Bà H’Mai sinh ra và lớn lên ở bon Tinh Wel Đơm. Khoảng 13-15 tuổi, bà đã được mẹ dạy cách nấu rượu cần. Mỗi dịp lễ tết hay gia đình có khách, bà đều phụ mẹ chuẩn bị rượu cần.
Nhiều lần như thế, cái hương vị cay nồng, ngọt nhẹ của rượu cần đã in đậm trong tâm trí bà. Theo năm tháng, dần dần bà đã biết cách ủ rượu cần, tiếp nối nghề này của gia đình.
Bà H'Mai tự hào với nghề nấu rượu cần truyền thống của dân tộc Mạ |
Những năm 2016-2018, địa phương có chủ trương thành lập các tổ, nhóm nhằm bảo tồn, phát huy các nghề truyền thống. Bà H’Mai đã chủ động đứng ra vận động các hộ dân trên địa bàn thành lập tổ nấu rượu cần.
Sau đó, bà đã thành lập Tổ hợp tác rượu cần Đắk Nia với 7 thành viên, trong đó bà làm tổ trưởng. Đến nay, tổ vẫn duy trì hoạt động. Rượu cần của tổ được giới thiệu trong nhiều hoạt động văn hóa của địa phương .
Bà H’Mai cho biết, để cho ra được một ché rượu cần, phải trải qua nhiều công đoạn như: nấu cơm, chọn men, vệ sinh ché, ủ men… Trong đó, để làm nên nét đặc trưng của rượu cần dân tộc Mạ ở Đắk Nia, bà con đã ủ men với vỏ, lá của một loại cây rừng.
Bà H'Mai mong muốn sản phẩm rượu cần được quảng bá nhiều hơn |
Sản phẩm "Rượu cần Đắk Nia" đã được xây dựng logo, nhãn hiệu hàng hóa. Đặc biệt, qua kiểm tra, sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn đồ uống châu Âu. Hiện các thành viên của Tổ hợp tác rượu cần Đắk Nia đang nỗ lực đưa sản phẩm đạt thêm các tiêu chuẩn khác.
Không chỉ giữ gìn, phát huy nghề rượu cần, bà H’Mai còn là thành viên tích cực tham gia các hoạt động văn hóa địa phương. Qua tuyên truyền, vận động, bà đã góp phần lan tỏa tình yêu văn hóa truyền thống với nhiều thế hệ.
Chị H’Bình, một phụ nữ trẻ ở Đắk Nia, cho biết, bà H’Mai là tấm gương, người "giữ lửa" cho thế hệ trẻ, giúp họ yêu quý hơn văn hóa dân tộc. Qua cách làm của bà, vừa giúp giữ gìn văn hóa địa phương, vừa phát huy các giá trị kinh tế, nâng cao đời sống cho bà con.
Bà H'Mai (thứ 2 bên phải) hăng hái tham gia các hoạt động văn hóa dân tộc tại địa phương |
Ông Trần Đình Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đắk Nia cho biết, từ lâu địa phương đã từng bước thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch.
Trong đó, bà H'Mai là người luôn cống hiến hết mình để địa phương thực hiện đạt nhiều mục tiêu trong chủ trương này. "Những trường hợp như bà H’Mai chính là yếu tố tích cực để giúp địa phương vừa bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc, vừa nâng cao đời sống kinh tế cho bà con trên địa bàn", ông Tuấn chia sẻ.
Có nhiều đóng góp, cống hiến tại địa phương, nhưng bà H'Mai rất khiêm tốn. Bà cho rằng, những việc làm của mình là trách nhiệm với cộng đồng, với đồng bào của mình. Đó cũng là đức tính mà lâu nay bà đã không ngừng rèn luyện, học tập theo Bác.