Nguồn lực giúp phụ nữ Đắk Nông phát triển kinh tế
Qua bám sát địa bàn, theo dõi tình hình và nhu cầu của thành viên, Quỹ "Cơ hội cho phụ nữ làm kinh tế tỉnh Đắk Nông" (Quỹ Cơ hội) góp phần giúp chị em có thêm nguồn lực trong phát triển kinh tế.
Kênh vốn hữu ích
Được xét duyệt cho vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn của Quỹ Cơ hội, chị Triệu Thị Huệ ở xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp sẽ dùng để đầu tư chăm sóc vườn cà phê trong mùa mưa này. "Lâu nay do thiếu vốn đầu tư nên vườn cà phê đạt năng suất thấp, trong khi giá cả trên thị trường đang ở mức cao, gia đình cảm thấy tiếc vô cùng. Nay được vay vốn từ Quỹ Cơ hội giúp gia đình tôi có thêm nguồn lực để đầu tư, chăm sóc vườn cà phê, từng bước vượt qua khó khăn”, chị Huệ cho hay.
Chị Thị Lan ở xã Nâm Nung, huyện Krông Nô cũng cho hay, với nguồn vốn được vay là 28 triệu đồng từ Quỹ Cơ hội, gia đình tôi quyết định mua phân bón để tập trung đầu tư cho vườn cà phê năng suất thấp do thiếu phân bón. Nguồn vốn của quỹ đã thực sự tiếp sức cho gia đình có thêm điều kiện để mạnh dạn hơn trong sản xuất.
Bà Phạm Thị Vân, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tuy Đức cho biết: “Quỹ Cơ hội thực sự là kênh vốn hữu ích, hỗ trợ hội viên, phụ nữ có được nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, giảm nghèo. Đến nay, tổng dư nợ của quỹ tại huyện Tuy Đức đạt 8,1 tỷ đồng, với 844 hội viên được vay để đầu tư sản xuất, chăn nuôi hiệu quả”.
5 tháng đầu năm 2024, tổng nguồn vốn Quỹ "Cơ hội cho phụ nữ làm kinh tế tỉnh Đắk Nông" giải ngân đạt trên 10 tỷ đồng, với 353 lượt hội viên phụ nữ vay, đạt 128,50% kế hoạch. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số có 123 lượt vay, với số tiền 3,43 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay của quỹ hiện đạt 43,5 tỷ đồng, với 1910 hội viên vay, dư nợ bình quân 22,7 triệu đồng/người.
Hiện nay, toàn tỉnh có 255 nhóm tiết kiệm - tín dụng phụ nữ được thành lập và đang hoạt động với 4.400 thành viên. Các nhóm tiết kiệm - tín dụng đã phát huy vai trò là cầu nối, đưa nguồn vốn tín dụng, chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, sử dụng vốn vay đúng mục đích và có hiệu quả. Các nhóm còn tổ chức sinh hoạt định kỳ, tuyên truyền về cách chi tiêu tiết kiệm trong gia đình, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, hướng dẫn xây dựng các mô hình kinh tế...
Các thành viên tham gia nhóm, bên cạnh được vay vốn theo nhu cầu thì còn có trách nhiệm gửi tiết kiệm bắt buộc và tiết kiệm tự nguyện, gọi là có thêm nguồn vốn đối ứng để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Thông qua nguồn vốn của quỹ cùng với kiến thức được tập huấn về phát triển kinh tế, nhiều chị em đã biết lựa chọn mô hình trồng trọt, chăn nuôi, phù hợp với hoàn cảnh gia đình, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh việc quản lý và sử dụng các nguồn vốn vay, các thành viên trong tổ, nhóm còn tự nguyện xây dựng quỹ tình thương để tương trợ, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Nếu gặp rủi ro, bất trắc trong cuộc sống như không may mắc bệnh hiểm nghèo, tử vong, quỹ còn miễn toàn bộ lãi vay trong suốt chu kỳ cho vay các trường hợp thuộc diện không được xóa nợ theo quy định.
Trải qua 10 năm hình thành và phát triển, lũy kế tổng dư nợ cho vay của Quỹ "Cơ hội cho phụ nữ làm kinh tế tỉnh Đắk Nông" đạt gần 272 tỷ đồng với 13.021 lượt thành viên vay. Quỹ đã góp phần đáng kể vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của nhiều địa phương, hỗ trợ được 418 hộ thoát nghèo.
Bà Nguyễn Thị Trà Linh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đắk Nông
Theo bà Nguyễn Thị Trà Linh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh kiêm Giám đốc Quỹ "Cơ hội cho phụ nữ làm kinh tế tỉnh Đắk Nông", quỹ đã và đang hoạt động đúng với sứ mệnh đề ra ngay từ ban đầu là hướng đến người nghèo, phụ nữ yếu thế và không vì mục đích lợi nhuận. Bằng nhiều hoạt động phong phú, phù hợp với thực tiễn đời sống, Quỹ Cơ hội đã trở thành địa chỉ tin cậy đối với chị em hội viên, nhất là hội viên yếu thế, hội viên dân tộc thiểu số.
Khắc phục những khó khăn
Từ thực tế hoạt động cho thấy, Quỹ Cơ hội thực sự là kênh vốn hiệu quả, giúp hội viên, phụ nữ nghèo, dân tộc thiểu số tiếp cận nguồn vốn để đầu tư sản xuất, tăng thu nhập, thoát nghèo, góp phần đáng kể vào chương trình giảm nghèo chung của tỉnh.
Tuy nhiên, hoạt động của Quỹ Cơ hội hiện cũng đang gặp những khó khăn, hạn chế. Cụ thể, mức vốn vay hiện tại so với giá cả, quy mô đầu tư theo hướng trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao còn thấp, nên một số thành viên còn ngần ngại khi tiếp cận nguồn vốn.
Tình trạng phát sinh nợ quá hạn vẫn còn xảy ra ở mức khá cao, chưa thu hồi triệt để. Cụ thể, tổng dư nợ quá hạn tính đến thời điểm 31/5/2024 là 1,59 tỷ/43,5 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 3,67% tổng dư nợ cho vay. Hình thức cho vay của quỹ là tín chấp dựa trên cơ sở bảo lãnh của nhóm và chính quyền địa phương, dẫn đến tính ràng buộc về nghĩa vụ trả nợ của thành viên chưa cao. Vẫn còn tình trạng các hộ dân khi vay quỹ về đầu tư, sử dụng chưa đúng mục đích hoặc hiệu quả sử dụng vốn chưa cao...
Bà Nguyễn Thị Trà Linh thông tin thêm, trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh và quỹ thường xuyên chỉ đạo các điểm giao dịch bám sát địa bàn, phối hợp với chính quyền địa phương theo dõi tình hình để hạn chế thấp nhất tình trạng thành viên đang vay vốn bỏ trốn khỏi địa phương, chiếm dụng vốn, phát sinh nợ xấu. Cùng với tập trung phân loại, khoanh vùng nhóm nợ, đối tượng nợ để áp dụng các biện pháp xử lý, quỹ phối hợp đẩy mạnh công tác quản lý tín dụng, quản lý thành viên, giám sát các hoạt động của nhóm, để nắm bắt và đánh giá đúng tình hình hoạt động cho vay tại địa phương.
Quỹ thường xuyên tuyên truyền các hoạt động đến thành viên về quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia vay cũng như tăng cường kiểm tra, giám sát hồ sơ và công tác giải ngân để kiểm soát chặt chẽ hơn quá trình sử dụng vốn vay đầu tư cho sản xuất, kinh doanh.