Trong thời gian qua, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả. Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi đã mang lại hiệu quả thiết thực. Nhiều địa phương và doanh nghiệp đã chọn nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm hướng phát triển chính với các công nghệ như tưới nhỏ giọt, tự động hóa, nhà kính, điều tiết dinh dưỡng tự động, cảm biến nhiệt… được ứng dụng vào trong sản xuất. Tuy nhiên, để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bền vững theo chuỗi giá trị; tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực thì công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải đóng một vai trò rất quan trọng.
Ảnh minh họa |
Trong phát triển nguồn nhân lực cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói chung, vai trò của đội ngũ khuyến nông các cấp rất quan trọng. Đội ngũ khuyến nông nếu phát huy được vai trò thì đây là cầu nối đưa khoa học công nghệ đến trực tiếp người dân, doanh nghiệp. Đối với Đắk Nông, đội ngũ khuyến nông thời gian qua đã có nhiều nỗ lực, nhưng những khó khăn về mặt cơ chế, trình độ nên việc chuyển giao khoa học công nghệ ứng dụng trực tiếp vào sản xuất chưa được nhiều. Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao phát triển thành công trong thời gian qua vẫn chủ yếu là người dân, doanh nghiệp tự tìm hiểu, học hỏi, ứng dụng là chính. Điều này đặt ra vấn đề là công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần được quan tâm nhiều hơn nữa. Trong đó, ngoài đội ngũ khuyến nông các cấp thì đội ngũ lao động có trình độ, khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến để ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, nhất là các lĩnh vực như thú y, công nghệ sau thu hoạch, đất và phân bón, thủy sản, lâm nghiệp, cơ điện nông nghiệp… cần được quan tâm, đào tạo nhiều hơn.
Hiện nay, Đắk Nông đã thu hút được một số doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và bảo quản sau thu hoạch thì vấn đề nguồn lao động có chuyên môn về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lại càng đòi hỏi hơn bao giờ hết. Kinh nghiệm từ nhiều tỉnh, thành phố có nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển thì việc liên kết xây dựng các mô hình đào tạo đều trên cơ sở gắn kết giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học với hoạt động sản xuất của các cơ sở. Các chương trình tập huấn cho đội ngũ khuyến nông được chú trọng nhiều hơn về rèn luyện kỹ năng, đào tạo theo hướng chuyên sâu để giúp họ nắm vững chuyên môn từ đó truyền đạt, chuyển giao các kiến thức khoa học công nghệ đối với người nông dân, doanh nghiệp một cách đơn giản, dễ tiếp nhận và ứng dụng cao vào thực tiễn sản xuất.