Người giữ ngọn lửa hy vọng xứ Kinh Bắc
Anh hùng lao động, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn đã là một cái tên không còn xa lạ gì đối với người dân tại tỉnh Bắc Ninh nói riêng và người dân cả nước nói chung. Sở dĩ thầy nổi tiếng không chỉ bởi những con chữ, những tác phẩm văn học đáng quý hay bởi thầy là “Người Anh hùng trọn một lòng với Đền Đô” mà bên cạnh đó, thầy không khỏi khiến người đời khâm phục với những nghị lực của mình.
Hướng dẫn viên đặc biệt ở Đền Đô
Chúng tôi đến với Bắc Ninh, đến với Đền Đô tại thời điểm rộn ràng nhất – vào những ngày đầu xuân năm mới. Những tưởng rằng thầy Nguyễn Đức Thìn trong khoảng thời gian này vẫn sẽ đang đón những ngày xuân sum vầy và bình yên bên gia đình, chúng tôi quyết định sẽ đến thắp một nén nhang tại Đền Đô trước. Ấy thế mà khi đoàn chúng tôi đặt chân tới cổng Ngũ Long Môn của Đền trong buổi sáng mùng tám tết Âm lịch, chúng tôi lại nhìn thấy một bóng hình nhỏ bé quen thuộc, cùng với một giọng nói từ tốn nhưng oai hùng vọng ra từ sân chính điện.
“Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định rõ ở sách trời
Cớ sao lũ giặc đến xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời!”
Tuy nay đã ngoài tám mươi, ở cái độ tuổi “xưa nay hiếm” và phải mang trên mình di chứng của bệnh phong, ấy thế mà khi được gặp thầy trong hoàn cảnh thầy đang “công tác” thế này, tôi không khỏi phải nghĩ thầm một câu trong đầu rằng: Thầy vẫn còn khỏe khoắn và minh mẫn lắm!
Trong lúc đợi để được phỏng vấn thầy Nguyễn Đức Thìn, tôi không khỏi ngẫm nghĩ lại những bài báo, những câu chuyện về thầy mà tôi đọc được trước khi đến Bắc Ninh. Chỉ học hết lớp 7, ấy thế mà lại trở thành thầy giáo năm 18 tuổi. Năm 23 tuổi phát động phong trào “Làm nghìn việc tốt”. 30 tuổi, thầy mắc bệnh phong và chữa trị trong 4 năm sau đó tại Trại phong Quỳnh Lập. Sau đó, thầy giáo Thìn tiếp tục sự nghiệp trông người vĩ đại của mình mà không hề ngơi nghỉ. Thầy về hưu năm 51 tuổi với hơn 30 sáng kiến, đề tài khoa học các cấp và hàng nghìn trang sách, hàng trăm bài báo. Nghĩ đến đây, tôi không khỏi cảm thấy vinh dự phần nào. Để có cơ hội được gặp một tấm gương xuất sắc như thầy, có lẽ trong đời tôi chẳng có mấy cơ hội.
Những áng văn của lập trường
Khi chúng tôi ngỏ ý muốn được phỏng vấn, thầy Thìn không hề lưỡng lự mà đồng ý và đưa chúng tôi tới phòng truyền thống nằm ở điện bên trái của Đền. Tại đây, không để chúng tôi kịp hỏi, thầy giới thiệu ngay cho chúng tôi một số đầu sách của thầy. Với giọng điệu đầy tự hào, thầy nói rằng mình đã có được 25 đầu sách, nghĩa là từ dạo về hưu đến giờ thầy đã viết được hơn 5.000 trang xuất bản rồi. Trong đó có cuốn được Nhà xuất bản in lại cả chục lần, cũng có cuốn đã được chuyển thể thành phim. Thầy khẳng định rằng, sách của thầy thì đều là viết thật, vì thầy viết là để cho gia đình mình đọc, cho làng xóm đọc, bạn đồng nghiệp đọc, và các thế hệ học sinh của thầy đọc nên không hư cấu.
“Nhưng, từ nỗi đau đời sống để yêu thương”. Nói đến đây, giọng thầy hơi trầm xuống. Thầy nghẹn ngào kể lại: “ Ngày cải cách ruộng đất, tôi là đội trưởng thiếu nhi, vừa đi vừa đánh trống hoan nghênh chính sách cải cách ruộng đất. Về đến đầu ngõ thì nghe người ta tuyên bố nhà tôi là địa chủ. Vậy là tự tay tôi phải buông cái trống. Cái trống ấy lăn xuống cống, và tôi đã khóc”. Đến lúc này, giọng thầy đã nghẹn lại. “Rồi ngày hôm sau, ở sân đình, người thân của tôi bị tuyên bố tử hình bắn ngay bên bờ ao đình. 15 Tuổi, tôi òa khóc. Tôi đã bị quát là đồ mất lập trường, khóc thương địa chủ. Từ ngày ấy đến giờ, tôi không dám để mình mất lập trường”. Thầy tuyên bố, với giọng nói và ánh mắt tràn đầy cương quyết.
Hi vọng và nghị lực sống
Tiếp nối đó, thầy Nguyễn Đức Thìn cũng nói về 1461 ngày thầy điều trị ở bệnh viện Quỳnh Lập. 1461 ngày đó được thầy viết trong tập thơ "Bình minh đến sớm" với bút danh Nhiệt Cảm Sinh. Thầy giải thích rằng, Nhiệt Cảm Sinh là đối nhân khác thời với Hàn Mặc Tử tiên sinh.
“Thơ anh bán ánh trăng
Thơ tôi mua nắm trời
Kiếp đời Hàn Nhiệt âm dương
Nặng tình anh là thi sĩ
Thạo lòng tôi hóa anh hùng
Thi sĩ anh hùng đều chung khát vọng
Tiếng thơ tiếng lòng
Đời có Hàn Mặc Tử
Đời có Nhiệt Cảm Sinh.”
Thầy đùa rằng, có lẽ vì như thế mà thầy sống khỏe được, vẫn thấy mình có ích cho đời, thấy đời vẫn ấm tình người thiết tha. “Năm nay tôi tám mươi tư tuổi dương lịch. Các cụ bảo là tám lăm đấy, canh thìn mà. Mà năm nay là giáp thìn, rồng bay lên khát vọng”. Vừa nói, thầy vừa giới thiệu cho chúng tôi tập thơ mới nhất của Thầy - “Lục bát đất rồng thiêng”. Quyển này được lấy cảm hứng sự kiện Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay thầy Nguyễn Đức Thìn, chúc sức khỏe và người đã đọc bài thơ “Chân quê” của Nguyễn Bính. “Tôi nghĩ rằng Tổng bí thư muốn nhắc nhở về tình người và đất quê. Do đó, bằng cái điện thoại thông minh, tôi đã đánh ra những bài thơ lục bát này trong khoảng một tháng - 282 bài lục bát. Cộng ba con số đó vào sẽ thành 12, nghĩa là 12 con giáp, để ai đọc hết cái quyển của tôi đây thì thấy ít nhất có một bài nói về chính mình”. Câu nói còn dang dở, thầy đã lật vội từng trang sách và dừng lại ở trang sách có hai bức tranh mà chúng tôi đã chờ đợi từ lâu để được thầy kể lại. Thầy cao giọng: “Tôi, bằng bàn tay khuyết tật mất cảm giác, nhưng với máy cơ và phim nhựa màu, tôi đã chụp được ảnh thiêng Rồng vàng trên đỉnh Đền Đô và Bát Đế hiển linh như thế này”. Thầy khẳng định đó là chụp thật, là cơ duyên hiếm có vì hình ảnh chỉ hiện lên trong thoáng chốc và lúc ấy có rất nhiều bạn phóng viên trẻ bên cạnh thầy không chụp được. Sau đó, bảo tàng đã xin thầy để lưu tranh ở bảo tàng và đề rằng “bàn tay khuyết tật nhưng Hiếu Nghĩa, Nhiệt Cảm Sinh (đó là hai bút danh của thầy) vẫn chụp được những bức ảnh thiêng cho quê hương và đất nước”.
Một lòng vì đất nước
Khi chuyển dần đề tài từ sự nghiệp sang đất nước, thầy có kể cho chúng tôi chuyện giữa thầy và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. “Để tôi kể cho các bạn nghe, tôi thì được gặp Tổng bí thư nhiều lần. Có một lần sắp kỷ niệm nghìn năm Thăng Long, Tổng bí thư có mời tôi ra Hà Nội để hỏi chuyện. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng khi ấy tóc vẫn còn xanh. Ấy thế mà từ khi làm Chủ tịch Quốc hội về đây thì thấy tóc đã bạc mất một nửa rồi. Còn năm trước về đây thì bạc hết rồi. Vì vậy tôi ghi mốc lịch sử này và làm thơ.
“Vì đất nước, vì nhân dân, vì Đảng
Người bạc đầu trách nhiệm theo thời gian
Mỗi lần gặp người hiền Nguyễn Phú Trọng
Sáng niềm tin theo Đảng chúng ta đi.”
Nhân đây, thầy Nguyễn Đức Thìn cũng muốn nhắn gửi một vài lời chúc tới Tổng bí thư nhân dịp đầu xuân năm mới: “ Tôi kính mong Tổng bí thư kính yêu của Đảng ta, của dân tộc Việt Nam dồi dào sức khỏe để đưa cách mạng Việt Nam đến thành công và nối tiếp đội ngũ cách mạng, nhân dân anh hùng thực hiện thắng lợi những khát vọng của dân tộc ta, của Đảng ta.”
Thầy còn nhớ đã nghe Tổng bí thư băn khoăn rằng không biết các bạn trẻ có còn biết tác phẩm nổi tiếng "Thép đã tôi thế đấy" của nhà văn Liên Xô Nhi-cô-lai Ốt-xtơ rốp-xki không. “Phải biết chứ, có phải không?”. Thầy khẳng định, rồi ngân nga hát cho chúng tôi nghe.
“Người ta chỉ sống có một lần thôi, cho nên đời sống quý giá vô lần
Phải sống sao ra sống, để chết đi không còn áy náy gì
Chỉ thấy vui sướng khi đời mình cống hiến cho nhân dân.”
Năm qua, thầy Thìn làm được việc lớn là cùng với nhân dân đoàn đội tổ chức được 65,000 việc tốt nở hoa trên cả đất nước. Tất cả những cuốn sách được phát hành của thầy được lãi thì đều góp vào quỹ Thắp lửa nhân ái để giúp cho trẻ em tàn tật như thầy đã tàn tật. Trải qua những khổ đau và khiếm khuyết mà mình gặp phải, thầy đã thắp lên được ngọn lửa nhân ái cho cuộc đời như thế đấy. Lòng nhân ái và lòng nhiệt thành với đất nước xuất phát từ một con người nghị lực như thầy Thìn thật đáng ngưỡng mộ và được noi theo.
Lời nhắn gửi tới sự nghiệp trồng người
Trong cuộc đời mình, thầy Nguyễn Đức Thìn đã cống hiến rất nhiều cho sự nghiệp giáo dục. Giây phút chúng tôi tìm đến thầy để phỏng vấn với tư cách là sinh viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, thầy Thìn đã đồng ý ngay tức thì. Thầy khẳng định, vì chính bản thân thầy cũng là một nhà báo và một nhà giáo, vậy nên giúp đỡ các hậu bối và các mầm non tương lai của đất nước là điều đương nhiên.
Giây phút chia tay bùi ngùi, thầy thân thương “cho chữ” chúng tôi kèm theo một lời nhắn: “Xin chúc các bạn, các em thế hệ sau khỏe, và phải thành công hơn thế hệ chúng tôi. Xin cảm ơn!”. Mang theo lời chúc ấy về lại thủ đô, tôi thấy bừng lên trong mỗi người chúng tôi một nghị lực, một sự cương quyết khó tả. Đó chính là cái nghị lực, cương quyết được cống hiến hết mình cho sự nghiệp xây dựng tổ quốc kính yêu.