Người giữ nghề đan lát ở làng Trấp

pv| 25/08/2023 09:11

Ở tuổi 75, mắt đã hơi mờ, đôi tay không còn nhanh nhẹn như xưa, nhưng hễ rảnh rỗi, ông A Nhang (làng Trấp, xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) lại miệt mài đan lát. Những chiếc gùi, chiếc nia ông làm ra, trong làng này, chẳng ai sánh kịp ở độ sắc sảo, bền đẹp.

Ông A Nhang sơn màu nan để tạo họa tiết cho gùi
Ông A Nhang sơn màu nan để tạo họa tiết cho gùi

Trời đổ mưa, không thể lên rẫy, ông A Nhang mang chiếc gùi đang đan dở dang ra để “bầu bạn”. Vừa đều đều đôi tay đan gùi, ông A Nhang vừa cho biết, chặt tre là bước đầu tiên để tạo ra một chiếc gùi. Muốn có một chiếc gùi dẻo dai, bền lâu, có thể phơi mình ngoài nắng mưa thì buộc người thợ phải có con mắt tìm tre. Những cây tre có vẻ bề ngoài sần sùi, màu sắc không bắt mắt là những cây tre già thích hợp để đan gùi, đan giỏ. Còn những cây tre có màu xanh mướt, vươn thẳng lên trời thì đa số là những cây non. Nếu dùng những cây này để đan thì chiếc gùi sẽ rất nhanh hỏng, không chống chọi được với sự khắc nghiệt của thời tiết.

Sau công đoạn chọn tre là công đoạn vót tre, chuốt nan để đan gùi. Gùi của người Gia Rai có nhiều loại, gùi nhỏ, gùi to tùy vào từng mục đích. Có loại gùi được đan nan khít, dùng để đựng lúa, đựng gạo. Loại gùi nan thưa dùng để đựng nông sản, chứa củi… Dù đan loại gùi nào cũng đòi hỏi người thợ cần có kỹ năng chẻ và vót nan.

Những lúc rảnh rỗi, ông A Nhang lại chẻ tre, vót nan đan gùi
Những lúc rảnh rỗi, ông A Nhang lại chẻ tre, vót nan đan gùi

Nan được vót không quá dày cũng không quá mỏng, khi vót nan buộc tay người thợ phải mềm mại, uyển chuyển, đưa lưỡi dao đi nhẹ nhàng với lực đều đặn để cho ra những sợi nan đẹp, mỏng, đủ dẻo dai để luồn lách. Với những loại gùi càng nhỏ, người thợ phải vót sợi nan thật nhỏ thì chiếc gùi mới trông sắc sảo, tỉ mỉ.

Một nét đặc trưng trong gùi của người Gia Rai ở làng Trấp là nhuộm màu để tạo hoa văn. Sau khi vót đủ các số nan, ông A Nhang sẽ lựa chọn những sợi nan phù hợp để nhuộm màu. Thường họa tiết chiếc gùi sẽ được trang trí ở phần trên miệng gùi để tạo điểm nhấn, thu hút người nhìn. Họa tiết gùi của người ở Gia Rai gồm 2 loại “reo ya xâu” - gùi hoa văn bình thường và “reo ma nga” - gùi hoa văn đặc biệt.

Ngày xưa, người Gia Rai thường tạo ra những chiếc gùi hoa văn bình thường, với họa tiết màu đen. Để tạo màu, người thợ thường đốt vỏ cây rừng lấy than bôi lên những chiếc nan. Với những họa tiết màu sắc thì dùng các loại rễ, củ, vỏ cây rừng để nhuộm màu.

Giờ đây, cuộc sống hiện đại, việc nhuộm màu sợi nan không còn khó khăn như trước. Ông A Nhang chỉ cần mua sơn về quét lên để khô là nan lên màu.

Tuổi đã cao, ông A Nhang vẫn miệt mài đan lát
Tuổi đã cao, ông A Nhang vẫn miệt mài đan lát

Những năm gần đây, nhiều bà con trong làng và ở các địa phương tìm đến ông A Nhang để đặt gùi. Tùy theo kích thước, cái nhỏ được bán với giá 300.000 - 500.000 đồng/cái, cái to từ 600.000 – 800.000 đồng/cái.

“Tuổi tôi đã cao, có thêm nguồn thu nhập từ việc đan gùi tôi rất vui. Ngày xưa, đan gùi chỉ phục vụ cho việc sinh hoạt, cho con cái làm của hồi môn khi cưới. Giờ đây, đan gùi để duy trì niềm vui, để có thêm thu nhập và hơn hết là giữ gìn được nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Gia Rai”, ông A Nhang bộc bạch.

Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền những người biết đan lát tiếp tục phát huy, truyền dạy cho thế hệ trẻ để nghề này được giữ gìn và bảo tồn. Đồng thời, khuyến khích những người trẻ cần chủ động học hỏi ông bà, cha mẹ làm nghề truyền thống, để nét văn hóa của dân tộc Gia Rai không bị mai một.”

Bà Y Phin, Chủ tịch UBND xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy

Theo baodantoc.vn
https://baodantoc.vn/nguoi-giu-nghe-dan-lat-o-lang-trap-1692178423585.htm
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người giữ nghề đan lát ở làng Trấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO