Người kể Khan của buôn làng Ê Đê

Bài và ảnh: NGỌC LIÊN| 02/04/2025 20:38

Trong nhịp sống đô thị, người kể Khan (sử thi) ở các buôn làng Ê Đê không còn nhiều. Tại buôn Akŏ Dhông (phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), nghệ nhân Ama Nhiên là người nặng lòng cất giữ Khan. Ngôi nhà dài của gia đình anh thi thoảng vang lên tiếng kể Khan trầm bổng, giao lưu với du khách có lòng yêu mến và muốn tìm hiểu di sản văn hóa đặc trưng Tây Nguyên.

Nghệ nhân Ama Nhiên (Y Wôn Knul) tự hào chia sẻ về sử thi và kể Khan của người Ê Đê.Nghệ nhân Ama Nhiên (Y Wôn Knul) tự hào chia sẻ về sử thi và kể Khan của người Ê Đê.

YWÔN KNUL là tên khai sinh của nghệ nhân Ama Nhiên (theo tục lệ của đồng bào Ê Đê, sau khi sinh con đầu lòng, bố mẹ sẽ được gọi theo tên con kèm theo đại từ Ama - bố, Amí - mẹ). Huyện Cư Kuin, là nơi Y Wôn Knul lớn lên và nuôi dưỡng khả năng kể Khan của anh. Ngày nhỏ, vào mỗi tối, người làng tập trung quây quần bên bếp lửa hồng ấm áp trong ngôi nhà dài, tách bắp đậu, nói chuyện và nghe người già kể Khan. Đêm này qua đêm khác, năm này qua năm khác, lớn lên trong không gian của sử thi và kể Khan, cứ thế Khan thấm dần khiến Y Wôn Knul không học mà thuộc và kể được nhiều bài. Năm 2000, khi rời quê hương đi học rồi đi làm, tập trung theo đuổi các mục tiêu khác cho đến khi lập gia đình, một thời gian dài tách khỏi không gian kể Khan, nhưng Khan vẫn luôn in đậm trong tâm trí của anh.

Buôn Akŏ Dhông là nơi Y Wôn Knul lấy vợ, ở rể theo phong tục dân tộc của người Ê Đê. Sinh sống trong buôn du lịch cộng đồng sầm uất, nhộn nhịp giữa lòng thành phố, Ama Nhiên xem đây là cơ hội để anh lưu giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc mình. Anh dựng căn nhà sàn dài truyền thống, lập bếp lửa chủ ở gian khách, thỉnh thoảng tổ chức đêm hát Khan để giới thiệu nét văn hóa dân gian tới bạn bè và du khách. Tôi hỏi về người dạy Ama Nhiên kể Khan, anh cho biết: Lúc đó còn chưa có điện, voi vẫn còn vào rừng kéo cây về dựng nhà. Đêm đêm trong căn nhà dài, nghe người già trong buôn làng, ông bà hát kể những lời Khan về Đam San, Đam Di với rất nhiều cảm xúc. Dù khi đó không hiểu hết ý nghĩa, chỉ bắt chước ê a, nhưng Khan thấm mỗi ngày, và anh tiếp nhận nó hết sức tự nhiên. Số lượng bài Khan anh thuộc tăng dần theo những đêm Khan da diết. Ngày hôm sau khi đi chăn bò, Y Wôn Knul lại hát kể Khan cho chúng bạn cùng nghe. Cứ thế, những lời Khan gắn bó với cộng đồng, với sinh hoạt của đời sống xã hội, gần gũi, bền bỉ và lan tỏa.

Trong hát kể sử thi Ê Đê, người kể chuyện sử dụng ngôn ngữ hát kể, lời nói vần (klei duê) để thể hiện nội dung. Trong khi diễn xướng, người kể Khan đan xen những giai điệu k’ưt, hát eirei đối đáp, ứng tác linh hoạt và sáng tạo… khiến những cuộc hát kể Khan có thể thâu đêm suốt sáng, kéo dài đến ba, bốn ngày mới kết thúc. Hiện nay, trong buôn Akŏ Dhông, Nghệ nhân Ưu tú Ama H’Loan là người nắm giữ bí quyết chế tác nhạc cụ truyền thống, biết chỉnh chiêng và hát Khan, nhưng năm nay ông đã gần 90 tuổi. Vì thế, có thể nói Ama Nhiên là thế hệ kế cận, người còn lại trong buôn có thể thực hành hát kể sử thi. Kho tàng văn hóa dân gian Tây Nguyên sở hữu những tác phẩm trường ca và sử thi đồ sộ, kéo dài đến hàng nghìn câu.

Giới thiệu về bộ sách Chàng Dăm Tiông và lời nói vần của người Ê Đê (Klei Duê Ê Đê), Ama Nhiên hát cho chúng tôi nghe một trích đoạn trong sử thi về chàng Mdrŏng Dam, có thể lý giải vì sao sử thi lôi cuốn người nghe đến vậy. Khan hay vì sử dụng tiếng Ê Đê, chứa đựng nhiều từ cổ. Khi hát lên giai điệu hấp dẫn bởi sự pha trộn giữa vần điệu, ngữ điệu và cách dẫn dắt, diễn xướng của người kể Khan. Ama Nhiên tâm tư: Mình thấy cách nói vần của người Ê Đê nghe rất hay, mang nhiều từ ngữ ẩn ý, ẩn dụ rất sâu sắc. Tuy nhiên lớp trẻ bây giờ không cảm thấy hứng thú, bởi phần lớn họ đều học và nói tiếng phổ thông, nghe tiếng Ê Đê không hiểu nên không cảm nhận hết được sự thú vị, hấp dẫn. Kể Khan phải bằng tiếng Ê Đê mới ra chất sử thi. Muốn lưu giữ được Khan thì người truyền dạy và người học phải có sự tương tác, gặp được nhau và cùng cảm được giá trị của Khan.

Dù sẵn sàng truyền dạy nhưng thực tế hiện nay, môn nghệ thuật dân gian này đang thiếu người nối tiếp, kế thừa. Tích cực tham gia các chương trình văn hóa văn nghệ, liên hoan nghệ thuật quần chúng về kể Khan do tỉnh, thành phố hay phường, buôn tổ chức, Ama Nhiên đều đoạt giải. Nhưng với Nghệ nhân Ama Nhiên, giải thưởng không quan trọng, mà anh xem đây là những dịp để gặp gỡ cộng đồng, giới thiệu, trao đổi về kể Khan đến công chúng. Tự thấy mình có thể là thế hệ gần như cuối cùng còn hát Khan, người giữ đốm lửa Khan le lói đang nỗ lực tìm kiếm người có cùng niềm say mê và nhiệt huyết để trao truyền. Ama Nhiên cho biết sẽ dành thời gian để viết ra những đoạn Khan, câu Khan được lưu giữ trong trí nhớ, dịch ý nghĩa để có cơ sở bảo tồn các giá trị văn hóa, nghệ thuật và bản sắc dân tộc Ê Đê.

Buôn làng Tây Nguyên đang dần thưa thớt âm thanh của cồng chiêng, cũng như người hát kể Khan cũng đang vắng bóng trong những ngôi nhà dài. Không gian diễn xướng thu hẹp, người trẻ không hào hứng tìm hiểu và hát kể Khan khó ứng dụng trong đời sống nghệ thuật đương đại. Kể Khan là tri thức dân gian được tích lũy, lưu giữ dưới hình thức truyền miệng, chưa được hệ thống bài bản bằng văn bản, có chăng chỉ một vài tác phẩm nhỏ lẻ. Trong khi đó loại hình này có sức sáng tạo phong phú, nhiều dị bản và nguy cơ biến mất rất cao. Để lưu giữ nét sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo này, song song với mở lớp truyền dạy, việc đưa học hát kể sử thi vào sách giáo khoa địa phương là hướng bảo tồn di sản bền vững, góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của người trẻ trong gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa hát kể sử thi Ê Đê.

Năm 2014, Khan (sử thi) của người Ê Đê đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sắp tới, tỉnh Đắk Lắk sẽ triển khai kế hoạch lập hồ sơ Kho tàng sử thi Tây Nguyên đề nghị UNESCO ghi danh là di sản văn hóa thế giới, đồng thời đóng vai trò chủ trì, cùng các tỉnh Tây Nguyên xây dựng hồ sơ về loại hình di sản này. Khi được ghi danh, với các nội dung cam kết thực hiện để bảo vệ di sản, hy vọng các buôn làng Tây Nguyên lại âm vang tiếng cồng chiêng, những bộ sử thi Đam San, Xinh Nhã… lại được người già, người trẻ cùng diễn xướng trong không gian nhà sàn dài truyền thống.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/nguoi-ke-khan-cua-buon-lang-e-de-post869637.html
Copy Link
https://nhandan.vn/nguoi-ke-khan-cua-buon-lang-e-de-post869637.html

Nổi bật

    Mới nhất
    Người kể Khan của buôn làng Ê Đê
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO