Người dùng mạng xã hội ở Việt Nam sẽ được định danh thế nào
Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất tài khoản xác thực với tên thật, số điện thoại mới được viết bài, bình luận và livestream trên mạng xã hội.
Đề xuất này nằm trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP.
Dự thảo này được trình lên Chính phủ cuối năm ngoái. Trong báo cáo đầu tháng 5, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sau khi có được sự nhất trí của Chính phủ, Bộ đang phối hợp xây dựng và hoàn thiện để trình Chính phủ trong quý II/2023.
Dự thảo được bổ sung, sửa đổi một số quy định về quản lý nền tảng xuyên biên giới và nội dung thông tin trên không gian mạng. Trong đó có quy định mạng xã hội, gồm cả trong nước và xuyên biên giới, phải định danh người dùng và cung cấp thông tin định danh cho cơ quan chức năng khi có yêu cầu.
Việc định danh này được thực hiện bằng cách xác thực tên thật và số điện thoại. Dự kiến tại Việt Nam, các mạng xã hội chỉ cho tài khoản đã được định danh viết bài, bình luận, sử dụng tính năng livestream (phát trực tiếp). Nếu không, người dùng chỉ được xem nội dung.
"Tài khoản không định danh sẽ bị đấu tranh, ngăn chặn, xử lý với các mức độ khác nhau", Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết tại phiên giải trình do Ủy ban Tư pháp tổ chức ngày 8/5.
Theo dự thảo, mạng xã hội chịu trách nhiệm định danh người dùng. Ngoài ra, họ phải quản lý nội dung livestream, gỡ bỏ ngay trong vòng ba giờ khi có yêu cầu. Trong trường hợp các kênh và tài khoản có nhu cầu cung cấp dịch vụ phát sinh doanh thu, người dùng cần đăng ký với Bộ Thông tin và Truyền thông.
Thực tế những năm qua, một số mạng xã hội phổ biến cũng yêu cầu xác minh danh tính với một số nhóm tài khoản. Từ 2014, người dùng Facebook ở nhiều khu vực, trong đó có Việt Nam, phải sử dụng tên thật. Quy định này sau đó được nới lỏng. Tuy nhiên, khi có vấn đề liên quan tới tài khoản, người dùng sẽ phải gửi thông tin cá nhân, như ảnh chụp giấy tờ tùy thân cho mạng xã hội xét duyệt.
YouTube và Google không yêu cầu về danh tính khi lập tài khoản. Tuy nhiên, người dùng cũng cần nhập số điện thoại để xác minh tài khoản và bảo mật hai lớp. Riêng với người kiếm tiền từ YouTube và Google AdSense, nền tảng bắt buộc cung cấp danh tính cá nhân, nếu không sẽ bị dừng thanh toán. "Việc này giúp xác nhận thông tin tài khoản của bạn là chính xác và bảo vệ bạn trước các hành vi gian lận", điều khoản Google nêu.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh ngày càng nhiều hoạt động của người dân chuyển dịch sang môi trường số, việc quản lý và định danh tài khoản số sẽ giúp các quy định pháp luật được áp dụng một cách thống nhất, bình đẳng, không phân biệt đời thực hay trên mạng.
"Điều này góp phần loại bỏ nội dung xấu, sai trái, vi phạm hoặc gây hại cho xã hội trên không gian mạng, bảo vệ quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của họ khi tham gia không gian mạng", ông Vũ Ngọc Sơn, CTO Công ty Công nghệ an ninh mạng Việt Nam NCS, đánh giá.
Thách thức khi định danh tài khoản
Theo ông Sơn, do các nền tảng hoạt động xuyên biên giới, việc áp dụng sẽ gặp thách thức về nếu không phải là một tiêu chuẩn được thừa nhận trên toàn cầu. Thông qua công cụ thay đổi vị trí, người dùng có thể dễ dàng đăng ký tài khoản ở quốc gia khác để sử dụng tại Việt Nam.
Ngoài ra, chuyên gia này cho rằng nhu cầu ẩn danh để trao đổi, tương tác với người khác "là một nhu cầu thực của con người, có từ trước khi mạng Internet phát triển". Có những tính năng, thậm chí là loại hình, dịch vụ được thiết kế để phục vụ nhu cầu này của con người. "Việc xóa bỏ tính ẩn danh vô cùng khó và đòi hỏi nỗ lực của các bên, từ cơ quan quản lý, nhà cung cấp dịch vụ cho đến người dùng", ông Sơn nói.
Nhiều nền tảng định danh thông qua tài khoản của một dịch vụ khác, ví dụ tài khoản Facebook được lập thông qua email của Google. Một số ứng dụng OTT, mạng xã hội sử dụng số điện thoại. Tuy nhiên, hiện nay sim không chính chủ vẫn tồn tại. Với thực trạng này, chỉ cần một trong chuỗi các nền tảng liên quan không tuân thủ yêu cầu, tính định danh sẽ bị phá vỡ. Vì vậy, quy trình này đòi hỏi tính đồng bộ, thống nhất cao của các bên.
Xác minh danh tính đồng nghĩa người dùng phải gửi thông tin cho mạng xã hội, như CCCD, số điện thoại. Theo các chuyên gia an toàn thông tin, việc này có thể phát sinh nguy cơ lộ lọt dữ liệu người dùng. "Trước đây đã có nhiều vụ lộ thông tin người dùng từ các mạng xã hội. Nếu không yêu cầu định danh, một số người có thể chọn tên ảo, hạn chế cung cấp thông tin cá nhân", ông Sơn cho hay.
Khiêm Vũ, quản trị viên một nhóm sáng tạo nội dung online, cho biết việc định danh giúp giảm tài khoản ảo và góp phần làm môi trường mạng trong sạch hơn, trong khi người làm nội dung tự tin hơn trong hoạt động của mình. Tuy nhiên, ông cho rằng việc định danh cần triển khai phù hợp, thuận tiện, tránh gây khó cho người dùng nói chung và những nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội nói riêng.