Những người ủng hộ chính quyền Niger tham gia một cuộc biểu tình gần một căn cứ không quân ở Niamey, Niger, ngày 5/8/2023. Ảnh: REUTERS |
Niger là quốc gia giàu trữ lượng uranium và dầu mỏ, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống tổ chức tự xưng “Nhà nước Hồi giáo” (IS).
Quốc gia này có vị trí địa chiến lược quan trọng, là đối tác của Mỹ và các đồng minh châu Âu trong cuộc chiến chống khủng bố, với khoảng 1.100 binh sĩ Mỹ được triển khai tại đây, chủ yếu cho các nỗ lực chống khủng bố.
Tính từ năm 2012 đến năm 2021, Nhà trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ đã cung cấp cho Niger số trang thiết bị và hoạt động tập huấn trị giá hơn 500 triệu USD.
Cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính phủ của Tổng thống Mohamed Bazoum được cho là đe dọa đến các ưu tiên của Mỹ và các đồng minh, gây khó khăn cho chiến lược chống khủng bố của phương Tây tại khu vực này.
Kể từ khi xảy ra cuộc đảo chính, nhiều nước phương Tây đã cắt giảm viện trợ cho Niger, mặc dù quốc gia Tây Phi này là một trong những nước nghèo nhất thế giới và dựa vào sự giúp đỡ từ bên ngoài, vốn chiếm gần một nửa ngân sách thường niên của Niger.
Mỹ đã tạm ngừng các chương trình hỗ trợ tài chính cho các hoạt động nhằm nâng cao năng lực chống khủng bố của Niger. Chính phủ Hà Lan xác nhận tạm thời đình chỉ hợp tác trực tiếp với Chính phủ Niger, trong bối cảnh Hà Lan hỗ trợ các chương trình trong lĩnh vực hợp tác phát triển và an ninh do Chính phủ Niger điều hành.
Ngân hàng Thế giới (WB) quyết định ngừng mọi kế hoạch giải ngân cho Niger khi nước này là một trong những quốc gia châu Phi nhận được danh mục đầu tư lớn nhất của WB, với tổng số tiền đầu tư cho các lĩnh vực ưu tiên lên tới 4,5 tỷ USD.
Hiện chính quyền quân sự tại Niger, do Tướng Abdourahamane Tian đứng đầu, đang chịu nhiều sức ép từ các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế sau cuộc đảo chính. Ông Tian bác bỏ các biện pháp trừng phạt mà các nước láng giềng Tây Phi áp đặt đối với Niger, đồng thời khẳng định sẽ không nhượng bộ trước bất kỳ mối đe dọa nào.
Ngay sau cuộc đảo chính hôm 26/7, chính quyền quân sự ở Niger đã đóng cửa biên giới trên bộ và trên không với các quốc gia láng giềng, gây cản trở các hoạt động viện trợ nhân đạo của Liên hợp quốc. Các nước trong khu vực và phương Tây lo ngại tình hình ở Niger sẽ đẩy khu vực Sahel ở Tây Phi vào vòng xoáy bất ổn.
Căng thẳng leo thang giữa chính quyền quân sự ở Niger với Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) làm trầm trọng hơn tình trạng bất ổn tại khu vực nghèo nhất thế giới, nơi đang đối mặt với khủng hoảng lương thực nghiêm trọng cũng như các cuộc xung đột vũ trang, vốn cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người và khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa.
Các nhà lãnh đạo ECOWAS đã cảnh báo có thể sử dụng vũ lực nếu chính quyền quân sự Niger không phục chức cho Tổng thống Bazoum, đồng thời quyết định áp trừng phạt giới lãnh đạo quân sự Niger. Hiện hạn chót để khôi phục quyền lực cho chính quyền bị lật đổ Niger mà ECOWAS đưa ra cho lực lượng đảo chính đã hết hạn và ECOWAS vẫn cố gắng để ngỏ cánh cửa ngoại giao nhằm giải quyết khủng hoảng.
Cộng đồng quốc tế, trong đó có Nga, đều lên tiếng phản đối mạnh mẽ sự can thiệp của bên ngoài vào Niger. Nga cho rằng sự can thiệp quân sự của ECOWAS vào Niger khó có thể góp phần đạt được hòa bình lâu dài ở Niger nói riêng và sự ổn định tình hình trong cả tiểu vùng này nói chung.
Mỹ được cho là rơi vào thế khó sau cuộc đảo chính ở Niger, song Lầu năm góc vẫn muốn duy trì sự hiện diện quân sự tại quốc gia Tây Phi.
Mặc dù đã tạm dừng hoạt động quân sự và huấn luyện ở Niger trong khi thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột, nhưng Lầu năm góc không có kế hoạch rút quân khỏi nước này. Là đối tác lâu năm của chính quyền Tổng thống Bazoum, Mỹ tiếp tục có các động thái nhằm đảo ngược tình thế và khôi phục trật tự hiến pháp ở Niger.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đã đến Niamey gặp các tướng lĩnh quân sự Niger nhằm tìm cách giải quyết khủng hoảng, song cuộc gặp được đánh giá không đem lại kết quả tích cực.
Trước nguy cơ thành quả trong hoạt động huấn luyện và đào tạo chống khủng bố ở Niger nói riêng và khu vực Tây Phi nói chung bị “đổ xuống sông xuống biển”, Mỹ và các đồng minh phương Tây đang ráo riết xúc tiến các nỗ lực ngoại giao để tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng Niger.
Tuy nhiên, diễn biến ngày càng phức tạp khiến việc đưa các bên vào bàn đàm phán và khôi phục trật tự hiến pháp ở Niger rất khó khăn, thậm chí nếu không đạt kết quả có thể nhấn chìm khu vực này vào cuộc khủng hoảng kéo dài.