Người Mông trên quê hương mới Cư K’nia
Với những ngôi nhà khang trang, những đồi cà phê, ruộng lúa xanh tốt, người Mông trên vùng đất mới xã Cư K’nia, huyện Cư Jút (Đắk Nông) nay đã an cư, lạc nghiệp.
Vươn lên trên vùng đất mới
Sau hơn 5 tháng thi công, ngôi nhà với diện tích hơn 100m2 của gia đình ông Hoàng Văn Che, thôn 7, xã Cư K’nia đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Với giá trị hơn 500 triệu đồng, ngôi nhà mới khang trang là thành quả của quá trình chăm chỉ lao động sản xuất của gia đình ông Che trong những năm qua.
Gần 30 năm trước, gia đình ông Che là một trong những hộ Mông đầu tiên rời quê cũ Cao Bằng đến xã Cư K’nia lập nghiệp. Với bản tính cần cù, chịu khó, gia đình ông Che tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Năm 2012, gia đình ông Che mở thêm dịch vụ xay xát lúa và cửa hàng tạp hóa phục vụ bà con trong thôn. Từ hộ nghèo, gia đình ông Che đã vươn lên có của ăn, của để, xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm đầy đủ đồ dùng phục vụ cuộc sống.
Đất lành chim đậu, theo chân những người đi trước, ngày càng nhiều người Mông chọn mảnh đất Cư K’nia để lập nghiệp. Nhờ định hướng phát triển kinh tế từ cấp ủy, chính quyền địa phương, nhiều người dân thay đổi những tập quán canh tác lạc hậu, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Gia đình ông Lầu Văn Lành, thôn 9, xã Cư K’nia là một trong những hộ đi tiên phong trong chuyển đổi giống cây trồng. Những năm qua, cây cà phê đã mang lại nguồn thu nhập tương đối ổn định, giúp gia đình ông Lành thoát nghèo, vươn lên làm giàu, xây dựng nhà cửa khang trang…
Ông Lành cho hay: “Ngày trước mới vào đây chưa có kinh nghiệm sản xuất, chỉ trồng đậu, bắp đủ ăn. Được xã cho tham gia tập huấn, tham quan, học hỏi các mô hình thì tôi thay đổi tư duy sản xuất, trồng thêm cà phê, hồ tiêu. Mỗi vụ gia đình tôi thu nhập hơn 200 triệu đồng”.
Không bằng lòng với cái nghèo đeo bám, anh Lầu Văn Tình, thôn 10, xã Cư K’nia luôn trăn trở, chịu khó đi nhiều nơi để học hỏi, tích lũy kiến thức, áp dụng vào phát triển kinh tế. Dựa vào ưu thế của địa phương, bằng bàn tay, khối óc và ý chí quyết tâm làm giàu của bản thân, anh Tình vượt qua khó khăn, trở thành một trong những hộ người Mông trẻ sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương.
Theo ông Ma Văn Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã Cư K’nia, hiện nay, trên địa bàn xã người Mông sinh sống chủ yếu ở thôn 7, thôn 9 và thôn 10 với hơn 600 hộ, hơn 3.500 khẩu. Xã thường xuyên động viên, tuyên truyền, tập huấn cho bà con thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật, mô hình mới vào sản xuất.
Với bản tính cần cù, chịu khó, nhiều hộ người Mông đã biến vùng đất mới thành những vườn cây xanh mướt, tốt tươi, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Đến nay, gần 100% hộ người Mông có ti vi, xe máy. Trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 là 29%, đến nay chỉ còn 2%... Đây là thành quả của sự nỗ lực từng ngày của đồng bào với khát vọng có một cuộc sống ấm no, giàu đẹp trên vùng đất mới.
Thêm sắc màu cho bức tranh văn hóa Đắk Nông
Tại thôn 7, xã Cư K’nia, cơ sở may trang phục truyền thống dân tộc Mông của chị Vàng Thị Sỏa nổi tiếng gần xa.
Chị Sỏa kể, từ thuở lên 9, chị đã được mẹ dạy thêu hoa văn, họa tiết đơn giản của người Mông. Rồi chị tự học thêm và trở thành người thợ lành nghề. Giỏi nghề nhưng chị không muốn giữ riêng cho mình. Năm 2016, chị bắt đầu dạy lại nghề may trang phục Mông cho chị em trong thôn. Nhận thấy nhu cầu mua quần áo truyền thống của người Mông trên địa bàn tỉnh ngày càng cao, chị đã mở cơ sở may trang phục truyền thống dân tộc Mông.
Hiện nay, trung bình mỗi tháng cơ sở may của chị Sỏa bán sản phẩm ra thị trường được khoảng từ 70 – 100 triệu đồng; tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương với thu nhập ổn định từ 4 – 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, có gần 80 chị em phụ nữ Mông tại địa phương đến cơ sở may trang phục Mông của chị Sỏa nhận nguyên liệu về nhà thêu và may.
Sản phẩm may của chị giờ đã đi đến các chợ phiên người Mông trong và ngoài tỉnh. Tiếp cận với xu thế hiện đại, chị Sỏa còn thành công khi đưa sản phẩm đến với khách hàng bằng hình thức livestream. Chị Sỏa vừa bán hàng, vừa mang đến những câu chuyện thú vị về văn hóa dân tộc Mông trong từng sản phẩm với sự tâm huyết và tự hào.
Ngày nay, đi qua các thôn, bản người Mông ở xã Cư K’nia dễ dàng bắt gặp hình ảnh người phụ nữ Mông bên chiếc máy may. Họ tự tay làm nên những bộ trang phục rực rỡ cho mình và người thân. Sắc màu thổ cẩm dân tộc hiện diện trong mỗi nếp nhà nơi đây, các cô gái Mông nhìn theo mẹ, theo bà để học thêu, học may.
Cuộc sống ổn định, khấm khá, người Mông xã Cư K’nia có điều kiện để nâng cao đời sống tinh thần. Lễ hội truyền thống, những phiên chợ Mông, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ được người Mông và chính quyền địa phương tạo điều kiện tổ chức.
Ngày thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, từng dòng người khắp các thôn, bản nhộn nhịp đổ về họp chợ phiên xã Cư K’nia. Đây cũng là lúc những chàng trai Mông “say” với tiếng khèn, các cô gái Mông rực rỡ như những bông hoa rừng với điệu múa uyển chuyển, hút hồn người xem… Cùng với tiếng sáo, nhịp trống chiêng của người Thái và những câu hát giao duyên tình tứ của các dân tộc anh em khác đã đem đến một không gian âm nhạc đa sắc màu.
Với người Mông, đi chợ phiên cũng như đi hội. Người đến chợ không chỉ để mua bán, trao đổi hàng hóa mà đơn giản chỉ để gặp nhau, thăm hỏi bạn cũ, làm quen thêm bạn mới hay hẹn hò với người thương.
Ở mỗi phiên họp chợ, từ sáng đến trưa, các gian hàng ẩm thực ở đây luôn tấp nập thực khách ghé thăm. Bên những bếp lửa nghi ngút khói, những người đàn ông uống rượu ngô, nhâm nhi cùng món thắng cố. Chị em lại cùng thưởng thức món phở bắc, xôi màu, mèn mén ăn với canh cải, đậu nành... như là cách trao gửi tình yêu, nỗi nhớ về nguồn cội.
“Ở đây mình chủ yếu bán món gà đen của người Mông nuôi. Đặc biệt là món thắng cố Tây Bắc với món phở tự tráng làm bằng nguyên liệu lấy từ Lào Cai vào”, anh Hầu Thào Minh, một chủ tiệm ăn tại chợ phiên xã Cư K’nia cho biết.
Không khí ấm cúng, thân thiện cùng sự chân chất của đồng bào Mông khiến cho chợ phiên luôn có sức hấp dẫn du khách. Với bất kì ai đến đây đều dễ dàng trò chuyện và cảm nhận rõ ràng về nét văn hóa đặc trưng mang tính cộng đồng, về cuộc sống mộc mạc nhưng đầy thú vị nơi đây.
Chị Huỳnh Thị Hằng, thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút chia sẻ: “Lần đầu tiên đến chợ phiên xã Cư K’nia, mình rất bất ngờ. Không nghĩ ở ngay huyện có được phiên chợ mang đậm bản sắc văn hóa của người Mông. Khi đến đây, mình cảm thấy như mình đang đi du lịch ở các tỉnh miền núi phía Bắc vậy”.
Đổi thay từng ngày để thích ứng với cuộc sống, những bản làng người Mông trên quê mới Cư K’nia vẫn giữ được những nét sinh hoạt văn hóa giàu bản sắc. Trong hướng đi của sự ấm no, hạnh phúc, những câu hát, điệu múa truyền thống, các phiên chợ rực rỡ sắc màu... góp thêm màu sắc tươi sáng, sống động, rạng rỡ cho bức tranh của vùng quê mới Đắk Nông.