Nguyên nhân khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị 'đóng băng'?

Thanh Cao| 12/03/2025 13:37

Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 2/2025 gần như "đóng băng", đồng thời, khối lượng mua lại trước hạn cũng sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Một màu tối

Theo báo cáo mới nhất từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), dựa trên dữ liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong tháng 2/2025 tiếp tục duy trì trạng thái trầm lắng.

Tính đến ngày 28/2, không có doanh nghiệp nào thực hiện phát hành trái phiếu mới. Trong khi đó, các doanh nghiệp đã mua lại trước hạn tổng cộng 2.592 tỷ đồng trái phiếu, giảm 58% so với cùng kỳ năm 2024. Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm này là áp lực đáo hạn lớn.

Theo VBMA, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn trong năm 2025 đạt 192.267 tỷ đồng, trong đó nhóm bất động sản chiếm hơn 54% (khoảng 107.235 tỷ đồng). Đáng chú ý, trong tháng 2 đã có một mã trái phiếu chậm thanh toán lãi, với số tiền chậm trả lên tới 39 tỷ đồng.

Những doanh nghiệp lớn như Novaland, Vinhomes và Nam Long, cùng với các công ty chứng khoán như VNDIRECT, đang chịu áp lực tài chính đáng kể. Việc mua lại trước hạn 2.592 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 2 cho thấy xu hướng ưu tiên xử lý nợ thay vì huy động vốn mới.

Bên cạnh đó, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp hiện dao động từ 9% - 12%/năm, cao hơn so với lãi suất vay ngân hàng hoặc huy động vốn qua cổ phiếu, khiến nhiều doanh nghiệp tạm dừng kế hoạch phát hành trái phiếu để tránh gánh nặng tài chính.

Đâu là nguyên nhân khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị đóng băng
Diễn biến giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp giai đoạn 2017 - 2T 2025 (tỷ đồng). Nguồn: HNX, VBMA.

Trên thị trường thứ cấp, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 2/2025 đạt tổng giá trị 73.491 tỷ đồng, với mức bình quân 3.675 tỷ đồng mỗi phiên, giảm 22% so với trung bình tháng trước.

Dù thị trường trầm lắng, một số tổ chức tài chính vẫn có kế hoạch phát hành trái phiếu trong thời gian tới. Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) dự kiến huy động tối đa 10.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu trong hai quý đầu năm.

Loại trái phiếu này không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo, có mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, kỳ hạn từ 7-8 năm với lãi suất thả nổi. Trong khi đó, Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT (VND) cũng thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ theo hai đợt trong năm 2025, với tổng giá trị tối đa 2.000 tỷ đồng.

Trái phiếu này thuộc loại "3 không" (không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo), có kỳ hạn tối đa 3 năm và lãi suất kỳ đầu 8,3%/năm.

Tuy nhiên, hiệu quả của các đợt phát hành này sẽ phụ thuộc vào thanh khoản thị trường và tâm lý nhà đầu tư. Giới chuyên gia cho rằng, để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục hồi, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính sách, bao gồm cải thiện thanh khoản, giảm lãi suất, nới lỏng điều kiện phát hành hoặc triển khai gói tín dụng đặc biệt giúp doanh nghiệp tái cơ cấu nợ. Bên cạnh đó, việc nâng cao tính minh bạch trong công bố thông tin là yếu tố quan trọng nhằm củng cố niềm tin của nhà đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản và tài chính.

Có tương lại tích cực?

Triển vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2025 được chuyên gia của Công ty Chứng khoán MB (MBS) đánh giá tích cực, nhờ vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế vĩ mô. Điều này tạo nền tảng vững chắc cho sự phục hồi của nhiều ngành quan trọng, đặc biệt là bất động sản và sản xuất công nghiệp, qua đó thúc đẩy sự sôi động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, môi trường lãi suất hấp dẫn không chỉ thu hút dòng vốn nhàn rỗi quay trở lại mà còn kích thích nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây được xem là yếu tố quan trọng giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở nên sôi động hơn trong năm tới.

Đâu là nguyên nhân khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị đóng băng
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia tài chính, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang đối diện với nhiều thách thức

Ngành bất động sản cũng có triển vọng lạc quan hơn khi bước sang năm 2025, nhờ hàng loạt bộ luật mới được sửa đổi và bổ sung, tạo hành lang pháp lý minh bạch, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, sự phục hồi của thị trường trong bối cảnh lãi suất duy trì ở mức thấp và nguồn cung cải thiện sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy lĩnh vực này, từ đó tác động tích cực đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Ngoài ra, việc hoàn thiện khung pháp lý với những điều chỉnh rõ ràng và chặt chẽ hơn sẽ góp phần nâng cao chất lượng thị trường, đồng thời củng cố niềm tin của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia tài chính, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang đối diện với nhiều thách thức. Việc không có đợt phát hành nào trong tháng 2 là một tín hiệu đáng lo ngại, cho thấy thị trường chưa thực sự sẵn sàng bước vào giai đoạn phục hồi.

Triển vọng của thị trường sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm chính sách điều tiết lãi suất, khả năng hỗ trợ thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước và niềm tin của nhà đầu tư. Nếu không có sự cải thiện đáng kể trong thời gian tới, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể tiếp tục rơi vào trạng thái trầm lắng kéo dài, ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn của doanh nghiệp và sự ổn định của hệ thống tài chính.

Theo thuongtruong.com.vn
https://thuongtruong.com.vn/news/nguyen-nhan-khien-thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-bi-dong-bang-136001.html
Copy Link
https://thuongtruong.com.vn/news/nguyen-nhan-khien-thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-bi-dong-bang-136001.html
x

Nổi bật

    Mới nhất
    Nguyên nhân khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị 'đóng băng'?
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO