Nguồn dược liệu trong nước mới chỉ đáp ứng 25% nhu cầu sản xuất
Trung bình mỗi năm cả nước sử dụng khoảng 100.000 tấn dược liệu các loại vào việc chế biến vị thuốc y học cổ truyền. Trong đó, chỉ khoảng 25% được sản xuất trong nước, còn lại phải nhập khẩu.
Phát biểu tại buổi lễ công bố chương trình vinh danh "Vì sự phát triển dược liệu Việt gắn với phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi" diễn ra tại Hà Nội chiều 26/9, PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược Cổ truyền (Bộ Y tế), cho biết, Việt Nam đã có nền y dược học cổ truyền lâu đời.
Nền y học cổ truyền Việt Nam ban đầu đặc trưng bởi những cây cỏ xung quanh, những loại thảo dược sẵn có trong tự nhiên, từ đó đúc kết thành kinh nghiệm tạo lên những bài thuốc hay, phương thuốc quý.
"Với hệ sinh thái phong phú, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn về việc nuôi dưỡng và phát triển các cây thuốc, dược liệu quý, hiếm. Nước ta có vô số loại cây có thể dùng làm thuốc, các cây thuốc phân bố rộng khắp cả nước", PGS Thịnh nói.
Theo thống kê của Viện Dược liệu, Việt Nam đã ghi nhận trên 5.000 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc. Trong đó có nhiều loài dược liệu quý về công dụng chữa bệnh lẫn giá trị về mặt kinh tế.
Cây thuốc được phát triển có thể giúp cho nhiều vùng nông thôn, miền núi xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.
Thống kê, hàng năm chúng ta sử dụng khoảng 100.000 tấn dược liệu. Tuy nhiên, quy mô phát triển cây dược liệu ở Việt Nam còn nhỏ bé, chưa có hiệu quả cao, còn nhiều lãng phí, một số cây có nguy cơ không tồn tại.
Việt Nam mới chỉ tự cung cấp được 25% nguyên liệu để phục vụ sản xuất thuốc trong nước, còn lại 75% vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu (chủ yếu là Trung Quốc, Ấn Độ).
PGS.TS Lê Văn Truyền, Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết, muốn dược liệu Việt Nam phát triển thì phải đầu tư khoa học kỹ thuật, kết hợp 4 nhà gồm nhà nông, nhà sản xuất, nhà khoa học và nhà quản lý. Chính sách của Nhà nước cần quan tâm đến cả 4 nhà chứ không chỉ người trồng dược liệu.
Trong đó, người trồng dược liệu phải nắm được khoa học kỹ thuật. Nhà khoa học phải cung cấp giống năng suất cao cho nông dân, hướng dẫn kỹ thuật trồng chống sâu bệnh, hướng dẫn quy trình thu hoạch làm sao để giữ được chất lượng.
"Sản xuất dược liệu rất khác các sản phẩm công nghiệp khác vì phụ thuộc quá nhiều yếu tố, chu trình sinh trưởng của cây, thời tiết, thiên tai… Vì thế, chính sách phát triển dược liệu phải uyển chuyển", PGS Truyền nói.
Bên cạnh đó, hiện nay nguồn dược liệu của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Câu chuyện là nhập dược liệu như thế nào để đảm bảo chất lượng.
"Thực tế, chỉ cần có 1 cây dược liệu chúng ta tung hô rất quý là ngay lập tức rất nhiều dược liệu giả xuất hiện. Vì thế, vấn đề là quản lý nhà nước giám sát chất lượng dược liệu trên thị trường như thế nào", PGS Truyền nhấn mạnh.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu của Chính phủ, Việt Nam không chỉ chú trọng khai thác hợp lý các loài dược liệu tự nhiên, mà còn phát triển các vùng trồng dược liệu trọng điểm trên cả nước, thiết lập chuỗi liên kết vùng trồng - sản phẩm.
Điều này nhằm đáp ứng nhu cầu dược liệu phục vụ sản xuất các sản phẩm chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Chương trình vinh danh "Vì sự phát triển dược liệu Việt gắn với phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi" do báo Sức khỏe và Đời sống phối hợp với Cục Quản lý Y, Dược Cổ truyền tổ chức.
Chương trình được tổ chức như một sự động viên, khuyến khích và cổ vũ các cá nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp chung tay vì sự phát triển dược liệu Việt. Đồng thời góp phần xây dựng thói quen "người Việt dùng thuốc Việt" từ các sản phẩm dược liệu thế mạnh của Việt Nam.