Nguồn cảm hứng Công viên ĐCTC UNESCO Đắk Nông với văn học nghệ thuật
Thông qua Trại sáng tác văn học nghệ thuật (VHNT) chuyên sâu về Công viên Địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Đắk Nông, đội ngũ văn nghệ sĩ đã góp phần tuyên truyền, quảng bá, lan tỏa hình ảnh, các giá trị trong vùng di sản đến gần hơn với cộng đồng.
Nguồn cảm hứng sáng tác cho văn học nghệ thuật
Đối với họa sĩ Phạm Hưng, Hội VHNT tỉnh Hà Giang, trước chuyến đi, những mường tượng của anh về vùng đất Đắk Nông chỉ gói gọn trong những vườn cây cà phê, hồ tiêu bạt ngàn. Tuy nhiên, khi đặt chân tới đây, anh hoàn toàn ngỡ ngàng trước cảnh sắc và con người nơi cao nguyên đầy nắng và gió.
“Ngay khi tới đây, đoàn văn nghệ sĩ chúng tôi được chào đón bởi các anh chị văn nghệ sĩ Đắk Nông nồng hậu, mến khách. Điều đó khiến tôi cảm thấy đây không phải là 1 chuyến công tác mà là 1 chuyến đi quay về với chính mình, quay về với mảnh đất quê hương”, họa sĩ Phạm Hưng chia sẻ.
Trong những ngày tham gia khám phá, tìm nguồn cảm hứng sáng tác tại Đắk Nông, họa sĩ Phạm Hưng đã có cho mình nhiều ý tưởng, đề tài sáng tác. Anh Hưng cho hay, những ngày khám phá hang động núi lửa, bàn chân được đặt lên những viên đá núi lửa, có thể cảm nhận được nguồn năng lượng từ đất mẹ, từ thiên nhiên hoang sơ cùng những câu chuyện từ hàng trăm triệu năm trước. Chính nguồn năng lượng này đã cho anh cảm hứng sáng tác trong chuyến đi này.
“Đắk Nông cho tôi cảm giác về vùng đất của nghệ thuật, nơi mà thiên nhiên, con người đã là tác phẩm lớn. Cũng như các nghệ sĩ tới đây, tôi cố gắng đem hết trí tuệ, sức lực của mình để sáng tác, tái hiện một phần bức tranh mà mẹ thiên nhiên đã dày công sáng tạo suốt trăm triệu năm nay. Tuy nhiên, cũng vì thời gian có hạn nên có lẽ tôi mong muốn dành nhiều thời gian hơn để khai thác tiếp bức tranh nghệ thuật lớn của Đắk Nông trong tương lai”, họa sĩ Phạm Hưng chia sẻ.
Chia sẻ cảm xúc về trải nghiệm được đi thực tế sáng tác cùng với các đồng nghiệp, văn nghệ sĩ các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng và Lạng Sơn, nhiếp ảnh gia Trần Hồng Vân, Hội VHNT tỉnh Đắk Nông cho biết, mặc dù là lần đầu gặp gỡ nhưng niềm đam mê với nghệ thuật chính là sợi dây gắn kết các thành viên trong đoàn. Tại trại sáng tác lần này, anh có cơ hội giao lưu, chia sẻ về chuyên môn, những kinh nghiệm sáng tác với các anh chị văn nghệ sĩ các tỉnh phía Bắc.
“Mỗi một lần đi là mỗi một lần tôi được học hỏi, hiểu hơn, cảm nhận sâu sắc hơn và có thêm cảm hứng mới cho những sáng tác về thiên nhiên, con người Đắk Nông”, nhiếp ảnh gia Trần Hồng Vân chia sẻ.
Cùng tham gia trại sáng tác, nhà văn Phạm Thanh Thắng, Hội VHNT tỉnh Cao Bằng chia sẻ, anh hoàn toàn bị ấn tượng bởi thiên nhiên hoang sơ và con người với văn hóa vô cùng đặc sắc tại nơi đây. Qua chuyến đi này, anh mong muốn sẽ thực hiện được tác phẩm dài hơi, như bản trường ca giúp kết nối 2 địa danh Cao Bằng và Đắk Nông.
“Tôi thấy văn học dân gian của bà con dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng có những điểm khá gần gũi với các bộ sử thi của người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở Đắk Nông. Kết thúc chuyến đi này, tôi mong muốn không chỉ dừng lại ở việc thực hiện 1 tác phẩm bộc lộ cảm xúc của mình về mảnh đất mà mình được đặt chân tới. Hơn hết, thông qua VHNT, tôi mong muốn có thể kết nối 2 miền di sản, 2 địa phương Cao Bằng và Đắk Nông. Qua đó, giúp quảng bá hình ảnh thiên nhiên, con người, các giá trị di sản vùng CVĐCTC”, anh Thắng cho biết.
Tăng cường các hoạt động sáng tác
Diễn ra từ ngày 31/10-5/11/2024, Trại sáng tác VHNT chuyên sâu về CVĐCTC UNESCO Đắk Nông thu hút sự tham gia của 22 tác giả ở các chuyên ngành: văn học, nhiếp ảnh, mỹ thuật, múa, biên kịch đến từ các tỉnh có hệ thống CVĐC gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Đắk Nông.
Ông Đặng Bá Canh, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Đắk Nông cho biết CVĐCTC UNESCO Đắk Nông là mảnh đất màu mỡ cho văn học nghệ thuật. Trại sáng tác là sân chơi lành mạnh, cổ vũ tinh thần sáng tạo cho đội ngũ anh chị em văn nghệ sĩ để cho ra đời những tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng cao về CVĐCTC UNESCO Đắk Nông. Qua đó, phục vụ cho công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu các giá trị di sản vùng CVĐCTC tại Đắk Nông đến bạn bè trong nước và quốc tế.
Bên cạnh tổ chức trại sáng tác, dịp này, Hội VHNT các tỉnh có hệ thống CVĐCTC tổ chức ký kết phối hợp tuyên truyền về CVĐCTC giữa hội VHNT 4 tỉnh trong giai đoạn 2024 - 2029.
Ông Nguyễn Việt Hùng, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Cao Bằng cho rằng CVĐC là mô hình bảo tồn thiên nhiên, phát triển kinh tế-xã hội bền vững, được UNESCO công nhận và được các quốc gia hưởng ứng, tích cực triển khai. Tại Việt Nam, UNESCO đã vinh danh 4 CVĐCTC và hiện nay, cả 4 CVĐCTC này đã trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
“Chương trình ký kết phối hợp tuyên truyền giữa 4 hội VHNT các tỉnh có hệ thống CVĐCTC nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng trong các vùng CVĐC để bảo tồn hiệu quả các giá trị di sản. Đồng thời, giới thiệu các giá trị di sản vùng CVĐCTC, quảng bá các tour, tuyến tham quan, trải nghiệm tại hệ thống các CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, Non nước Cao Bằng, Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) và CVĐCTC Lạng Sơn đến với bạn bè trong và ngoài nước”, ông Hùng cho biết.
Sau lễ ký kết, Hội VHNT các tỉnh sẽ xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện phối hợp tuyên truyền trên cơ sở phù hợp với điều kiện, thế mạnh của địa phương và đơn vị; chủ động cung cấp thông tin, hoạt động về hệ thống CVĐC tại địa phương để hội VHNT các tỉnh có kế hoạch tuyên truyền trên tạp chí văn học nghệ thuật địa phương.
Theo đó, hội VHNT 4 tỉnh sẽ thực hiện 2 chuyên trang/năm đối với 4 tạp chí: Nâm Nung, Non nước Cao Bằng, Văn nghệ Hà Giang, Văn nghệ Xứ Lạng; tổ chức các chuyến đi thực tế sáng tác hoặc trại sáng tác; các cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật; các cuộc thi sáng tác VHNT để giới thiệu, phản ánh về các giá trị vùng di sản, vùng CVĐCTC tại 4 tỉnh,...