Ưu tiên cán bộ người dân tộc
Huyện Đắk Glong có tỷ lệ ĐBDTTS chiếm trên 60%. Những năm qua, thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều người dân đã được vay vốn phục vụ sản xuất.
Tính đến hết năm 2021, toàn huyện có gần 6.500 lượt hộ ĐBDTTS được vay vốn, với dư nợ hơn 220 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng ĐBDTTS cũng giảm sâu qua từng năm. Để góp phần vào kết quả này, vai trò NHCSXH huyện đóng góp khá quan trọng.
Theo chị H’loan, cán bộ tín dụng Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Đắk Glong, muốn tín dụng chính sách phát huy hiệu quả, bản thân chị phải thường xuyên sâu sát cơ sở.
Quá trình vay, sử dụng vốn của các hộ tại những địa bàn 100% là ĐBDTTS phải nắm như lòng bàn tay. Có như vậy, việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách mới thực sự mang lại hiệu quả.
“Sau khi rà soát, tổng hợp danh sách, chúng tôi sẽ giải ngân vốn cho bà con. Việc tư vấn, hướng dẫn người dân sử dụng vốn được chúng tôi sát sao thường xuyên. Mục tiêu cuối cùng vẫn là phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách, góp phần giảm nghèo cho bà con”, chị H’loan chia sẻ.
Nhân viên tín dụng NHCSXH huyện Đắk Glong gặp gỡ người dân để tìm hiểu khó khăn, vướng mắc trong quá trình sử dụng vốn chính sách |
Theo ông Đào Thái Hòa, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh, về mặt chủ trương của NHCSXH Trung ương, cũng như tỉnh Đắk Nông luôn ưu tiên công tác tuyển dụng con em ĐBDTTS tại chỗ. Điều này sẽ tạo thuận tiện trong quá trình tác nghiệp, triển khai chương trình tín dụng chính sách được tốt hơn.
Tuy nhiên, thời gian qua, công tác tuyển dụng chưa được như mong muốn. Quy định có ưu tiên nhưng con em một số nơi không về địa phương công tác. Tỷ lệ cán bộ ĐBDTTS tại đơn vị chưa đến 10%. Mặc dù vậy, tuỳ vào từng địa bàn, chi nhánh có sự phân công hợp lý.
“Đơn cử như tại Đắk Glong, tỷ lệ ĐBDTTS nhiều, nên chúng tôi ưu tiên giám đốc và một số cán bộ là ĐBDTTS. Riêng một số nơi khác, số lượng người dân tộc ít, chúng tôi phát huy lợi thế của các “chân rết” tại cơ sở”, ông Hòa cho biết.
Tạo “chân rết” qua tổ TK&VV
Theo Chi nhánh NHCSXH tỉnh, ngoài những địa bàn ưu tiên cán bộ người dân tộc, đơn vị phát huy vai trò của hệ thống Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV). Với hơn 1.560 Tổ TK&VV tại 789 thôn, bon, buôn chính là “cánh tay nối dài” của NHCSXH.
Thông qua việc phát huy hiệu quả hoạt động hệ thống này, từng bước tạo tiếng nói chung, giúp bà con tại chỗ nhận thức đúng đắn về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Nhân viên NHCSXH huyện Đắk Glong kiểm tra mô hình sản xuất cà phê có vay vốn chính sách |
Tổ TK&VV bon U2, thị trấn Ea T'ling (Cư Jút) là một trong những tổ phát huy hiệu quả hoạt động trong nhiều năm liền. Theo bà H’Jer, Tổ trưởng Tổ TK&VV bon U2, hiện tại tổ quản lý 57 thành viên. Trong đó, hơn 90% là người ĐBDTTS tại chỗ.
Trước đây, đời sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Người dân chủ yếu sống bằng nghề làm rẫy. Do thiếu vốn, thiếu kỹ thuật, nên thu nhập nhiều hộ gia đình rất bấp bênh.
Với vai trò của mình, Ban Quản lý Tổ TK&VV tuyên truyền, vận động bà con tham gia, mục đích vay vốn để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Các thành viên trong tổ luôn gặp gỡ, chia sẻ, gần gũi với người nghèo. Với nỗ lực đó, đến nay dư nợ tại Tổ TK&VV bon U2 là hơn 1,8 tỷ đồng.
“Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi. Bà con sử dụng vốn hiệu quả, đúng mục đích. Nhiều thành viên trong tổ đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ổn định”, bà H’Jer chia sẻ.
Đắk Nông hiện có 213.000 người là ĐBDTTS, chiếm tỷ lệ 31% dân số toàn tỉnh. Đến hết năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng ĐBDTTS chiếm trên 14%. |
Theo ông Đào Thái Hòa, thời gian qua, thông qua 19 chương trình tín dụng chính sách mà NHCSXH tỉnh triển khai, đã có 23.000 hộ vay vốn là người ĐBDTTS, chiếm 33% các hộ còn dư nợ.
Tổng nguồn vốn cho vay đối với các hộ đồng bào là hơn 1.025 tỷ đồng. Chỉ tính riêng giai đoạn 2004-2021, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp tỷ lệ hộ nghèo trong vùng ĐBDTTS từ 80,76% xuống còn 14%. Trong đó, nhiều địa bàn được ưu tiên nguồn vốn như: Đắk Glong, Tuy Đức, Đắk R’lấp...