Một số em nhỏ còn đuổi nhau, ném những vật lạ này vào các bạn và tỏ ra thích thú khi nó phát tiếng nổ, làm các em học sinh nữ sợ hãi, ôm mặt khóc thét.
Pháo nổ Pokémon dễ dàng mua với giá 2.000 đồng/viên |
Qua tìm hiểu, được biết, đây là loại đồ chơi được gọi là pháo nổ Pokémon (hay còn gọi là bom nổ Pokémon). Chỉ cần vài động tác bóp nắn và thả xuống đất, hoặc bỏ xuống đất rồi đạp lên thì nó sẽ phát nổ.
Với giá mua rất rẻ, chỉ 2.000 đồng/viên, loại pháo Pokémon có bao bì bên ngoài rất bắt mắt với những con thú trong bộ truyện tranh Pokémon (Nhật Bản) và có chữ Trung Quốc.
Tại các cửa hàng thường bày bán tấm giấy khổ lớn đính kèm gồm 40 viên pháo loại này. Loại pháo này được làm bằng bao bì nhựa hình vuông, ép kín 4 góc, bên trong có chất bột màu trắng và một gói nhỏ có dung dịch dẻo trong suốt, không mùi.
Khi chơi, chỉ cần bóp nhẹ cho dung dịch trộn với chất màu trắng làm cho bao bì phồng lên, hoặc có tác động bằng lực bên ngoài, nó sẽ phát tiếng nổ và một lượng chất lỏng sủi bọt bắn ra. Loại đồ chơi này trên tấm giấy khổ lớn có dòng chữ “Made in China” (sản xuất tại Trung Quốc-PV); ngoài ra không có bất cứ hướng dẫn sử dụng cũng như các thành phần cụ thể trong đó.
Vì rẻ tiền, hình thức bắt mắt và được bán công khai, loại pháo Pokémon này thu hút được sự thích thú của khá nhiều trẻ nhỏ. Tuy nhiên, hầu hết các em học sinh và cả phụ huynh vẫn chưa lường hết sự nguy hiểm của loại đồ chơi này.
Chỉ cần bóp nhẹ, thả xuống đất thì pháo Pokémon sẽ phát nổ |
Qua tìm hiểu được biết, chất bột màu trắng là bột muối bicarbonat; còn dung dịch kia là axit axetic. Khi bóp bao bì thì axit axetic sẽ chảy ra, trộn lẫn với bột muối bicarbonat, tạo ra phản ứng hóa học tạo nên lượng hơi (khí CO2) và phá vỡ vỏ bọc, tạo nên tiếng nổ.
Khi phát nổ, chất lỏng sủi bọt bắn ra, nếu chạm vào da sẽ làm phồng rộp, ngứa ngáy và gây chàm da. Nếu hít phải chất này theo đường hô hấp, sẽ gây nên những cơn ho khò khè, giống như hen suyễn. Nguy hiểm hơn, nếu chất này dính vào mắt, có thể gây ngứa, viêm mắt và hư giác mạc.
Ngoài gây kích ứng da, tổn thương đường hô hấp và giác mạc, nếu nổ mạnh, loại đồ chơi này còn kích thích tính bạo lực vì tiếng nổ mạnh giống như dội bom trong phim.
Nhiều em học sinh rất thích thú khi chơi loại pháo nổ này nhưng chưa lường trước hết sự nguy hiểm |
Được biết, vào năm 2017, một học sinh tiểu học ở huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) đã bị bọt của bom nổ bay vào mắt gây tổn thương nặng. Trước đó, cũng tại huyện này, một nhóm học sinh tiểu học đã bị bọt trong bom tung ra trúng người, gây mẩn ngứa...
Loại đồ chơi nói trên không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chưa được các cơ quan chức năng kiểm nghiệm về tính an toàn của sản phẩm nên tại một số địa phương. Lực lượng công an đã tuyên truyền, cảnh báo người dân không cho con em sử dụng loại đồ chơi này để bảo đảm an toàn.
Tuy nhiên, trên địa bàn Đắk Nông, loại đồ chơi bom nổ Pokémon vẫn đang được bày bán công khai và tràn lan trên thị trường, nhất là tại các cổng trường học tiểu học. Sự nguy hiểm của nó đã rõ, do vậy các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, nghiêm cấm bày bán loại đồ chơi này. Phụ huynh học sinh cũng cần phải theo dõi và không để con em mình chơi loại bom nổ Pokémon để bảo đảm an toàn.