Văn học - Nghệ thuật

Người thầy và mái trường trong thơ Việt Nam

Lê Thành Văn 17/11/2023 08:04

Việt Nam có nền giáo dục từ rất sớm. Hình ảnh người thầy đã trở thành đề tài xuyên suốt trong văn học Việt Nam từ xưa đến nay và là nguồn cảm hứng lớn lao, bất tận của thơ ca và nghệ thuật.

Năm 1075, triều đình nhà Lý đã tổ chức khoa thi đầu tiên để chọn nhân tài. Trong quá trình hình thành và phát triển nền giáo dục đất nước, dân tộc ta đã sinh ra nhiều người thầy vĩ đại: Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Tất Thành, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Như Mai, Văn Như Cương... Vì vậy, như một lẽ tự nhiên, hình ảnh mái trường và người thầy đã trở thành đề tài xuyên suốt trong văn học Việt Nam từ xưa đến nay và là nguồn cảm hứng lớn lao, bất tận của thơ ca hiện đại.

Trước Cách mạng tháng Tám, các tên tuổi thơ ca lớn đã để lại nhiều bài thơ hay về đề tài này như Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Vũ Đình Liên, Xuân Tâm, Tố Hữu... Đây là niềm vui hồn nhiên, trong trẻo của tuổi học trò qua bài thơ “Tựu trường” nổi tiếng của Huy Cận: "Giờ náo nức của một thời trẻ dại/ Hỡi ngói nâu, hỡi tường trắng, cửa gương/ Những chàng trai mười lăm tuổi vào trường/ Rương nho nhỏ với linh hồn bằng ngọc". Gắn liền với hình ảnh mái trường, tình yêu của tuổi học trò mơ mộng đã đi vào nhiều áng thơ bất hủ. Nhà thơ Nguyễn Bính có bài thơ “Trường huyện” được xem là một kiệt tác: "Em đi phố huyện tiêu điều quá/ Trường huyện giờ xây kiểu khác rồi/ Mà đến hôm nay anh mới biết/ Tình ta như chuyện bướm xưa thôi."

thay-giaopng.png

Viết về người thầy, có lẽ chúng ta khó lòng quên hình ảnh ông đồ nho ngồi viết chữ Hán như một hoài niệm đầy ám ảnh và xúc động khi đọc lại bài thơ “Ông đồ” nổi tiếng của thi sĩ Vũ Đình Liên. Ông đồ lúc nho học thịnh hành: "Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua". Ông đồ khi Hán tự suy vong, buồn phơ phất trong mùa xuân năm mới: "Ông đồ vẫn ngồi đấy/ Qua đường không ai hay/ Lá vàng rơi trên giấy/ Ngoài trời mưa bụi bay".

Từ khi Tổ quốc bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954), rồi hai mươi mốt năm đánh Mỹ và xây dựng cuộc sống mới trên miền Bắc, dù cả dân tộc phải gian khổ suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ, bên cạnh đề tài viết về hình tượng Tổ quốc và Nhân dân, hình tượng người lính..., hình ảnh mái trường và người thầy cũng hiện lên thật đậm nét. Khát vọng dựng xây để đem lại niềm vui đến lớp, đến trường cho thế hệ măng non của nhà thơ Tố Hữu sau cuộc kháng chiến chống Pháp thật cảm động. Đó là khát vọng của dân tộc ta sau "chín năm làm một Điện Biên" "chấn động địa cầu", rạng danh non nước: "Các em ơi đã học chưa/ Các anh dựng cho em trường mới nữa/ Chúng nó chẳng còn mong dội lửa/ Trường của em đứng giữa đồi quang/ Tiếng hát em thánh thót quanh làng" (Ta đi tới - Tố Hữu).

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đất nước trải qua nhiều thắng lợi huy hoàng nhưng cũng nhiều nỗi đau mất mát. Có những lớp học, mái trường đang bình yên bỗng phút chốc hóa thành tang thương dưới bom đạn kẻ thù. Nhà thơ Trinh Đường đau đớn ghi lại kết cục bi thảm của một lớp học sau bom đạn hủy diệt của giặc: "Thịt xương băm mấy đứa/ Như giấy vụn bay rời/ Sót ngón tay giây mực/ Không rõ là của ai" (Chúng em muốn học - Trinh Đường). Đặc biệt, từ hai cuộc chiến tranh vệ quốc, nhiều thầy cô giáo đã hi sinh nằm lại chiến trường. Có thầy trở về nhưng không còn lành lặn nữa. Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã xúc động ghi lại hình ảnh người thầy thương binh trong tiết giảng bài: "Thầy ngồi ghế giảng bài/ Xếp cạnh bàn đôi nạng gỗ/ Một bàn chân đâu rồi/ Chúng em không rõ/ Sáng nào bom Mỹ dội/ Phượng đổ ngổn ngang mái trường tốc mái/ Mặt bảng đen lỗ chỗ vết bom bi/ Thầy cầm súng ra đi/ Bài tập đọc dạy chúng em dang dở/ Hoa phượng - hoa phượng cháy một góc trời như lửa/ Năm nay thầy trở về/ Nụ cười vui vẫn nguyên vẹn như xưa/ Nhưng một bàn chân không còn nữa.." (Bàn chân thầy giáo).

Tổ quốc được thống nhất, hình ảnh mái trường và người thầy được nhiều nhà thơ khai thác sâu hơn, hay hơn và đa dạng hơn. Tất cả đều thể hiện lòng biết ơn sâu nặng của biết bao thế hệ học trò đối với thầy cô giáo đã dạy dỗ nên người. Hình ảnh mái trường hiện lên thật tươi đẹp cùng với kỷ niệm êm đềm của tuổi hồng thơ ngây. Hình như ở mỗi nhà thơ, dù ít dù nhiều, hình ảnh mái trường và người thầy là đề tài không thể vắng thiếu trong thơ. Lòng biết ơn sâu nặng về người thầy dạy ta đạo lí sống ở đời hiện lên thật chân thành và tha thiết trong thơ Nguyễn Bùi Vợi: "Thầy đã giảng cho con về đất nước Nhân dân/ Để lúc mặc lành không quên người áo vá/ Ăn miếng ngon nhớ bàn tay người trồng khoai, đỡ củ/ Câu ca dao đau đáu một đời". (Thăm thầy giáo cũ). Nhà thơ Nguyễn Liên Châu có bài thơ “Nhớ” khá hay viết về tình cảm đứa học trò khi nhớ về trường cũ, thầy xưa: "Chỗ mình ai đã ngồi thay/ Ai thế mình rót dâng thầy trà thơm? Xa quê nhớ lớp nhớ trường/ Hiểu rằng gốc rễ cội nguồn là đây". Tác giả Huy Trụ có bài thơ “Cỏ giao mùa” khái quát cả một đời người: có chiến chinh xông pha trận mạc, có hòa bình bươn chải bán mua, có kỷ niệm buồn vui, có chia li thương nhớ, nhưng quan trọng nhất là nhiều thế hệ học sinh luôn hướng về mái trường, thầy cô với niềm tri ân sâu nặng: "Năm dạy lớn, tháng dạy khôn/ Ta bươn chải giữa thị trường bán mua/ May mà vẫn có ngày xưa/ Sân trường cỏ vẫn giao mùa gọi ta" (Cỏ giao mùa). Đời thường hơn, nhà thơ Vũ Quần Phương có bài “Trường con” viết về cô giáo mầm non thật cảm động: "Cô lấy lòng yêu dạy các con/ Chữ C: trăng khuyết, chữ O: tròn/ Con ơi trăng khuyết, trăng tròn lại/ Riêng tấm lòng cô vẫn sớm hôm".

Hình tượng thầy giáo Nguyễn Tất Thành, thầy giáo Võ Nguyên Giáp xuất hiện trong thơ ca hiện đại như một sự cảm phục về tâm hồn và đức độ cao cả, niềm khát vọng gieo mầm chữ cho giống nòi nước Việt trong hoàn cảnh đất nước bị ngoại bang xâm chiếm. Đây là nỗi lòng thầy giáo Nguyễn Tất Thành ngày đi tìm đường cứu nước, rời xa mái trường Dục Thanh, xa những người học trò cũ yêu thương: "Bến Nhà Rồng sóng nước mênh mông/ Phút ngoảnh lại xóm làng lùi xa mãi/ Ôi những mái đầu xanh thơ dại/ Các em biết đâu nỗi khát vọng lòng thầy" (Thăm trường Dục Thanh - Lê Thành Văn). Đó còn là niềm cảm phục của nhiều thế hệ học trò trước người thầy giáo Võ Nguyên Giáp: "Đất nước có thầy, nhân nghĩa sáng trong hơn/ Dù danh tướng được người đời trao tặng/ Giặc nước đuổi xong rồi, thầy trở về bình lặng/ Mở trang sử năm nào vẫn bài học nước Nam" (Nhớ thầy Võ Nguyên Giáp - Lê Thành Văn).

Qua sự điểm xuyết từ một số bài thơ tiêu biểu ở các giai đoạn của văn học Việt Nam hiện đại, hình ảnh người thầy và mái trường hiện lên càng thêm sinh động. Thầy cô yêu nghề, yêu trò hơn; các em học sinh cũng sẽ yêu thêm mái trường và biết kính trọng những người thầy đã từng không quản ngày đêm dạy dỗ nên người chính là thông điệp ngàn đời của thi ca vậy.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Người thầy và mái trường trong thơ Việt Nam
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO