"Nguồn sữa" để bảo vệ rừng

Đức Hùng| 23/12/2020 08:03

Nguồn thu từ quỹ dịch vụ môi trường rừng không chỉ giúp các đơn vị chủ rừng bảo vệ rừng tốt hơn, mà người dân cũng có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Trên địa bàn tỉnh có 29 nhà máy thủy điện lớn, nhỏ và 7 cơ sở sản xuất, cung ứng nước sạch thực hiện nộp ủy thác tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng. Số tiền DVMTR bình quân thu được hằng năm khoảng từ 76 - 99 tỷ đồng để chi trả dịch vụ cho khoảng 143.000 ha rừng.

Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung được giao quản lý, bảo vệ gần 23.300 ha rừng, đất rừng tại 3 huyện Đắk Song, Đắk Glong và Krông Nô. Để quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả, ngoài diện tích quản lý tập trung do lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của đơn vị phụ trách, đơn vị còn giao khoán hơn 3.000 ha rừng cho các hộ dân để quản lý, bảo vệ.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung cho biết, nguồn thu cho các hoạt động của đơn vị dựa hoàn toàn vào cung ứng DVMTR. Toàn bộ diện tích rừng của đơn vị thuộc lưu vực sông Sêrêpốk, có mức chi trả tiền cung ứng DVMTR trong năm 2019 là gần 400.000 đồng/ha. Theo kế hoạch, trong năm 2020, đơn vị nhận được khoảng 7,5 tỷ đồng tiền cung ứng DVMTR để hoạt động.

Lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Tà Đùng và các hộ nhận khoán phối hợp tuần tra rừng

Tương tự, Vườn Quốc gia Tà Đùng (Đắk Glong) hiện có khoảng 16.000 ha rừng được chi DVMTR. Trong đó có 6.000 ha rừng được giao khoán cho 201 hộ dân trên địa bàn để quản lý, bảo vệ.

Theo ông Khương Thanh Long, Giám đốc Vườn Quốc gia Tà Đùng, mỗi năm đơn vị nhận tiền chi trả DVMTR khoảng 7 tỷ đồng. Đây là nguồn kinh phí để đơn vị thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Nhờ nguồn thu này, đơn vị có nguồn lực tài chính, nguồn lực con người để triển khai bảo vệ và phát triển rừng ngày một tốt hơn. Đời sống của người dân tham gia nhận khoán rừng ngày càng được cải thiện cũng nhờ nguồn quỹ này. Trung bình mỗi năm, một hộ nhận khoán có thêm thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng.

Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Đắk Nông, tính từ năm 2011 - 2019, tổng số tiền mà Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng thu từ các đối tượng sử dụng DVMTR là hơn 600 tỷ đồng. Đơn vị đã chi trả cho các đơn vị chủ rừng là hơn 479 tỷ đồng.

Diện tích rừng được bảo vệ từ nguồn tiền DVMTR của tỉnh đến nay là hơn 143.000 ha. Trong đó, rừng đặc dụng là hơn 38.000 ha, rừng phòng hộ hơn 34.000 ha và rừng sản xuất hơn 70.000 ha.

Tiền DVMTR được chi trả cho 23 chủ rừng là tổ chức Nhà nước; 39 chủ rừng là các đơn vị Nhà nước cho thuê rừng để thực hiện các dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp; 59 đối tượng được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng; 11 cộng đồng thôn, bon và hàng trăm hộ gia đình nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng.

Đơn giá chi trả tiền DVMTR trong năm 2019 đối với lưu vực sông Đồng Nai của các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư là hơn 954.000 đồng/ha. Đối với lưu vực sông Sêrêpốk hơn 400.000 đồng/ha. Nguồn thu nhập này không chỉ giúp các gia đình có thêm việc làm, nâng cao đời sống, tăng thêm thu nhập mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo.

Qua gần 10 năm thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã và đang góp phần nâng cao trách nhiệm, nhận thức của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương trong việc bảo vệ rừng. Công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh nhờ đó đã có những chuyển biến đáng kể. Các chủ rừng trên địa bàn tỉnh đã chủ động, tích cực tổ chức bảo vệ rừng. Người dân cũng tích cực đóng góp công sức để giữ gìn, bảo vệ rừng tốt hơn.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/quan-ly-bao-ve-rung/nguon-sua-de-bao-ve-rung-83778.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/quan-ly-bao-ve-rung/nguon-sua-de-bao-ve-rung-83778.html
x
    Nổi bật
        Mới nhất
        "Nguồn sữa" để bảo vệ rừng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO