Đời sống

“Người mẹ” của những đứa con đặc biệt

Thanh Hằng 02/03/2023 09:20

Bà Phan Thị Hường, nhân viên Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Đắk Nông trở thành “người mẹ” đặc biệt của 21 trẻ khuyết tật, vốn chịu những thiệt thòi từ khi mới được sinh ra. Sau mỗi ngày làm việc, bà lại chăm sóc, hướng dẫn những đứa trẻ như chính những đứa con của mình.

5h sáng, những đứa trẻ tại Khu nhà nội trú của Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Đắk Nông (Gia Nghĩa) đã thức dậy, chuẩn bị cho một ngày học mới. Điều đặc biệt ở trung tâm này, mỗi buổi sáng đều không có tiếng cười nói của trẻ nhỏ, không có tiếng quát tháo của người lớn. Tất cả học sinh đều tự giác, tự vệ sinh cá nhân và diễn ra trong im lặng

Từ căn phòng cuối dãy nội trú, bà Phan Thị Hường cũng lặng lẽ đi
từng phòng, dùng ngôn ngữ ký hiệu để hướng dẫn những đứa trẻ tự
chăm sóc bản thân, chuẩn bị đồ dùng trước khi vào buổi học.

hinh-1(1).jpg
Bà Phan Thị Hường đã có 7 năm gắn bó với trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật.

Bà Hường, gốc ở tỉnh Quảng Trị đã có 7 năm gắn bó với trung tâm kể từ ngày thành lập. Cũng giống như giáo viên trong trung tâm, bà quen thuộc hết tất cả những gương mặt đang học tập tại đây. “7 năm trước, tôi đi làm công nhân ở Đồng Nai, đứa con út phải gửi ở quê nhờ ông bà nuôi hộ. Được giới thiệu về đây trông giữ trẻ, lại nghe bảo là trẻ tiểu học nên tôi bỏ việc về đây luôn. Ngày đó
không biết rằng, những đứa trẻ mà tôi trông coi là trẻ khuyết tật”, bà Hường kể lại cơ duyên đưa mình tới Đắk Nông.

Ngày nhận quyết định vào trung tâm, bà Hường bất ngờ khi gặp những đứa trẻ đang theo học ở đây. Dù đang ở tuổi tiểu học, nhưng nhận thức chỉ là trẻ lên 2, lên 3. Có cháu câm điếc bẩm sinh, tự kỷ, tăng động... Chứng kiến cảnh ấy, ban đầu trong đầu bà Hường lóe lên suy nghĩ bỏ việc, nhưng nhìn những thiệt thòi của trẻ, bà quyết định ở lại làm việc.

“Tôi nhìn những đứa trẻ mà thấy được hình ảnh đứa con trai út của mình ở ngoài quê, thiếu vắng tình cảm của bố mẹ, lại thiệt thòi từ lúc mới sinh ra nên đã quyết định ở lại. 7 năm trôi qua, có những cháu đã hòa nhập cộng đồng, có những cháu mới vào, tôi “vô tình” trở thành người thân của các cháu ở trung tâm này”, bà Hường tâm sự.

Bảo mẫu 53 tuổi cho biết, 36 học sinh tại trung tâm là 36 hoàn cảnh khác nhau. Có cháu bố mẹ ly hôn, có cháu người đồng bào dân tộc thiểu số; thậm chí có cháu nửa năm bố mẹ mới đến đón một lần, thành ra bà Hường là người gần gũi với các cháu nhất. Dù không phải những đứa con đứt ruột đẻ ra, nhưng hàng ngày chứng kiến những đứa trẻ ở trung tâm lớn khôn, bà Hường hạnh phúc, sung sướng như chính bố mẹ chúng.

hinh-2(1).jpg
Thời gian qua, bà Hường được những đứa trẻ trong trung tâm coi như người thân của chính mình.

Nhìn lại chặng đường đã gắn bó với trung tâm trong thời gian qua, bà Hường không giấu nổi cảm xúc của mình. Khó khăn, vất vả thậm chí là nước mắt, thế nhưng vì những đứa trẻ khuyết tật, bà Hường chỉ nói rằng: “Lý do lớn nhất khiến tôi còn gắn bó với trung tâm là vì những đứa trẻ. Chỉ mong sao bù đắp được một phần tình cảm cho các cháu, giúp các cháu sớm hòa nhập cộng đồng”.

Thầy Trần Thanh Ảnh, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đắk Nông cho biết, hàng ngày, ngoài việc chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ và vệ sinh cá nhân cho trẻ, bà Hường còn kiêm luôn việc “giữ trẻ” ban đêm. Chăm sóc trẻ bình thường đã vất vả, trẻ khuyết tật, nhất là khuyết tật trí tuệ càng khó khăn hơn.

“Để các em học sinh của trung tâm được hòa nhập cộng đồng, ngoài nỗ lực của các thầy cô giáo trên lớp, còn có công sức của cô Phan Thị Hường. Chính tình cảm, sự gắn bó của cô đã hỗ trợ tích cực vào việc dạy dỗ các em học sinh tại trung tâm”, thầy Ảnh nói.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        “Người mẹ” của những đứa con đặc biệt
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO