Nguy cơ dịch bệnh trên vật nuôi trong mùa mưa
Mùa mưa năm nay tiếp tục được cơ quan chuyên môn tỉnh Đắk Nông dự báo dễ phát sinh các loại dịch bệnh trên các loại vật nuôi.
Trong tháng 5 vừa qua, 2 ổ dịch tả heo châu Phi (DTHCP) đã xảy ra tại xã Nâm N’đir, huyện Krông Nô, với 9 con heo có trọng lượng 202kg của hai hộ dân mắc bệnh phải tiêu hủy.
Theo Sở NN-PTNT, lũy kế đến hết tháng 5, DTHCP đã làm cho 232 con heo (tổng trọng lượng 3.242kg) của người dân tại 4 huyện mắc bệnh, phải tiêu hủy. 4 địa bàn đã xảy ra DTHCP gồm Tuy Đức, Cư Jút, Đắk Glong và Krông Nô.
Đắk Nông đang bước vào mùa mưa, nhiều nguy cơ cao xuất hiện, bùng phát các dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi. Mưa nhiều, trong khi vẫn có mức nhiệt cao, thời tiết thay đổi bất thường nên rất dễ xuất hiện bệnh trên các loại động vật như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh...
Cùng với đó, nhiều tỉnh, thành trên cả nước đang xuất hiện DTHCP và một số bệnh khác trên đàn vật nuôi, nên nguy cơ lây lan ở Đắk Nông khá cao.
Về những biện pháp phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi, ông Nguyễn Viết Vui, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông nghiệp Đắk Nông cho biết, tiêm vắc xin là một trong những giải pháp hàng đầu.
Do đó, đơn vị đang phối hợp với các địa phương triển khai các hoạt động tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Trong đó, đối với vắc xin phòng bệnh dại cho chó mèo đến cuối tháng 5 đã có 4/8 địa bàn là Cư Jút, Krông Nô, Tuy Đức và TP. Gia Nghĩa hoàn thành. Tổng cộng có 3.600 liều vắc xin được tiêm. Đắk Nông phấn đấu toàn tỉnh đạt tỷ lệ tiêm phòng dại chó mèo đạt từ 70% tổng đàn trở lên trong năm nay.
Đối với gia súc, gia cầm, trung tâm dịch vụ kỹ thuật các huyện, thành phố đã phối hợp với UBND cấp xã thống kê chính xác đàn vật nuôi thuộc diện tiêm phòng. Đắk Nông bảo đảm trên 80% đàn bò, trâu được tiêm vắc xin lở mồm long móng.
Song song với biện pháp vắc xin, ngành Nông nghiệp đang siết chặt các hoạt động kiểm soát mầm bệnh qua điều tra, lấy mẫu phân tích, theo dõi phát hiện bệnh định kỳ.
Bộ phận chuyên môn của Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh, thú y các huyện, các xã thường xuyên lấy mẫu giám sát sự lưu hành vi rút. Cùng với đó, lực lượng thú y tuyên truyền, kiểm tra các hộ nuôi về vệ sinh dịch tễ, vệ sinh chuồng trại, bảo đảm con giống sạch bệnh, kiểm soát giết mổ.
Các lực lượng liên quan phối hợp chủ động giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã có dịch xuất hiện, khu vực nguy cơ cao để sớm phát hiện, cảnh báo và xử lý dứt điểm, hiệu quả khi dịch bệnh mới được phát hiện.
Cũng theo nhận định của cơ quan chuyên môn, nguy cơ xuất hiện bệnh còn ở mức cao đối với quá trình mua bán, trao đổi, sử dụng các sản phẩm động vật. Trong đó, nguy cơ dễ bùng phát bệnh đối với việc mua bán, trao đổi con giống, sản phẩm động vật.
Vì thế, ngành chức năng siết chặt hơn các giải pháp nhằm kiểm tra, kiểm soát động vật xuất, nhập trên địa bàn tỉnh nhằm loại bỏ những nguy cơ gây bệnh.
Thống kê, đến cuối tháng 5/2024, Đắk Nông có đàn heo 475.000 con, đạt 88% kế hoạch năm; đàn bò 26.900 con, đạt 96% kế hoạch năm; đàn trâu có 4.200 con, đạt 135% kế hoạch năm, đàn dê có 41.000 con, đạt gần 80% kế hoạch năm. Tổng đàn gia cầm của tỉnh là 2,99 triệu con, đạt trên 99 % kế hoạch năm.
Sáng 17/6/2024, phát biểu tại Hội nghị triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các tháng cuối năm 2024, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, nguy cơ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, động vật nuôi ở tất cả các tỉnh, thành phố là rất cao. Các bộ, ngành, lực lượng chức năng đẩy mạnh tăng cường kiểm soát, quyết liệt ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm nhập lậu.