Chính trị

Nguồn lực nội sinh văn hóa Đắk Nông (kỳ 2): Đau đáu nỗi lo

Thùy Dương 12/10/2023 10:05

Mặc dù đã có sự nỗ lực của các cá nhân và ngành chức năng nhưng do thời gian và sự biến đổi của cuộc sống, hồn cốt văn hóa Đắk Nông đang đứng trước nguy cơ mai một.

ky-2.png

Mặc dù đã có sự nỗ lực của các cá nhân và ngành chức năng nhưng do thời gian và sự biến đổi của cuộc sống, hồn cốt văn hóa Đắk Nông đang đứng trước nguy cơ mai một.

ky-2-tit.png

Sự tác động của nền kinh tế thị trường đã làm thay đổi quan niệm và lối sống của người dân tộc thiểu số (DTTS), nhất là đối với thanh niên, thế hệ kế cận. Loại hình hát kể sử thi, khách quan đánh giá, hiện nay không thể cạnh tranh với sự đa dạng và hấp dẫn của các loại phương tiện nghe nhìn hiện đại. Không ít bạn trẻ chạy theo các trào lưu âm nhạc, có thể cháy hết mình với thần tượng nhưng lại không mặn mà với không gian hát kể sử thi.

tay-nguyen.png

Sử thi của Tây Nguyên nói chung, của các DTTS tại chỗ Đắk Nông nói riêng, đang đối mặt với nguy cơ bị mai một. Trong một bài viết nghiên cứu đăng trên Tạp chí điện tử lý luận chính trị, TS Phan Thanh Giản, Học viện Chính trị khu vực III phân tích, các nghệ nhân hiện nay già yếu, một số người quên không nhớ được nhiều các trường đoạn của sử thi.

Việc phiên âm, biên dịch các tác phẩm sử thi vốn là công việc khó khăn, nay lại càng nan giải hơn bởi những nghệ nhân vừa biết hát kể sử thi, vừa có khả năng phiên âm, biên dịch chuyển ngữ vốn đã cực kỳ thưa thớt thì nay hầu như không còn ai. Một số nghệ nhân biết kể sử thi đi làm ở rẫy xa nhà nhiều ngày, không có nhiều thời gian và không gian cũng như các dịp nông nhàn để diễn xướng sử thi cho các thành viên trong gia đình và cộng đồng thưởng thức như trước đây.

“Đối với nghệ nhân trẻ, chưa có nhiều người đủ khả năng để đón nhận, tích góp những vốn liếng của các thế hệ đi trước để lại. Đây là những nguy cơ thất truyền loại hình di sản văn hóa phi vật thể này, vì nếu chính cộng đồng, những người thực hành sử thi không hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của nó thì dần sẽ có nguy cơ biến mất”, TS Phan Thanh Giản cho biết.

them-tit.png

Có ý kiến cho rằng, nếu như di sản văn hóa vật thể là những “hiện vật lịch sử”, phản ánh quá khứ lịch sử của một dân tộc thì di sản văn hóa phi vật thể lại là những truyền thống văn hóa đang sống, vừa tương đối ổn định vừa mang tính động.

_d4s9324(1).jpg
Di sản văn hóa là sợi dây vô hình, có khả năng gắn kết các cá nhân trở thành một cộng đồng tồn tại lâu dài

Các di sản phi vật thể bao gồm các lễ hội, phong tục tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng, ngôn ngữ, văn chương, nghệ thuật trình diễn... được tích lũy và tái tạo trong cộng đồng, qua nhiều thế hệ. Văn hóa phi vật thể cùng với di sản văn hóa vật thể tạo ra chiều sâu, bề dày và các giá trị riêng có ở một vùng đất. Di sản văn hóa là sợi dây vô hình, có khả năng gắn kết các cá nhân trở thành một cộng đồng tồn tại lâu dài và bền chặt.

_dsc3877(1).jpg
Việc tổ chức khôi phục các lễ hội truyền thống cũng như công tác vận động người dân tham gia lễ hội còn gặp khó

Tuy nhiên, không phải ở đâu và lúc nào, vai trò, ý nghĩa của văn hóa cũng được hiểu đúng và đặt đúng vị trí tương xứng. Cũng vì sự thờ ơ và bất lực trong việc gìn giữ vốn văn hóa truyền thống, mà không ít di sản văn hóa đã dần biến mất khỏi đời sống của chính cộng đồng đã sản sinh, nuôi dưỡng, trao truyền và hưởng thụ vốn văn hóa ấy.

Về những hạn chế trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống, Sở VHTT-DL đánh giá, một số địa phương chưa thực sự chủ động trong tổ chức thực hiện khôi phục, bảo tồn, phát huy lễ hội.

dieu-mua-dan-gian-trong-le-cung-cong-2.jpg
Đồng bào M'nông thực hành một nghi lễ

Theo Sở VHTT-DL, sự thay đổi và phát triển của nền kinh tế thị trường đã tác động mạnh mẽ đến đời sống tinh thần, vật chất của các tầng lớp Nhân dân, làm ảnh hưởng đến việc tổ chức khôi phục các lễ hội truyền thống cũng như công tác vận động người dân tham gia lễ hội. Nguồn ngân sách còn nhiều khó khăn, các lễ hội lớn được tổ chức chủ yếu từ nguồn kinh phí xã hội hóa.

Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng, chính quyền tại một số địa phương chưa thường xuyên đôn đốc, theo dõi, chưa làm tốt công tác vận động, tuyên truyền cho Nhân dân hiểu và ý thức được trách nhiệm của họ trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc mình.

_dsc4964(1).jpg
Di sản văn hóa phi vật thể là tồn tại trong trí nhớ, được lưu truyền chủ yếu bằng truyền miệng

Do đặc thù của di sản văn hóa phi vật thể là tồn tại trong trí nhớ, được lưu truyền chủ yếu bằng truyền miệng và đặc biệt là bị tác động mạnh bởi quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự giao lưu, hội nhập văn hóa quốc tế, bởi vậy, vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể chưa tương xứng với tiềm năng.

det-tho-cam(1).jpg
Nghề dệt thổ cẩm chưa đem lại nguồn thu nhập cao

Các làng nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm, làm rượu cần… có quy mô nhỏ, chủ yếu do người dân sản xuất thủ công, phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại chỗ, mẫu mã chưa phong phú nên việc đưa các sản phẩm này vào tiêu thụ, phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách còn hạn chế.

Công tác sưu tầm còn mang tính dàn trải, chưa sâu, nhiều di sản văn hóa đã được sưu tầm nhưng chưa được đưa vào khai thác, sử dụng trong đời sống. Nhiều nếp sống sinh hoạt văn hóa không còn phù hợp với đời sống hiện tại, các tệ nạn mê tín dị đoan vẫn còn tồn tại ở một số địa bàn đồng bào dân tộc thiểu số.

Đối với các di tích lịch sử, một số hạng mục công trình với nhiều yếu tố gốc cấu thành di tích do chưa được xây dựng hàng rào bảo vệ nên thời gian dài bị mưa, nắng làm lu mờ vết tích, khó khôi phục, phục dựng như ban đầu. Các điểm di tích thời kỳ kháng chiến chống Mỹ bị gia súc của người dân chăn thả tự do, giẫm đạp ảnh hưởng đến công sự hầm, hào, lô cốt…

tit-.png
chieng1(1).jpg
Số chiêng lớn, nhỏ các bon, buôn còn ít

Trăn trở về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trước nguy cơ mai một, các nghệ nhân DTTS cho biết, đã có một thời gian dài, bà con ở các bon làng vì thấy cái lợi trước mắt đã bán chiêng, cổ vật, những vật dụng có giá trị trong nhà. Số chiêng lớn, chiêng nhỏ các bon chỉ còn sót lại vài cái riêng lẻ nên mỗi khi biểu diễn gặp nhiều khó khăn vì chiêng phải đủ bộ mới đánh được, thiếu một chiếc không thành bộ chiêng.

Chị Đăng Lát Sanh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cồng chiêng xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong cho biết: “Khi thành lập câu lạc bộ, ngay cả những người biết hát dân ca, biết đánh chiêng, tôi phải vận động nhiều lần mới thuyết phục được họ tham gia duy trì văn hóa truyền thống”.

sanh.png

“Các nghệ nhân am hiểu về lễ hội truyền thống hiện nay tuổi đã cao, một số đã mất không có người kế cận và không thuộc được bài cúng, bài khấn thần trong các nghi thức tổ chức lễ hội nên ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống. Chính sách đãi ngộ cho nghệ nhân tham gia lễ hội còn hạn chế”, chị H’Hiền, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đắk Glong chia sẻ.

hien-dung.png

Các nghệ nhân cho rằng, các cấp chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước cần quan tâm tạo điều kiện cho các nghệ nhân chưa được phong tặng hoặc có sự linh hoạt trong tiêu chí phong tặng đối với các nghệ nhân lớn tuổi. Càng có nhiều nghệ nhân thì công tác bảo tồn, lưu giữ và truyền dạy văn hóa cũng như nghề truyền thống càng được thực hiện tốt.

le-cung-cong-m-nong.jpg
Đồng bào M'nông tái hiện một nghi lễ lâu đời

Một thực tế hiện nay, do ảnh hưởng và tác động của hoạt động tuyên truyền đạo trái pháp luật, nhiều nơi đồng bào các DTTS đã từ bỏ phong tục tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp tồn tại hàng trăm năm của dân tộc mình. Đây chính là nguy cơ làm mất đi tinh hoa, bản sắc văn hóa dân tộc, có tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống của đồng bào DTTS.

Với sự phát triển của đa phương tiện, mạng xã hội tạo cơ hội hưởng thụ nhiều giá trị văn hóa mới, nhưng cũng là nguy cơ tạo làn sóng lấn át, cuốn trôi những giá trị văn hóa truyền thống. Vấn đề này đã được đề cập nhiều năm nhưng chúng ta vẫn lúng túng trong cách quản lý, định hướng giá trị văn hóa - lịch sử, nhất là cho lớp trẻ.

Dù đã có nhiều cơ chế đầu tư, hỗ trợ cho các dự án bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế, nhưng hiện nay, một số cơ chế chính sách hỗ trợ cho công tác bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, cho phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS chưa bắt kịp với những thay đổi của thực tiễn...

(Còn nữa)

Nội dung: Thùy Dương, Lệ Sương, Thanh Thanh

Thiết kế: Thùy Dương

Ảnh: Ngô Minh Phương, Thanh Thanh, Nguyễn Nam, dangcongsan.vn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguồn lực nội sinh văn hóa Đắk Nông (kỳ 2): Đau đáu nỗi lo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO