Người gìn giữ truyền thống đất Tổ ở Đắk R'lấp
Gắn bó hơn ba thập kỷ với mảnh đất Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp (tỉnh Đắk Nông), ông Lê Hữu Nghệ (sinh năm 1951) luôn là điểm tựa tinh thần, là người gìn giữ và phát huy truyền thống đất Tổ ở địa phương.
Vì sự phát triển của cộng đồng
Sinh ra và lớn lên tại huyện Thanh Hòa, tỉnh Vĩnh Phú (cũ), nay thuộc huyện Thanh Ba và Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, ông Nghệ nhập ngũ từ tháng 7/1969 và xuất ngũ vào tháng 12/1975. Năm 1993, ông cùng gia đình chuyển vào thôn 9, xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp bắt đầu cuộc sống mới với nhiều khó khăn. Nhưng nhờ tinh thần cần cù, ông đã gây dựng được trang trại với gần 10 ha loại cây trồng như cà phê, hồ tiêu, điều và các loại cây ăn trái.
.jpg)
Sau khi con cái đã lớn, lập gia đình, ông bà lần lượt chia sẻ gần hết diện tích đất trồng cho con lập nghiệp. Giờ đây, khi tuổi đã cao, ông bà chỉ trồng một mảnh vườn đầy các loại rau củ quả, chăn nuôi gia cầm và heo sinh sản.
Cùng thời điểm ông Nghệ vào Đắk R'lấp, đầu những năm 90 của thế kỷ XX, Đảng và Nhà nước cũng có chủ trương di dân từ các tỉnh phía Bắc vào Tây Nguyên lập nghiệp. Trong đó, tại thôn 9 và thôn Sadaco, xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp có khoảng chục hộ thuộc diện này. Gặp được đồng hương, ông Nghệ rất vui mừng và từ đó, các hộ dân cùng nhau đoàn kết, chăm lo lao động sản xuất và chung sức xây dựng, phát triển quê hương thứ hai.
.jpg)
Không chỉ tập trung vào kinh tế gia đình, ông Nghệ luôn trăn trở về việc kết nối cộng đồng người Phú Thọ tại Quảng Tín. Năm 2005, ông đề xuất ý tưởng thành lập Hội đồng hương Phú Thọ và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các hộ dân. Hiện nay, hội đã phát triển lên 51 hộ với 180 nhân khẩu, trong đó có khoảng 10 hộ người đồng bào dân tộc Mường, trở thành một tổ chức gắn kết, chia sẻ trong cộng đồng.
Với tinh thần trách nhiệm, sự uy tín và nhiệt huyết, ông Nghệ đã được mọi người bầu làm Trưởng ban liên lạc Hội đồng hương từ đó cho đến nay. Nhiệm vụ của ban là duy trì sự kết nối của người dân đồng hương Phú Thọ; thăm hỏi các dịp hiếu hỉ, động viên nhau lúc ốm đau, khen thưởng con cháu hiếu học…
Để giúp đỡ các hộ còn khó khăn phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống, ông Nghệ đã chủ động bàn bạc với Ban liên lạc Hội đồng hương huy động sự đóng góp của các hộ dân xây dựng Quỹ tương trợ. Với số tiền đóng góp ban đầu 1 triệu/hộ, đến nay, Hội đã xây dựng quỹ hỗ trợ với tổng vốn 560 triệu đồng. Mỗi năm, Hội xem xét và giúp đỡ khoảng 10-15 hộ dân vay vốn với mức 30-40 triệu đồng/hộ, lấy lãi suất theo ngân hàng. Nhờ vậy, nhiều gia đình đã có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
.jpg)
Từ năm 2017, được vay vốn với số tiền 40 triệu đồng từ Quỹ tương trợ của hội đồng hương, gia đình chị Nguyễn Thị Hương và anh Hà Đình Thập, dân tộc Mường, thôn Sadaco, xã Quảng Tín đã mua 1 con bò đực và 2 con bò cái. Sau một thời gian, 2 con bò cái sinh sản và gia đình anh chị nhân giống, duy trì đàn bò từ 5-15 con. Số tiền thu được từ bán bò giống và thịt, anh chị đầu tư vào chăm sóc cây trồng như cà phê, tiêu và ăn quả. Không những vậy, anh chị còn tiết kiệm được số tiền khoảng 20 triệu đồng/năm mua phân bón cho cây trồng bằng cách tận dụng nguồn phân bò ủ với vỏ cà phê.
“Hiện tại, gia đình tôi đã hoàn trả số vốn vay từ Quỹ tương trợ của Hội đồng hương. Thật sự, từ số vốn này đã giúp chúng tôi vươn lên rất nhiều. Ban liên lạc Hội đồng hương, nhất là bác Nghệ thường xuyên động viên, tiếp sức, hỗ trợ cho gia đình tôi rất nhiều trong phát triển kinh tế cũng như cuộc sống hàng ngày”, chị Hương bày tỏ.
.jpg)
Khi kinh tế phát triển, cuộc sống ổn định, người dân gốc Phú Thọ ở Quảng Tín lại chú trọng hơn nữa đến việc xây dựng địa phương. “Khi có chủ trương xây dựng đường giao thông trong xây dựng nông thôn mới, tôi và các thành viên trong Ban liên lạc Hội đồng hương bàn bạc và thống nhất đi vận động bà con hiến đất, hiến cây cối để mở rộng đường. Cũng thật không ngờ, khi chúng tôi trao đổi thì nhiều hộ dân trong thôn, nhất là các hộ dân gốc Phú Thọ đều hăng hái đăng ký hiến đất để mở rộng đường. Chúng tôi mừng lắm! Vì vậy mà các tuyến đường giao thông theo chủ trương của cấp trên được xây dựng tại thôn rất nhanh và thuận lợi”, ông Nghệ chia sẻ.
Nghĩa tình với Đất Tổ-Vua Hùng
Cũng giống như bao người con gốc Phú Thọ khi xa quê, bản thân ông Nghệ luôn tự hào và hướng về Đất Tổ. Khi thành lập được Hội đồng hương Phú Thọ tại Quảng Tín, dù còn nhiều khó khăn nhưng những người Phú Thọ ở đây không nguôi nỗi nhớ quê. Cộng đồng người Phú Thọ với hàng chục hộ dân thường tổ chức gặp mặt mỗi năm 2 lần: Tết Nguyên đán và Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Ngoài ra, mỗi khi các gia đình trong Hội đồng hương có việc hiếu, hỉ, Ban liên lạc đều đến thăm hỏi, sẻ chia và cộng đồng trách nhiệm để hỗ trợ, giúp đỡ.
.jpg)
Những ngày tết, các gia đình chúc nhau những điều tốt đẹp theo phong tục cổ truyền. Còn vào dịp Giỗ Tổ, người dân góp công sức làm cỗ, thắp nhang hướng về cội nguồn, quê cha Đất Tổ, cầu mong các Vua Hùng phù hộ cho người dân xa xứ luôn mạnh khỏe và làm ăn thành đạt.
“Những ngày đầu, cỗ dâng lên Vua Hùng khá đơn giản nhưng rất thành tâm. Chúng tôi góp tiền để mua lễ vật, làm bánh chưng, bánh giầy sắp lên mâm xôi dâng hương đến các đấng Tổ tông”, ông Nghệ nhớ lại.
Trước kia, khi chưa có nơi thờ tự, mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, người dân Phú Thọ ở Quảng Tín đều tổ chức thắp hương, cầu mong những điều tốt đẹp. Phần lớn những buổi lễ này được tổ chức nhờ ở nhà Ban liên lạc Hội đồng hương.
.jpg)
Trước việc cơ sở vật chất thiếu thốn, năm 2017, ông Nghệ đã nảy ra ý tưởng mượn nhà trẻ (không sử dụng) trong khuôn viên hội trường thôn 9 để cộng đồng cùng sinh hoạt. Đây là mảnh đất và cơ sở hạ tầng trước đây thuộc quyền quản lý của TP.Hồ Chí Minh, đã được giao về địa phương quản lý. Ý tưởng được các thành viên trong hội cũng như Ban tự quản và UBND xã hưởng ứng và đồng tình cao. Từ đó, Ban liên lạc đã mua sắm bàn thờ, các vật dụng cần thiết để lập một nơi thờ tự và làm lễ Giỗ Tổ Vua Hùng hàng năm.
Ngoài ra, cứ vào ngày mùng 1 và 15 âm lịch hàng tháng, ông Nghệ và các thành viên Ban liên lạc Hội đồng hương thường xuyên dâng hoa, trái cây và thắp hương tưởng nhớ các vị Vua Hùng.
.jpg)
Ông Nghệ và các thành viên Ban liên lạc Hội đồng hương Phú Thọ tại Quảng Tín rất mong muốn chính quyền các cấp tạo điều kiện cấp đất hoặc bán với giá ưu đãi diện tích đất hiện có nơi thắp hương Vua Hùng. Hiện tại, mong ước lớn nhất của ông Nghệ là xây dựng được một Nhà thờ Vua Hùng khang trang ngay tại xã Quảng Tín, để những người con xa xứ Phú Thọ luôn có nơi tập trung, giữ gìn truyền thống tín ngưỡng dân tộc.

Bà Lê Thị Ngọc Điệp, Chủ tịch UBND xã Quảng Tín đánh giá, ông Nghệ không chỉ chăm lo làm giàu cho gia đình mà còn quan tâm, hỗ trợ cộng đồng người dân Phú Thọ vào sinh sống, lập nghiệp tại đây cùng nhau phát triển. Ông cũng là người cựu chiến binh, công dân gương mẫu và luôn đi đầu trong các phong trào tại địa phương, nhất là việc ông tích cực vận động, tuyên truyền người dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn.
“Bằng những việc làm thiết thực và tâm huyết, ông Nghệ trở thành “người có uy tín” trong cộng đồng người Phú Thọ tại địa phương”, Chủ tịch UBND xã Quảng Tín khẳng định.