Nguy cơ ô nhiễm môi trường từ rác thải vùng trồng cà-phê

CHẤN HƯNG, VĂN TÂM| 23/04/2025 22:24

Hiện nay, việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất cà-phê tại Đắk Nông có nguy cơ làm gia tăng ô nhiễm không khí, nguồn nước và đất. Do vậy, cần có giải pháp quản lý chất thải để góp phần sản xuất bền vững, bảo vệ môi trường.

Chai lọ thuốc bảo vệ thực vật vứt bừa bãi ngay trong vườn cà-phê có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường.Chai lọ thuốc bảo vệ thực vật vứt bừa bãi ngay trong vườn cà-phê có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường.

Nguy cơ ô nhiễm cao

Cà-phê là cây trồng có tỷ trọng lớn trong cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp của tỉnh Đắk Nông, chiếm khoảng 35%. Tỉnh có diện tích trồng cà-phê đứng thứ ba cả nước và khu vực Tây Nguyên với gần 143.000 ha, sản lượng khoảng 360.000 tấn/năm. Trung bình mỗi năm, sản xuất cà-phê ở Đắk Nông sử dụng khoảng 206.000 tấn phân bón, 270 tấn thuốc bảo vệ thực vật. Nguồn vật tư này đã thải ra môi trường hàng chục tấn bao bì, vỏ chai lọ, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm không khí, nước, đất.

Tình trạng sử dụng thuốc diệt cỏ, rác thải từ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, bón phân mất cân đối đang ảnh hưởng đến ngành hàng cà-phê Việt Nam. Theo ông Tô Việt Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cà-phê là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho Việt Nam, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng triệu hộ nông dân. Tuy nhiên, ngành cà-phê Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề quản lý chất thải trong sản xuất. Tình trạng sử dụng thuốc diệt cỏ do thiếu hụt lao động và chi phí sản xuất tăng cao đã gây nên những tác động tiêu cực đến nguồn nước, sức khoẻ cộng đồng và uy tín của cà-phê Việt Nam trên thị trường quốc tế. Việc sử dụng không đúng cách các loại vật tư nông nghiệp, phân bón vẫn còn phổ biến ở nhiều địa phương. Hiện nay, một số địa phương khu vực Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng đã triển khai các mô hình thí điểm thu gom rác thải trong sản xuất cà-phê, nhưng qua đánh giá, việc xử lý còn chưa triệt để. Bảo đảm các tiêu chuẩn vệ sinh môi trường vẫn là thách thức lớn.

Hiện Đắk Nông có gần 23.000 ha cà-phê canh tác theo các tiêu chuẩn chứng nhận, với sản lượng ước đạt 76.000 tấn/năm. Trong đó, có 220 ha đạt chứng nhận VietGAP, 9 ha đạt chứng nhận hữu cơ, và hơn 22.500 ha đạt các tiêu chuẩn như 4C, UTZ.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp Đắk Nông Nguyễn Văn Chương cho biết, những năm qua, đơn vị xác định để chất lượng, giá trị cà-phê ngày một tăng cao cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong sản xuất cà-phê có trách nhiệm với môi trường. Hằng năm, đơn vị đã tổ chức nhiều diễn đàn, hội nghị có sự tham gia của nông dân, doanh nghiệp, nhà sản xuất vật tư nông nghiệp, góp phần nâng cao nhận thức của người sản xuất.

Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ hóa chất bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Nông phối hợp với Tổ chức Diễn đàn Cà-phê toàn cầu (GCP) phát động phong trào thu gom rác thải tại các vùng trồng cà-phê trên địa bàn tỉnh. Chương trình được phát động rộng rãi từ lứa tuổi học sinh, đoàn viên, thanh niên đến nông dân trồng cà-phê tại các huyện Krông Nô, Đắk Glong, Đắk Song… Thông qua tuyên truyền về các mô hình thu gom rác thải, người sản xuất cà-phê đã có những thay đổi tích cực trong nhận thức và hành động. Nông dân đã sử dụng phân bón hợp lý, cân đối, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục, sử dụng phân bón hữu cơ nhiều hơn, thu gom rác thải vật tư nông nghiệp.

Giảm phát thải từ canh tác xanh

Gia đình ông Nguyễn Thiện Trung, thôn 15, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp có 5 ha cà-phê, nhiều năm nay thực hiện sản xuất theo mô hình đạt chứng nhận 4C. Theo ông Trung, sản xuất cà-phê theo mô hình đạt chuẩn đem lại nhiều lợi ích, giảm phát thải độc hại từ quá trình sản xuất, đem lại môi trường xanh, hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Mặt khác, sản xuất theo mô hình đạt chuẩn, cà-phê bán ra với giá cao hơn, được thị trường ưa chuộng.

Với 2 ha cà-phê, mỗi năm gia đình ông Phạm Đăng Khương ở xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong sử dụng một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật, phân bón để xử lý sâu bệnh và chăm sóc cây trồng. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, việc xử lý vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật chưa được chú trọng, tại địa phương cũng chưa có nhiều điểm thu gom nên nhiều khi rác thải vứt ngay trong vườn cà-phê. Khi mô hình canh tác xanh, bền vững được triển khai, ông Khương thấy được lợi ích bảo vệ môi trường từ thu gom, xử lý rác thải đúng cách nên đã tham gia. Ông cho biết, trước đây do chưa nhận thức được các mối nguy hại từ rác thải bao bì, thuốc bảo vệ thực vật nên chủ quan. Từ khi được lực lượng khuyến nông tuyên truyền, gia đình đã tham gia mô hình, đồng thời vận động nhiều hộ trồng cà-phê tại địa phương tham gia.

Việc quản lý, thu gom rác thải đã cho thấy hiệu quả rõ nét cả về kinh tế, môi trường, sức khỏe con người tại các vùng sản xuất cà-phê. Đồng thời, các hoạt động thu gom, xử lý nguồn rác thải tạo tiền đề để các nhóm hộ, hợp tác xã hướng tới sản xuất theo hướng hữu cơ, sinh thái cảnh quan.

Cùng với việc thu gom, xử lý rác thải đúng cách, mô hình canh tác cà-phê theo hướng hữu cơ còn giúp giảm lượng phân bón vô cơ, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật; giảm nguồn rác thải ra môi trường, giảm dư lượng bón cây, thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong đất, nước... Qua đó, góp phần bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái, bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên, tăng chất lượng sản phẩm và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm cà-phê trên thị trường thế giới.

Trưởng phòng Huấn luyện và chuyển giao, Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông Nguyễn Thị Thảo cho biết: Nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về việc thu gom rác thải trong quá trình sản xuất cà-phê, thời gian qua, trung tâm đã thực hiện nhiều chương trình, dự án, xây dựng mô hình sản xuất cà-phê hữu cơ mang lại kết quả tích cực. Từ nâng cao nhận thức trong sản xuất sẽ giúp người dân tạo ra sản phẩm an toàn cho xã hội.

Theo ông Đỗ Thành Chung, đại diện Tổ chức Diễn đàn cà-phê toàn cầu cho biết, Việt Nam là nước xuất khẩu cà-phê đứng thứ 2 thế giới, kim ngạch xuất khẩu cà-phê đạt hơn 4 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, để cà-phê được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ và châu Âu đòi hỏi người trồng phải sản xuất sạch, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất và yêu cầu về chất lượng của đối tác. Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông Hồ Gấm cho biết, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ hóa chất bảo vệ thực vật cần có sự chung tay của cả cộng đồng. Các cấp, ngành, địa phương cần có những giải pháp tích cực, khoa học trong việc quản lý, xử lý những chất thải nguy hại trong lĩnh vực nông nghiệp.

Từ các phong trào, chương trình hợp tác công tư (PPP) trong thu gom rác thải đến xây dựng mô hình “xanh vườn, sạch rẫy” đã giúp người trồng cà-phê bảo đảm an toàn sức khỏe, loại bỏ mối nguy do sự vô ý của người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Việc thu gom, xử lý rác thải theo đúng quy định sẽ góp phần giúp nền nông nghiệp Đắk Nông hướng đến phát triển bền vững và bảo vệ môi trường sống cho các thế hệ tương lai.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/nguy-co-o-nhiem-moi-truong-tu-rac-thai-vung-trong-ca-phe-post874720.html
Copy Link
https://nhandan.vn/nguy-co-o-nhiem-moi-truong-tu-rac-thai-vung-trong-ca-phe-post874720.html

Nổi bật

    Mới nhất
    Nguy cơ ô nhiễm môi trường từ rác thải vùng trồng cà-phê
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO