Giáo dục - Đào tạo

"Người lái đò" thời 4.0 - Đổi mới để nâng cao chất lượng giảng dạy

Nguyễn Hiền 20/11/2024 05:38

Để thích ứng với thời đại 4.0, giáo viên tỉnh Đắk Nông ứng dụng công nghệ số để nâng cao chất lượng giảng dạy.

Giáo viên công nghệ hóa lớp học

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi sâu sắc nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Giáo viên tại Đắk Nông đã tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, mạnh dạn áp dụng công nghệ để mang đến những trải nghiệm học tập hiện đại, sinh động cho học sinh.

img_0966-8ad3ee42167a26cb63a2aaa352d93ea0.jpg
Trường THCS-THPT Lê Hữu Trác ở xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức được quan tâm đầu tư hệ thống máy tính phục vụ nhu cầu học tập môn Tin học cho học sinh

Từ các trường học tại khu vực trung tâm đến những điểm trường ở vùng sâu, vùng xa, việc sử dụng công nghệ trong dạy học đang ngày càng được chú trọng. Những công cụ như máy chiếu, bảng tương tác và phần mềm học trực tuyến đã trở thành trợ thủ đắc lực trong mỗi tiết học của giáo viên, học sinh. Đặc biệt, nhiều giáo viên ở các trường THPT đã làm quen và sử dụng thành thạo các nền tảng như Google Classroom, Zoom hoặc các công cụ quản lý học tập khác.

img_0793(1).jpg
Các tiết học ứng dụng công nghệ thông tin luôn tạo hứng thú cho học sinh Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai ở phường Nghĩa Đức, TP. Gia Nghĩa

Cô giáo Nguyễn Thị An, giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THCS Chu Văn An, xã Đức Minh, huyện Đắk Mil chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi chỉ quen với bảng đen, phấn trắng. Giờ đây, việc sử dụng máy chiếu, bài giảng số hóa và các phần mềm tương tác trực tuyến đã trở nên phổ biến hơn. Các em học sinh không chỉ lắng nghe mà còn được tham gia thực hành qua các trò chơi học tập hoặc mô phỏng 3D, khiến bài học trở nên trực quan và thú vị hơn rất nhiều”.

Nhờ ứng dụng công nghệ, những bài học vốn khô khan và khó tiếp thu như Toán học, Vật lý, Lịch sử đã được biến hóa thành các hành trình khám phá đầy cảm hứng. Cô giáo Cao Thị Hồng Hạnh, giáo viên Trường THCS Nguyễn Tất Thành, phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa nhận định: “Việc ứng dụng công nghệ vào giảng dạy dần trở thành tất yếu. Nếu giáo viên không cập nhật sẽ bị “tụt hậu” lại phía sau. Trong thời đại số, học sinh tiếp cận kiến thức nhanh và rộng hơn rất nhiều, đòi hỏi giáo viên phải đổi mới để mang đến những giờ học thực sự sinh động và hấp dẫn. Ngoài việc tận dụng các công nghệ do ngành và nhà trường hỗ trợ, tôi còn tự tham gia các khóa đào tạo ngắn để nâng cao kỹ năng thiết kế bài giảng và sử dụng các công cụ hiện đại trong dạy học.”

Nâng cao chất lượng giảng dạy

Để đáp ứng yêu cầu đổi mới, giáo viên tại Đắk Nông không ngừng học hỏi, nâng cao năng lực chuyên môn, nhất là khả năng ứng dụng công nghệ trong việc giảng dạy hàng ngày.

Cô giáo Nguyễn Thị Sơn, giáo viên Trường THCS Nâm N’đir, huyện Krông Nô cho hay, đổi mới giáo dục không chỉ đòi hỏi sự thay đổi trong tư duy mà còn cả hành động thực tiễn. Nếu không cập nhật phương pháp và công nghệ, giáo viên rất khó để tạo ra những tiết dạy chất lượng. Việc tích hợp công nghệ thông tin vào giảng dạy, nhất là ở các môn xã hội như Ngữ văn đòi hỏi sự đầu tư kỹ lưỡng cả về tài liệu lẫn phương pháp tổ chức tiết học. Cô giáo Sơn đã áp dụng các kỹ thuật sáng tạo như "mảnh ghép," "phòng tranh" và "băng chuyền tri thức" để tăng cường tính tương tác và hiệu quả giảng dạy. Nhờ đó, các bài giảng trở nên sinh động, giúp học sinh dễ dàng tiếp thu kiến thức một cách hứng thú hơn.

"Tôi và các đồng nghiệp trong trường đã chủ động tự học, tự mày mò và cả tự chi trả chi phí để tham gia các khóa đào tạo ứng dụng công nghệ thông tin”, cô giáo Sơn cho hay.

img_9703.jpg
Giáo viên Trường THCS Nguyễn Tất Thành, phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa ứng dụng công nghệ thông tin dạy các tiết liên môn

Theo các giáo viên, ứng dụng công nghệ không chỉ cải thiện chất lượng bài giảng mà còn giúp giáo viên tiếp cận nguồn học liệu phong phú. Các nền tảng như Khan Academy, Edmodo hoặc các thư viện số cung cấp hàng loạt tài liệu hỗ trợ giáo viên thiết kế bài giảng phù hợp với từng môn học và cấp học. Việc tham gia vào các cộng đồng giáo viên trong và ngoài nước tạo cơ hội để trao đổi, học hỏi các phương pháp giảng dạy hiện đại.

img_5019(1).jpg
Giáo viên Trường tiểu học Thăng Long ở phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa chú trọng ứng dụng công nghệ số vào giảng dạy nhằm thu hút học sinh

Ngoài công nghệ, phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm được nhiều giáo viên áp dụng thành công. Thay vì giảng dạy một chiều, giáo viên khuyến khích học sinh tham gia tích cực vào quá trình học tập, từ việc đặt câu hỏi, trình bày ý tưởng cho đến thực hiện các dự án học tập.

Kết quả từ phương pháp này là sự thay đổi rõ rệt trong thái độ học tập. Học sinh trở nên chủ động, sáng tạo và hứng thú hơn với việc học. Các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, thuyết trình và giải quyết vấn đề cũng được nâng cao đáng kể.

Những nỗ lực đổi mới từ phía giáo viên đang đặt nền móng quan trọng để học sinh sẵn sàng hội nhập và phát triển trong một thế giới số hóa không ngừng thay đổi.

Khích lệ tự học, sáng tạo của giáo viên

Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, giáo viên không chỉ là người truyền thụ tri thức mà còn đóng vai trò là người hướng dẫn, đồng hành và truyền cảm hứng cho học sinh. Từ những nỗ lực sáng tạo của thầy, cô giáo, học sinh đang dần được trang bị những kỹ năng để hội nhập trong thời đại công nghệ.

img_0227(1).jpg
Giáo viên Trường THPT Hùng Vương, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô ứng dụng công nghệ để soạn bài và giảng dạy giúp rút ngắn thời gian ghi lên bảng

Anh Nguyễn Văn Bình, phụ huynh học sinh tại huyện Đắk Mil chia sẻ: “Tôi rất vui khi thấy con mình nắm vững kiến thức mà còn biết cách sáng tạo, tư duy phản biện. Đây là điều mà trước đây chúng tôi không có cơ hội được học”. Còn chị Trần Thị Loan, tổ dân phố 2, phường Nghĩa Tân, TP. Gia Nghĩa có con học ở Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm chia sẻ: “Tôi bất ngờ khi con trai tôi lớp 8 đã biết ứng dụng công nghệ làm bài tập như: làm bài thuyết trình, áp dụng trình chiếu powerpoint, ứng dụng canva… Đây không phải là những kỹ năng được dạy ở lớp nhưng do tính chất bài tập, dưới sự hướng dẫn, định hướng của giáo viên mà các con đã tự mày mò, học hỏi để thực hành”.

2(1).jpg
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông kiểm tra, tặng máy tính cho các trường ở vùng sâu, vùng xa huyện Đắk Glong

Mặc dù ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để đổi mới phương pháp giảng dạy đã mang lại nhiều hiệu quả, nhưng hành trình này còn nhiều khó khăn, nhất là đối với giáo viên ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Nông cho biết, thời gian qua để hỗ trợ giáo viên, ngành Giáo dục tăng cường đào tạo chuyên môn gắn với bồi dưỡng kỹ năng công nghệ. Các lớp tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy được tổ chức thường xuyên. Trong đó, ngành chú trọng vào các kỹ năng cơ bản như sử dụng phần mềm trình chiếu, tổ chức lớp học trực tuyến và thiết kế bài giảng điện tử. Các cơ sở giáo dục từng bước được nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ.

Đắk Nông có 100% cơ sở giáo dục được kết nối internet và có mạng wifi; 84,34% giáo viên có máy tính; 96,71% giáo viên có đường truyền internet; 100% giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.

"Ứng dụng công nghệ số trong giảng dạy dần trở thành tất yếu để nâng cao chất lượng giáo dục. Thời gian tới, ngành Giáo dục tiếp tục động viên, khích lệ đội ngũ giáo viên tự học, sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa công nghệ thông tin, công nghệ số; tổ chức đào tạo, tập huấn chuyên sâu..", ông Hải thông tin.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        "Người lái đò" thời 4.0 - Đổi mới để nâng cao chất lượng giảng dạy
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO