Người Mạ giữ nghề truyền thống để phát triển du lịch

Thanh Hằng| 10/10/2022 09:02

Gắn việc giữ gìn nghề với phát triển du lịch cộng đồng được xác định là hướng đi để vừa bảo tồn, phát triển nghề truyền thống, vừa cải thiện thu nhập của bà con dân tộc Mạ ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa).

ADQuảng cáo

Ở bon N'Jriêng, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa, chị H’Bình được nhận xét là người dệt thổ cẩm giỏi. Từ thuở nhỏ, chị đã theo bà, theo mẹ học dệt. Năm 15 tuổi, chị đã biết dệt váy, áo, khăn thành thạo. Hàng ngày, sau giờ lên nương rẫy, chị cần mẫn, say sưa bên khung dệt. Với sự khéo léo của đôi bàn tay đã giúp chị dệt nên nhiều sản phẩm có hoa văn tinh xảo.

Chị H'Bình (bên phải) cùng con gái nỗ lực giữ nghề dệt truyền thống của người Mạ

Ngoài chị H’Bình, nhiều chị em dân tộc Mạ ở xã Đắk Nia biết dệt thổ cẩm. Gắn bó với nghề, không chỉ giúp chị em có thêm thu nhập mà còn lưu giữ được nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Đặc biệt, khi bon N’Jriêng được xây dựng là bon du lịch cộng đồng kiểu mẫu, cơ hội cho đầu ra sản phẩm thổ cẩm càng rộng mở hơn.

“Chúng tôi cũng mong nghề dệt truyền thống phát triển song hành cùng sự phát triển của mô hình du lịch cộng đồng. Nếu sản phẩm thổ cẩm có đầu ra, chị em xã Đắk Nia sẽ có công việc, thu nhập ổn định và bảo tồn tốt những giá trị văn hóa thổ cẩm” chị H’Bình chia sẻ.

ADQuảng cáo

Cũng giống như thổ cẩm, những sản phẩm đan lát của người dân bon N'Jriêng dần được “sống lại” và xuất hiện nhiều hơn trong đời sống hàng ngày. Theo ông K’Rơng, ngày nay, nhiều đồ dùng bằng nhựa, kim loại có mẫu mã đẹp và dễ dàng mua được. Tuy nhiên, người Mạ ở xã Đắk Nia vẫn thích tự tay làm nên các vật dụng cần thiết như rổ, rá, nia, gùi bằng các nguyên liệu tre, nứa, mây rừng. Ngoài phục vụ trong gia đình, những sản phẩm đan lát này được nhiều người đặt hàng; trong đó chủ yếu để trưng bày và ứng dụng trong lĩnh vực trang trí nội thất.

Người dân bon N'Jriêng dọn dẹp, vệ sinh lại khu Nhà trưng bày chiêng của người Mạ

Ông K’Rơng tâm sự: “Đan lát luôn cần sự cẩn thận, tỉ mỉ trong từng công đoạn. Cũng như dân tộc M’nông, sản phẩm đan lát của người Mạ là kết tinh của quá trình lao động sáng tạo và cuộc sống gần gũi với thiên nhiên. Hiện nay, sản phẩm đan lát của người Mạ bon N'Jriêng  được nhiều người biết đến hơn thông qua mô hình du lịch cộng đồng. Người dân chúng tôi hy vọng, nhờ sản phẩm đan lát mà đời sống được nâng cao, thu nhập cũng ổn định hơn”.

Với định hướng phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống, đến với bon làng của đồng bào dân tộc Mạ ở xã Đắk Nia, du khách sẽ được trải nghiệm nghề dệt, nghề đan lát truyền thống và mua các sản phẩm độc đáo từ những nghề này. Với người dân bản địa, việc phát triển du lịch cộng đồng hứa hẹn giúp bà con có nguồn thu nhập ổn định từ nghề truyền thống của dân tộc mình.

Anh K’Vinh, Bí thư Chi đoàn bon N'Jriêng cho biết thêm: “Trong thời gian qua, người dân địa phương đã nỗ lực phối hợp với chính quyền và các bên liên quan dọn dẹp Nhà trưng bày chiêng người Mạ ở xã Đắk Nia, xây dựng đường hoa, lắp đặt các biển chỉ dẫn… Đặc biệt, nhờ nỗ lực bảo tồn các ngành nghề truyền thống, người dân bon N'Jriêng hy vọng sẽ có thêm thu nhập và nâng cao chất lượng đời sống từ hoạt động du lịch cộng đồng”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người Mạ giữ nghề truyền thống để phát triển du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO