Hành trình tìm mộ bằng trí nhớ
Cựu chiến binh Nguyễn Duy Long đã ở cái tuổi xưa nay hiếm. Thế nhưng mỗi khi nhắc lại những năm tháng tham gia kháng chiến chống Mỹ, ông Long vẫn nhanh nhẹn, minh mẫn kể rành rọt từng kỷ niệm của mình.
Ông Nguyễn Duy Long miệt mài với việc vẽ sơ đồ mộ chí dù đã bước sang tuổi 70 (Ảnh chụp trước 27/4) |
Chỉ về phía những xấp giấy trắng, ông Long bảo, lúc nào cũng vậy, ông luôn mang sẵn những tờ giấy bên mình, bất chợt nhớ lại chi tiết, vị trí nào, ông vẽ ngay lên giấy.
Những nội dung ông vẽ không chỉ đơn giản là để “giết thời gian” mà nó còn mang lại giá trị to lớn, phục vụ cho những lần tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Đây được coi là những thông tin quý, góp phần tạo nên sơ đồ mộ chí liệt sĩ chung của tỉnh Đắk Nông.
Đầu năm 1972, ông Long được tổ chức điều động về Lâm Đồng rồi về chiến trường Quảng Đức (tỉnh Đắk Nông hiện nay). Làm tổ trưởng tổ trinh sát, không biết bao nhiêu lần ông chứng kiến những đồng đội của mình hy sinh.
Chính "Đồi chia đôi" - nơi đồng đội ông nằm lại nhiều nhất, là nơi diễn ra những trận đánh ác liệt nhất khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đi vào những năm tháng cuối cùng.
Từng vị trí đồng đội nằm, từng gốc cây, con suối… đều được ông Long thể hiện trên giấy |
“Đây là quả đồi lớn hiện nằm ở huyện Tuy Đức và Đắk R’lấp. Năm 1973, quả đồi này do một bên là bộ đội ta nắm giữ, một bên là quân địch chiếm đóng nên đánh nhau rất ác liệt. Những chiến sĩ hy sinh bên ta được chôn cất ngay dưới chân của quả đồi này”, ông Long giải thích về tên gọi "Đồi chia đôi".
Ông Long cho hay: “Sau hơn 40 năm, "Đồi chia đôi" gần như đã thay đổi hoàn toàn. Ngày ấy, chúng tôi chôn cất đồng đội hy sinh ngay tại đồi và đánh dấu bằng những gốc cây lớn. Trải qua chiến tranh, rồi đến ngày hòa bình, người dân lại phát rừng làm nương rẫy, nên những gốc cây to cũng không còn”.
Trở về từ cuộc chiến và những năm tháng công tác trong chính quyền cơ sở, ông Long dành phần lớn thời gian để cùng đồng đội đi tìm hài cốt liệt sĩ. Gần 20 năm qua, ông Long đã phối hợp với các lực lượng chức năng tìm kiếm, quy tập được hàng chục hài cốt liệt sĩ tại địa bàn huyện Tuy Đức.
Ông Long trao đổi với đồng đội của mình qua điện thoại để tái hiện lại những vị trí chôn cất năm xưa (Ảnh chụp trước 27/4) |
Xuất phát từ thực tế, trong quá trình tìm kiếm địa hình, địa vật, con người đều thay đổi, nên năm 2003, ông Long cùng một số đồng đội đã cùng vẽ lại sơ đồ mộ chí liệt sĩ. Mỗi người ở một nơi, thế nhưng chỉ cần cầm điện thoại lên trao đổi, hình ảnh về khu vực chôn cất liệt sĩ lại được gợi mở.
Lục tìm trí nhớ, ông Long tỉ mẩn vẽ ra những hình ảnh đã hằn sâu trong ký ức. Từng vị trí đồng đội nằm, từng gốc cây, con suối… đều được ông Long thể hiện trên tờ giấy trắng. Dù không được học qua trường lớp và có những sai số nhất định, nhưng đó chính là căn cứ để cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đi đến kết quả cuối cùng.
Ông Long chia sẻ: “Tôi đã ngoài 70 tuổi, nhưng hàng ngày vẫn đau đáu vì vẫn chưa đưa hết đồng đội của mình về. Trong số những thông tin tôi vẽ ra, có những vị trí chính tay tôi chôn cất đồng đội, có những vị trí tôi chỉ được thông báo lại. Đối với tôi, tất cả đều quý giá, chỉ cần biết đồng đội nằm ở khu vực nào thì cơ hội tìm thấy là rất lớn”.
Quyết tâm theo đuổi đến cùng
Gắn bó với công việc vẽ sơ đồ mộ chí, ông Long chỉ nói đơn giản rằng, tìm được hài cốt liệt sĩ là “cả một sự sung sướng, hạnh phúc”. Tìm được hài cốt liệt sĩ, không chỉ là đưa các anh lên mặt đất, quy tập về nghĩa trang để thờ cúng, mà còn thắp lên hy vọng cho những gia đình người có công.
Đối với ông Long, vẽ sơ đồ mộ chí và tìm kiếm hài cốt liệt sĩ là trách nhiệm của một người lính còn sống (Ảnh chụp trước 27/4) |
“Chứng kiến những giọt nước mắt của thân nhân liệt sĩ, thậm chí chỉ nghe được tiếng khóc qua đầu dây điện thoại thôi, cũng tiếp thêm cho tôi động lực để tiếp tục làm công việc này. Vẽ sơ đồ mộ chí, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, đối với tôi đó là trách nhiệm của một người lính”, ông lão 70 tuổi nói.
Thế nhưng, dựa vào sơ đồ mộ chí thôi chưa đủ, những lần ông Long cùng đồng đội đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ cũng gặp vô vàn khó khăn, thậm chí gặp sự phản đối của người dân.
Ông Long kể: “Chỉ mới đây, khi biết khu vực chắc chắn có hài cốt liệt sĩ bên dưới, chúng tôi đã đến nơi để tìm. Vị trí ấy nằm trên đất rẫy của người dân, họ cương quyết đòi 40 triệu đồng nếu anh em muốn vào quy tập. Cơ quan chức năng phải thuyết phục họ nhiều ngày, việc quy tập hài cốt liệt sĩ mới được triển khai”.
Nhờ những sơ đồ ông Long cung cấp mà công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ của tỉnh đã đạt được kết quả nhất định. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021) |
Người lính năm xưa cũng thừa nhận, trải qua mấy chục năm, sức khỏe lại yếu nên trí nhớ khi còn, khi mất. Đặc biệt, “sơ đồ trí nhớ” có khi lại không giống với bản đồ thực tế, nên đôi khi cũng có sai sót. Chính vì thế, bản thân ông cùng các đồng đội khác cũng từng nhiều lần tranh cãi khi không thống nhất được vị trí có hài cốt liệt sĩ.
Chia sẻ về thêm tâm nguyện của mình, ông Long xúc động cho biết, bản thân ông là người may mắn sống sót, nhưng nhiều đồng đội vẫn còn nằm lại ở đâu đó, không người nhang khói. Vì vậy, ông cùng những đồng chí, đồng đội còn sống, quyết tâm theo đuổi công việc đến cùng, khi không còn sức khỏe nữa.