Nguồn nhân lực - Yếu tố hàng đầu phát triển kinh tế - xã hội Ðắk Nông

Vũ Hà| 01/02/2023 16:25

Các nguồn lực con người, vốn, tài nguyên thiên nhiên, cơ sở vật chất - kỹ thuật, khoa học - công nghệ... có mối quan hệ nhân - quả. Nguồn nhân lực được xem là năng lực nội sinh chi phối các nguồn lực khác và quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Nguồn nhân lực chất lượng cao là nguồn nhân lực có trí tuệ, chuyên môn tốt, được đào tạo từ cơ bản đến chuyên sâu nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thị trường lao động. Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là yếu tố quan trọng bảo đảm cho nền kinh tế phát triển, hội nhập sâu rộng, bền vững, ổn định trong thời đại tri thức mới.

Nguồn nhân lực có ưu thế là không bị cạn kiệt nếu biết bồi dưỡng, khai thác và sử dụng hợp lý. Các nguồn lực khác dù nhiều đến đâu cũng chỉ hữu hạn và chỉ phát huy tác dụng khi kết hợp với nguồn nhân lực có hiệu quả. Nguồn nhân lực là nhân tố quyết định việc khai thác, sử dụng, bảo vệ và tái tạo các nguồn lực khác, quyết định quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.

Một địa phương, trong đó có Đắk Nông, có thể không giàu về tài nguyên, điều kiện thiên nhiên không mấy thuận lợi, nhưng kinh tế có thể tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững, nếu biết đề ra và tổ chức thực hiện đường lối kinh tế đúng đắn; đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và đội ngũ trí thức xứng tầm; lực lượng công nhân kỹ thuật tay nghề cao và có các doanh nhân tài ba.

Đắk Nông được xem là khu vực có thế mạnh đặc thù nhưng quá trình phát triển trong những năm qua vẫn còn hạn chế. Những năm gần đây nguồn nhân lực Đắk Nông nâng cao cả về chất lượng, trình độ chuyên môn. Thế nhưng, so với chính các tỉnh Tây Nguyên, nguồn nhân lực Đắk Nông vẫn còn có sự chênh lệch.

Nền kinh tế Đắk Nông còn thấp nên gặp nhiều khó khăn trong giải quyết việc làm cho người lao động; cơ cấu nhân lực lao động cũng còn nhiều bất cập. Lao động trong nông, lâm nghiệp chiếm tỷ trọng lớn so với các ngành công nghiệp và xây dựng, thương mại và dịch vụ. Cơ cấu đào tạo hiện nay chưa thực sự phù hợp, thiếu hợp lý, thừa thầy thiếu thợ, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong khi đó, sự di chuyển của nguồn nhân lực có kiến thức và kỹ thuật ra tỉnh ngoài làm thất thoát nguồn nhân lực, lao động giỏi. Vấn đề sử dụng lao động, bố trí việc làm cho đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn cao chưa hợp lý, chưa được tạo mọi điều kiện, cơ hội để phát triển và thăng tiến trong nghề nghiệp.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển thì chính nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo là giải pháp đầu tiên và có tác động lâu dài nhất. Trong khi đó, hệ thống giáo dục - đào tạo của Đắk Nông chưa phát triển, cơ sở vật chất nghèo nàn, đội ngũ giáo viên thiếu và yếu; trình độ học vấn và chất lượng nguồn nhân lực thấp so với yêu cầu, lao động chưa qua đào tạo nghề còn rất lớn.

Qúa trình xây dựng và phát triển, chất lượng nguồn nhân lực Đắk Nông đã cải thiện hơn trước, nhất là năng suất lao động, tạo tốc độ tăng trưởng khá, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng cao. Tuy nhiên, những thành tựu đạt được so với nguồn lực đã đầu tư, cùng với những điều kiện, vận hội và thời cơ đem lại, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa tương xứng với tiềm năng; không ít chính sách bất hợp lý, thiếu đồng bộ, gây cản trở cho việc phát huy tốt nguồn nhân lực.

Dưới góc độ nguồn nhân lực, Đắk Nông đang vấp phải 3 trở lực lớn: chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, bất cập về kết cấu hạ tầng, vật chất - kỹ thuật, thể chế và năng lực quản lý nguồn nhân lực. Số lượng cán bộ khoa học, chuyên gia trong các lĩnh vực còn ít, các công trình khoa học có tính ứng dụng thực tiễn còn thấp. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức chưa tương xứng, chưa đáp ứng tốt yêu cầu công việc; khả năng quản lý, điều hành còn nhiều hạn chế.

Nếu không nhanh chóng khắc phục được hạn chế, yếu kém nói trên, tỉnh sẽ phải đối diện với những nguy cơ, những thách thức mới lớn hơn và sẽ kéo theo sự tụt hậu xa hơn. Mặt khác sẽ đối mặt với nguy cơ khủng hoảng chất lượng nguồn nhân lực, mà hệ quả của nó là sụt giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế; khó thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình” và đánh mất cơ hội tham gia thị trường lao động cao.

Thực trạng trên cũng đặt ra yêu cầu tập trung cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của Đắk Nông. Câu hỏi đặt ra ở đây là làm sao để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực?

Muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cần xây dựng chương trình đào tạo nghề, hỗ trợ chi phí học nghề cho người lao động, có chính sách, biện pháp kết hợp hiệu quả giữa đào tạo và sử dụng lao động trong chiến lược phát triển kinh tế. Cụ thể đó là: Chính sách hướng nghiệp, dạy nghề, học nghề; dự báo nhu cầu lao động đồng thời cân đối lao động theo trình độ, ngành nghề; chính sách cụ thể để thu hút lao động làm việc ở ngoài tỉnh…

Theo đồ án quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2030, nhu cầu về nguồn nhân lực của Đắk Nông là khá lớn để đáp ứng các kịch bản phát triển của 4 ngành kinh tế mũi nhọn gồm: nông nghiệp, công nghiệp khai khoáng, năng lượng tái tạo và du lịch.
Để sản phẩm nông nghiệp ứng dụng hoàn toàn công nghệ cao đạt 15% giá trị nông sản vào năm 2030, Đắk Nông sẽ cần đủ lao động nông nghiệp, nhất là lao động có trình độ. Trong đó, cần khoảng 60.000 lao động thường niên và khoảng 120.000 lượt lao động thời vụ; khoảng 16.000 người, bao gồm nhân công thường niên và nhân công thời vụ; 1.600 việc làm mới ngắn hạn, 500 – 900 việc làm mới dài hạn cho ngành năng lượng tái tạo; khoảng 6.700 việc làm cho ngành công nghiệp khai khoáng và khoảng 2.000-2.300 nhân lực du lịch. Trên cơ sở kịch bản về nguồn nhân lực này, Đắk Nông cần xây dựng lộ trình phù hợp để phát triển nguồn cung lao động để phục vụ nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguồn nhân lực - Yếu tố hàng đầu phát triển kinh tế - xã hội Ðắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO