ chỉ còn Zalo áp dụng hình thức đó. Bây giờ số lượng người ủng hộ không còn nhiều nhưng chúng tôi rất biết ơn họ.

Cách nhận ủng hộ ở thời điểm hiện tại đã được thực hiện với một hình thức thức mới thông qua tài khoản minh bạch 2700 - Ngân hàng Quân đội (MB). Tôi là một trong hai người nhận được tin nhắn báo tiền chuyển vào tài khoản hàng ngày. Tôi rất sung sướng mỗi khi nhìn thấy cái tên kèm lời chúc của mọi người gửi đến chương trình. Mỗi khi nhìn vào từng cái tên và nhận ra họ là những người đã thường xuyên ủng hộ cho chương trình, tôi hạnh phúc lắm.

Điều quan trọng là khi chuyển tiền vào tài khoản minh bạch này, mọi người có thể theo dõi được số tiền mình ủng hộ đã đến hay chưa… Chúng tôi luôn có báo cáo minh bạch về tài chính.

Trong gần 7 năm rời khỏi sóng VTV1, thời điểm nào “Như chưa hề có cuộc chia ly” gặp khó khăn nhất?

- Sau khi rời khỏi sóng VTV1, chúng tôi được chuyển qua phát ở sóng VTV9. Việc chúng tôi rời sóng VTV1 là theo đề nghị của Trung tâm Quảng cáo (TVad) vì NCHCCCL không phải chương trình hút được quảng cáo. Cá nhân tôi cũng không giỏi trong kêu gọi quảng cáo nên nguồn thu rất thấp. Gần 2 năm phát trên VTV9 thì chúng tôi đề nghị ngừng hợp tác phát sóng, vì không có khả năng kêu gọi quảng cáo hay tài trợ. Sau đó, chúng tôi quyết định chuyển qua phát trên YouTube.

Thời điểm đó, chúng tôi không cho phép mình dừng lại được, chỉ đơn giản vì hồ sơ còn đấy, người ta còn tìm đến mình thì mình còn nợ họ. Hơn nữa, mình đã có kinh nghiệm tìm kiếm, đội ngũ cộng sự của mình đã có nghề rồi… không thể bỏ ngang giữa chừng được, phải tiếp tục.

Tuy nhiên, đó cũng là giai đoạn khó khăn nhất của chúng tôi vì không còn khoản tiền nào nữa. Tôi cùng bạn Phó Giám đốc bỏ ra gần 1 tỷ đồng để cố gắng duy trì và cũng không hy vọng sẽ lấy lại được số tiền đấy. Lúc đó chỉ nghĩ, mình bỏ tiền ra để làm nốt nhiệm vụ mình phải làm.

Khi tôi nghĩ mình phải đóng khép chương trình vì đã hết tiền thì được báo VietNamNet và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đứng ra hỗ trợ. Sự hỗ trợ của những “ân nhân” này đã tạo nên sự hồi sinh cho chương trình.

Ngay sau đó, chúng tôi tiếp nhận một cú hích cực mạnh mẽ và thiết thực từ ca sĩ Hà Anh Tuấn. Hà Anh Tuấn và những người bạn đã đứng ra hỗ trợ ngay lập tức 3 tỷ đồng để cứu chương trình khỏi bờ vực dừng lại. Với số tiền ấy, nhóm thực hiện có thể tạm thời ổn định vận hành, bắt đầu củng cố lại lực lượng. Đó là lúc chương trình có thể kiện toàn bộ máy và hoàn chỉnh những phần việc còn dang dở, đào tạo người mới và thúc đẩy tìm kiếm.

Từ hai cú hích đó, một nhận thức quan trọng dần hình thành: Nếu cộng đồng đã sẵn sàng ủng hộ như vậy, thì NCHCCCL phải thực sự trở thành một hoạt động xã hội đúng nghĩa. Ngay từ đầu, nó vốn đã mang bản chất ấy nhưng buộc phải khoác lên mình “chiếc áo” của một chương trình truyền hình để tồn tại.

Tại sao lại cần đến “chiếc áo” đó? Đơn giản bởi vì nó được phát sóng trên VTV như một chương trình truyền hình. Nhưng đằng sau những thước phim là cả một núi công việc thầm lặng; từ việc tìm kiếm, lập hồ sơ, kết nối thông tin, đến tổ chức các cuộc đoàn tụ. Tất cả những công việc ấy không thể chỉ được gói gọn trong khuôn khổ một chương trình truyền hình đơn thuần.

Chương trình phải trở về với bản chất của mình đó là một hoạt động thiện nguyện xã hội, tìm kiếm và đoàn tụ người thân hoàn toàn miễn phí. Nhưng câu hỏi đặt ra là làm sao để chương trình sống tiếp?

Chỉ có một cách là cộng đồng sẽ nuôi dưỡng nó. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là NCHCCCL sẽ trở thành hoạt động xã hội đầu tiên tại Việt Nam được cộng đồng nuôi sống một cách định kỳ, đều đặn.

Lòng trắc ẩn của người Việt mình rất lớn, thậm chí là vô cùng lớn. Nhưng nếu chỉ trông chờ vào những lần kêu gọi cũng chỉ đủ duy trì trong một thời gian ngắn. Từ đó, nhóm đã nghĩ ra ý tưởng “mỗi tháng một ổ bánh mì”. Một ổ bánh mì tương đương 20.000 đồng, là số tiền rất không lớn, nhưng nếu có 30.000 người cùng chung tay mỗi tháng thì chương trình sẽ có đủ nguồn lực để hoạt động ổn định, đủ để tồn tại một cách bền vững, hiệu quả.

Chị có nói một mình chị phải làm hết các công việc xây dựng kịch bản, dựng phim và dẫn chương trình. Vì sao chị không chia sẻ các công việc này với cộng sự của mình?

- Khối lượng công việc của chúng tôi rất lớn. Có ai tin hơn chục con người mà làm trọn 1 show truyền hình 1 tiếng mỗi tháng, cứ 3 đến 4 ngày hoàn thành 1 cuộc tìm ra người thất lạc, trung bình 1 tuần tổ chức 1 cuộc đoàn tụ tại địa phương hoặc online? Những công việc anh vừa nêu chỉ là độ một nửa nhiệm vụ của tôi tại NCHCCCL thôi. Các thành viên trong nhóm cũng hoạt động cũng hết công suất và khả năng đến đâu nhận việc đến đó. Nói thật là có lúc tôi phát sợ vì khối lượng công việc của mình. Nếu biết trước là phải làm từng ấy thứ trong suốt gần 18 năm, chính xác là 17 năm rưỡi thì chắc ngay từ đầu tôi đã… trốn rồi (cười)!

Việc khó nhất đối với tôi không phải là việc chuyện môn, mà là việc lo kinh phí hoạt động. Tôi là người rất “khái tính”. Từ bé đến lớn chưa bao giờ xin ai cái gì cho mình, mà tôi cũng không giỏi lo vật chất cho bản thân đâu. Nhưng khi làm chương trình này, tôi học được rất nhiều, trong đó có cả chuyện… biết cách xin.

Bây giờ thì thi thoảng tôi “xin” rất thoải mái rồi đấy (cười). Tôi gặp gì khó khăn là gọi nhờ bạn bè liền. Thiếu tiền thì “liệu cơm gắp mắm” và lại xin cộng đồng. Tức là sau 18 năm gắn bó với NCHCCCL, tôi đã biến thành một con người khác – một con người biết mở lời.

Chị nói gì về những lần tiếp sức hồi sinh của ca sĩ Hà Anh Tuấn đối với “Như chưa hề có cuộc chia ly”?

- Tôi phải nói thế này, không phải ai cũng có được người như Hà Anh Tuấn giúp đỡ. Cá nhân tôi cũng chưa gặp được ai mà không cần phải nói gì nhiều vẫn luôn xuất hiện đúng lúc, giúp đỡ ngay khi mình cảm thấy bế tắc. Tuấn và tôi chỉ mới gặp nhau ba lần, nhưng đối với tôi, Hà Anh Tuấn chính là người bạn tri kỷ mà tôi luôn tìm thấy sự cổ vũ lớn nhất. Tuấn luôn xuất hiện đúng lúc, khi tôi cảm thấy đành buông tay, thậm chí là không dám kêu gọi nữa.

Tuấn chính là người đầu tiên tôi chia sẻ khi chương trình NCHCCCL quay trở lại VTV. Lần đầu tiên, Tuấn đến với chương trình chỉ đơn giản là tham gia một gala. Lúc ấy, Tuấn đã hát bài Không còn những cuộc chia ly của nhạc sĩ Phạm Minh Thuận – bài hát này trở thành tinh thần của chương trình. Nhưng điều đặc biệt là dù không có thù lao biểu diễn, không có đưa đón, Tuấn vẫn tiếp tục tham gia trong các sự kiện tiếp theo.

Tôi cảm thấy một niềm tự hào là NCHCCCL được Hà Anh Tuấn lựa chọn để đồng hành, vì Tuấn làm thiện nguyện nhiều, nhưng chỉ làm từ gốc, làm những việc có thể tạo nên sự thay đổi cơ bản. Trẻ em, rừng và NCHCCCL.

Hình ảnh quen thuộc của Thu Uyên trong các số phát sóng của NCHCCCL.

Trong sự kiện âm nhạc “Chân trời rực rỡ” tại Ninh Bình, bất ngờ Tuấn tuyên bố ủng hộ NCHCCCL, mà không biết chính lúc đó tôi đã âm thầm chuẩn bị cho những tháng hoạt động cuối cùng. Khi biết điều này, Tuấn đã gọi điện cho tôi nói: Nếu chương trình phải đóng cửa, em sẽ ủng hộ 2 tỷ mỗi năm trong 2 năm tiếp theo. Thế là NCHCCCL lại hồi sinh, nhờ tiền của Tuấn cùng với sự ủng họ của cộng đồng, nhưng trên hết, hồi sinh nhờ được cần đến và thương mến.

Tuy Hà Anh Tuấn cam kết 4 tỷ trong 2 năm, nhưng chúng tôi thực lòng không muốn nhận hỗ trợ từ một cá nhân nhiều đến như vậy. Vì vậy, chúng tôi chỉ nhận 2 tỷ cho năm 2023, để nếu sau một năm chương trình ổn định thì sẽ không cần phải nhận thêm nữa.

Quả thật, sau 1 năm, chương trình đã đứng vững trở lại, được rất nhiều người ủng hộ thông qua “ổ bánh mì làm nên đoàn tụ”, và tôi rất vui khi mọi người đã quen với việc minh bạch tài chính thông qua app của ngân hàng MB. Tuy nhiên, hiện tại, chúng tôi vẫn cần sự hỗ trợ thêm, vì khoản dự trữ ban đầu từ Hà Anh Tuấn đã gần hết.

Có kỷ niệm nào khiến chị cảm thấy xót xa trong 30.000 cuộc đoàn tụ mà “Như chưa hề có cuộc chia ly” đã thực hiện?

- Tôi không nhớ nổi đâu. Hơn 30.000 cuộc đoàn tụ rồi mà mỗi hành trình kết thúc, tôi buộc phải gạt nó ra khỏi đầu để tiếp tục công việc khác. Nếu cứ giữ mãi những cảm xúc hay những khoảnh khắc xúc động đó thì sau này tôi lấy đâu ra nnưg lượng để mà sống tiếp những trường hợp khác?

Chúng tôi biết trọn vẹn câu chuyện cuộc đời của họ từ đầu đến cuối, từng bên một. Có những khi đang dựng phim, tôi hay các em đã phải dừng lại để khóc. Với chúng tôi, không có một câu chuyện nào mà không đáng rơi nước mắt. Mỗi câu chuyện khong chỉ là chuyện về một thân phận, một gia đình, mà hơn thế, chúng tầng tầng lớp lớp ý nghĩa về một thời, một vùng, về con người, về đất nước.

Với tôi, mỗi câu chuyện đều “đáng nhớ” theo cách riêng của mình. Nhưng sau mỗi cuộc đoàn tụ, chúng tôi phải tạm gác lại để tiếp tục sống, để tiếp tục tìm kiếm. Chúng tôi cũng đã khóc trước với những người trong cuộc rồi, từ lúc lập hồ sơ, nghe kể hoàn cảnh của họ. Thế nên, nếu ai hỏi tôi nhớ kỷ niệm nào nhất, tôi đành chịu.

Cho đến bây giờ vẫn có không ít người thắc mắc. Tại sao chị tốt nghiệp ngành Ngoại giao của Học viện Quan hệ Quốc tế Moscow nhưng lại đi làm truyền hình. Cơ duyên nào dẫn dắt chị đến với công việc này?

- Khi ấy tôi được bác Lê Mạnh Thái - cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ giới thiệu. Bác Lê Mạnh Thái chính là người từng lấy lời khai của tướng De Castries. Thời điểm đó, bác Thái đang là Giám đốc Trung tâm Phim truyện của Đài Truyền hình Việt Nam. Trung tâm này lúc bấy giờ chủ yếu là nơi nhập phim nước ngoài về rồi dịch ra tiếng Việt – có phim Nga, phim Pháp, và một số ngôn ngữ khác.

Vì tôi biết tiếng Nga nên bác Thái đã nhận tôi vào dịch phim. Lúc đó chưa có biên chế hay hợp đồng gì đâu, làm hoàn toàn theo kiểu cộng tác. Một thời gian sau, dù Trung tâm vẫn cần tôi, chính bác lại dẫn tôi lên Phòng Thời sự Quốc tế, vì bác nói trên đó đang cần người mà lại đúng chuyên môn của tôi. Thế là tôi bắt đầu thử việc ở Phòng Thời sự Quốc tế. Đó là điều may mắn của tôi, đặc biệt trong những năm mà thất nghiệp cao mà việc làm thì hiếm.

Từ đó, tôi gắn bó với phòng Thời sự Quốc tế – bắt đầu bằng việc biên tập các bản tin, rồi đến làm các chương trình chuyên đề như Câu chuyện quốc tế, đưa tin các sự kiện lớn và tham gia các đoàn công tác nước ngoài trong khuôn khổ các hoạt động của các nguyên thủ. Tôi bắt đầu từ năm 1989 ở Trung tâm Phim truyện và đến năm 1990 thì chính thức chuyển lên Ban Thời sự, làm ở Phòng Thời sự Quốc tế.

Nhà báo Thu Uyên thời gắn bó với một số chương trình truyền hình.

Là dân ngoại giao đi làm truyền hình, chị có gặp nhiều khó khăn lắm không? Có thấy mình thực sự thuộc về ngành nghề này?

- Thực ra, thời điểm ấy, như tôi nhớ thì trừ anh Trần Đăng Tuấn là người học đúng chuyên ngành báo chí ra, thì hầu hết những người khác đều không. Cả anh Trần Bình Minh, Vũ Văn Hiến, Đỗ Viết Kháng, Lại Văn Sâm… tất cả đều là những người đến với nghề truyền hình từ những lĩnh vực khác. Vậy nên tôi cũng không có cảm giác lạc lõng gì.

Tôi thấy mình vô cùng may mắn vì khi tôi vào Đài Truyền hình Việt Nam, đúng lúc Thời sự bắt đầu chuyển mình. Từ phong cách cũ, giống như bản tin của thông tấn xã, kiểu “hình ảnh giật ra, lời bình đọc thẳng” thì bắt đầu chuyển sang làm theo hướng phóng sự thực tế, gần gũi hơn với người xem. Đó là nhờ nỗ lực rất lớn của anh Minh, sau đó có anh Tuấn, anh Trường Phước…

Ở mảng thời sự quốc tế, lúc tôi mới vào thì nguồn tin chủ yếu là dịch lại từ các đài nước ngoài. Ban đầu là Đài Hoa Sen của Nga, sau đó là một số băng từ Pháp. Rất lâu sau đó chúng tôi mới bắt đầu tiếp cận được Internet – khi ấy mới có thể so sánh các nguồn tin.

Tôi nói thật là lúc mới vào, tiếng Anh của tôi còn rất kém. Hồi ở nước ngoài tôi học tiếng Pháp là chính. Khi về Việt Nam, tôi phải tự học lại tiếng Anh từ đầu. Lúc ấy chưa có Reuters đâu, nhưng có BBC trên mạng. Tôi nhớ mình đã in cả tập tin bài từ BBC ra, mang về đánh máy lại từng dòng, tra từng từ để học… đó là cả một quá trình. Mà với tôi, quá trình ấy cực kỳ hạnh phúc.

Tôi là người ham học. Giao cho tôi làm nghề gì, miễn có cái để học là tôi sẽ say mê. Cho tôi đi làm nông, nếu có kiến thức để học, tôi cũng sẽ học. Với tôi, báo chí là một nghề mới, nhưng tôi không coi nó là nghề làm tin mà coi là nghề nghiên cứu. Và đã nghiên cứu thì tôi yêu thích, tôi say mê, tôi tự thấy mình hợp với nó.

Tôi chưa bao giờ coi mình là người dẫn chương trình. Tôi chỉ là người làm rất nhiều công việc, và vì hiểu rõ câu chuyện, nên tôi là người dẫn dắt, kể lại cho khán giả. Tôi không nghĩ mình giao tiếp giỏi, nhưng khi nói về những điều mình đã đọc, đã học, đã nghiên cứu thì tôi có thể chia sẻ một cách sâu sắc và rõ ràng. Báo chí, với tôi, là một quá trình học không bao giờ ngừng nghỉ. Tôi thấy mình thực sự hạnh phúc trong nghề – từ lúc bắt đầu cho đến tận bây giờ, khi tôi vẫn đang tiếp tục làm báo.

Thời điểm đó, hình như chị có một số chương trình làm chung với nhà báo Lại Văn Sâm, Trần Bình Minh?

- Không, tôi chưa có cơ hội làm cùng anh Lại Văn Sâm. Anh Sâm có một phong cách rất riêng, còn tôi lại là một phong cách khác hoàn toàn. Tôi được làm việc nhiều với anh Trần Bình Minh, nhất là trong những chương trình truyền hình trực tiếp.

Hai anh em làm việc với nhau khá hợp, vì cả hai đều có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, có nghiên cứu, có tìm hiểu trước về nội dung chương trình. Nhờ vậy, tôi học được rất nhiều điều từ những lần làm việc chung như thế.

Thời ấy, mỗi thứ Tư, tôi có một chương trình 8 phút trên VTV1, trong chương trình Thời sự - là một trách nhiệm rất lớn. Rồi một số chương trình bình luận khác, như Sự kiện và Bình luận. Mỗi lần lên sóng xong là anh Minh gọi điện khen chỗ này góp ý chỗ kia. Tôi đã làm việc cùng anh Trường Phước trong một số chương trình CKX của anh ấy và học được ở anh rất nhiều. Nhìn chung, tôi luôn mở rộng công việc và rất thích đi làm phóng sự.

Hình ảnh quen thuộc của Thu Uyên trong các số phát sóng của NCHCCCL.

Có một thời điểm, vào năm 2000, tôi cảm thấy công việc trở thành nếp cũ. Lúc đó, 25 năm chiến tranh Việt Nam là một sự kiện lớn và tôi có chuyến đi về Thái Bình cùng nhà văn Minh Chuyên để làm phóng sự. Chính trong những chuyến đi đó, tôi bắt đầu cảm nhận được rằng, những câu chuyện của người dân về chiến tranh còn mãi mãi đau đớn.

Tôi nhớ một lần tới một ngôi làng ở Thái Bình, có một ngôi nhà lặng lẽ trống trải của một người vợ liệt sĩ. Nền đất nện, cửa ghép nứa. Bà mang chiếc nong dở dang ra đan tiếp. Cảnh tượng ấy in sâu trong tâm trí tôi. Tôi sẽ không bao giờ quên được ánh sáng chéo từ cửa sổ chiếu lên nền nhà bóng mòn. Người phụ nữ ấy vẫn tin rằng một ngày nào đó, chồng bà - một liệt sĩ, sẽ trở về. Chính khoảnh khắc ấy đã làm tôi thức tỉnh và nhận ra rằng mình cần phải làm gì đó trực tiếp hơn, có ích hơn, chứ không phải chỉ ngồi và nói. Cảm giác đó quá mạnh mẽ.

Vì vậy, tôi quyết định tìm một con đường khác. Lúc đó, Internet đã bắt đầu phát triển, nó cung cấp khả năng tương tác quá sức hấp dẫn. Tôi có cơ hội tham gia chuyến thăm của báo chí quốc tế tới Mỹ, do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức. Chuyến đi này đã cho tôi thấy rằng, chính sự tương tác trực tiếp và thông tin phản hồi ngay lập tức là những gì tôi đang tìm kiếm. Sau chuyến đi đó, tôi quyết định chuyển việc sang VietNamNet (VNN). Mặc dù VNN lúc đó chưa là một nền tảng báo chí hoàn chỉnh, nhưng nó có tính tương tác cao, đặc biệt là trong các câu lạc bộ và các nhóm thảo luận.

Sau đó, tôi đi Mỹ theo học bổng Fulbright và học về báo chí và truyền thông đa phương tiện. Khi về nước, vừa lúc việc xã hội hóa được áp dụng tại VTV, tôi bắt đầu nghĩ đến đề xuất lại các chương trình talkshow liên quan đến đổi mới tư duy (Tại sao không?), và một chương trình tìm kiếm và đoàn tụ người thân.

Bây giờ nhìn lại, chị có thấy công việc này là cái duyên lớn nhất trong cuộc đời của chị?

- Tôi nghĩ thế này, nếu không phải tôi thì cũng sẽ phải có ai đó làm công việc này. Bởi xã hội có nhu cầu cấp thiết, chỉ là đến thời điểm đó chưa bộc lộ ra thôi. Vấn đề là để đáp ứng nhu cầu lớn trong xã hội đó, ta làm bằng cách nào, có tránh được vụ lợi thậm chí lừa đảo không. Vì thế nên NCHCCCLngay từ phút đầu tiên đã kiên trì với hình thức tìm kiếm và đoàn tụ hoàn toàn miễn phí, dù đây là mọt chương trình xã hội hóa. Để bảo vệ được nguyên tắc này, chúng tôi, và cá nhân tôi, đã phải “trả giá” vì kẻ vụ lợi thì không ít.

Mặt khác, nếu tôi không may mắn tìm ra lĩnh vực này để phụng sự, thì tôi tin tôi cũng sẽ tìm ra cái khác và vẫn phụng sự hết lòng và đầy trách nhiệm như tôi đang làm, bởi lĩnh vực ấy chắc chắn cũng là một công việc vì cộng đồng.

Chị có bí quyết gì để làm việc rất nhiều nhưng vẫn giữ được tràn đầy năng lượng?

- Tôi không nghĩ mình khác biệt gì so với những người khác. Đến một độ tuổi nào đó, thì cũng biết mệt. Trước mặt càng nhiều trách nhiệm thì sau lưng càng cần được đỡ. Nhưng cái may mắn của công việc NCHCCCL là được tiếp xúc với những hoàn cảnh quá kém may mắn, đồng thời với những tình thương vô hạn giữa những con người, nên chúng tôi được tiếp năng lượng tươi sáng mỗi ngày.

Chị có thể chia sẻ một chút về cuộc sống hiện tại của chị không?

- Ngoài công việc, tôi sống như người bình thường thôi. Tôi có rất nhiều trách nhiệm, cả công việc và cá nhân. Nhiều khi tôi cũng tiếc vì mình không có nhiều thời gian cho riêng mình. Tôi thích chế biến, nấu ăn, làm vườn, chăm nuôi chó mèo, đan lát, nghe nhạc xem phim, đi chơi rừng biển, xếp đặt.

Bức ảnh kỷ niệm của nhà báo Thu Uyên bên bố mẹ và con gái

Thời điểm này, chị có thường xuyên dành thời gian để vẽ không?

- Thực ra, tôi không có thời gian dành riêng cho việc vẽ. Nếu có thời gian rảnh, tôi sẽ vẽ, nhưng trong giai đoạn này thì khá lâu rồi tôi không cầm bút vẽ nữa. Hai năm trước, hầu như ngày nào cũng được vẽ gì đó. Thật ra, tôi mới thực sự tự vẽ có hai bức tranh về vườn của tôi, còn lại chỉ là những bức tập vẽ. Đó là quá trình tự học của tôi, tôi không có điều kiện học bài bản từ một họa sĩ chuyên nghiệp.

Bố mẹ chị đều là những bậc trí thức có nhiều năm cống hiến trong lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Ông bà đã ảnh hưởng như thế nào đến chị trong cuộc sống?

- Điều lớn nhất mà tôi học được từ ba mẹ của mình là sự nghiêm túc trong công việc và cuộc sống. Ba mẹ tôi là những người nghiên cứu và tôi cũng học được rất nhiều từ cách làm việc nghiêm túc đó.

Ngoài ra, từ ba mẹ, tôi còn học được cách sống, không quá nghĩ về bản thân và cũng không để danh lợi chi phối cuộc sống của mình. Chính điều này đã giúp tôi cảm thấy thực sự thanh thản trong cuộc sống.

Chị có phải là người khó kết giao và chỉ có một số ít bạn bè thực sự không?

- Đúng vậy, tôi có nhiều bạn nhưng những người bạn thân thì không nhiều. Những người bạn thân trong cuộc đời tôi đều là những người đã đồng hành qua những giai đoạn quan trọng, đã vượt qua thử thách cùng tôi. Tôi có những người thân thiết trong công việc và cuộc sống, những người đã gắn bó với tôi lâu dài. Tuy tôi rất niềm nở và dễ quen biết, nhưng bản thân tôi thấy khó để kết giao.

Xã giao nhiều nhất với tôi là việc sử dụng Facebook, nhưng tôi dùng Facebook lại như một cuốn nhật ký, mâu thuẫn thế đấy. Tôi chỉ muốn lưu lại những gì mình đã trải qua và có thể nhìn lại vào năm sau, tháng sau. Đó là cách tôi ghi nhận cuộc sống của mình, chứ không phải là để giao tiếp xã hội.

Cảm ơn nhà báo Thu Uyên đã chia sẻ thông tin.

Theo danviet.vn
https://danviet.vn/nha-bao-thu-uyen-sau-18-nam-toi-da-bien-thanh-con-nguoi-biet-mo-loi-xin-tien-tai-tro-d1326037.html
Copy Link
https://danviet.vn/nha-bao-thu-uyen-sau-18-nam-toi-da-bien-thanh-con-nguoi-biet-mo-loi-xin-tien-tai-tro-d1326037.html

Đọc tiếp

x

Nổi bật

    Mới nhất
    Nhà báo Thu Uyên: “Sau 18 năm, tôi đã biến thành người biết mở lời xin tiền tài trợ”
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO