Dấu ấn tại Đắk Sôr
Năm 2020, xã Đắk Sôr là một trong những địa phương của huyện Krông Nô về đích xây dựng nông thôn mới. Có được kết quả này, xã đã tích cực lồng ghép nguồn vốn từ nhiều chương trình, dự án khác nhau. Trong đó, nguồn vốn ưu đãi từ kênh cho vay của NHCSXH đã phát huy hiệu quả.
Đến hết tháng 10/2021, toàn xã Đắk Sôr có gần 800 hộ vay vốn từ NHCSXH huyện, với tổng dư nợ gần 40 tỷ đồng. Nguồn vốn cho vay tập trung chủ yếu các chương trình như: cho vay hộ nghèo, cận nghèo; nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn; giải quyết việc làm…
Ông Nguyễn Đức Hữu, Chủ tịch UBND xã Đắk Sôr cho biết: “Mục tiêu hoàn thành chương trình nông thôn mới của xã đề ra trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá cả nông sản xuống thấp, đời sống người dân khó khăn. Trước áp lực như vậy, nguồn vốn vay từ NHCSXH huyện thông qua nhiều chương trình đã góp phần giảm áp lực cho địa phương khá lớn”.
Theo ông Hữu, thông qua nhiều chương trình, người dân đã có cơ hội vay vốn để đầu tư. Lãi suất thấp, điều kiện và thủ tục vay đơn giản, tạo tâm lý yên tâm cho người dân nghèo. Nguồn vốn vay được bà con đầu tư vào những mô hình phù hợp. Từ đây, nguồn vốn chính sách ngày càng phát huy hiệu quả trong đời sống của người dân.
Người dân xã Đắk Sôr được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH để phát triển sản xuất, đời sống xã hội ngày càng nâng cao |
Năm 2019, bà Hà Thị Minh Trâm, thôn Đức Lập, xã Đắk Sôr cũng vay 70 triệu đồng từ NHCSXH huyện. Trong đó, 50 triệu đồng được vay từ chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, còn 20 triệu đồng từ chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn.
Theo bà Trâm, nguồn vốn vay này, bà dùng đầu tư vào chăm sóc vườn cà phê trồng xen cây ăn quả. Số còn lại, gia đình cải tạo lại hệ thống máy móc, bồn rửa, nhằm bảo đảm vệ sinh sạch sẽ cho cả nhà.
“Đất sản xuất của gia đình có hơn 1 ha. Trước đây không có vốn đầu tư nên năng suất vườn cây không cao. Từ lúc được đầu tư bài bản, vườn cây phát triển tốt, năng suất được cải thiện. Sau mỗi vụ thu hoạch, gia đình tôi tích góp thêm một số tiền để tái đầu tư”, bà Trâm cho biết.
Cách đó không xa, gia đình ông Đinh Văn Chân, ở cùng thôn cũng được NHCSXH huyện cho vay 50 triệu đồng từ chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn.
Theo ông Chân, thời điểm đầu năm 2020, giá cả nông sản bấp bênh, người nông dân sản xuất hầu như không có lãi. Để đầu tư mùa vụ mới, nông dân phải đi vay nóng bên ngoài để duy trì vườn cây.
Đẩy mạnh các chương trình ưu đãi
Tính đến hết 30/10/2021, toàn huyện Krông Nô có 13.000 hộ gia đình được vay vốn ưu đãi của Nhà nước. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách mà NHCSXH huyện đang triển khai đạt trên 435 tỷ đồng.
Đánh giá về nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương, ông Bùi Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND huyện Krông Nô nhấn mạnh, nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH đã góp phần tạo nhiều chuyển biến trong đời sống người dân. Từ đầu tư phục vụ sản xuất, giải quyết việc làm đến vệ sinh môi trường nông thôn…
Tất cả những tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới đều có sự góp mặt không nhỏ từ nguồn vốn vay này. Bà con trên địa bàn đã chọn những khoản vay phù hợp theo nhiều chương trình, từng bước cải thiện đời sống kinh tế.
“Đến hết năm 2020, địa phương có 2/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2021, chúng tôi sẽ phấn đấu thêm 3 xã về đích trong chương trình này”, ông Sơn cho biết thêm.
Theo ông Đinh Văn Dũng, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Krông Nô, nguồn vốn sẽ tập trung vào những chương trình cho vay hộ nghèo, vệ sinh môi trường, nước sạch để bảo đảm các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Sau khi phân bổ nguồn vốn, Phòng Giao dịch tăng cường phối hợp với các tổ chức hội thường xuyên kiểm tra sử dụng vốn của người dân. “Mục tiêu của chúng tôi là hiệu quả sử dụng vốn của bà con phải đạt mức cao nhất”, ông Dũng cho biết.