Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung, tiến độ xây dựng pháp luật

06/09/2023 15:39

Chính phủ xác định tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan của Chính phủ, bảo đảm đúng quy định “chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung và tiến độ trình các đề án, dự án, văn bản pháp luật được giao”.

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung, tiến độ xây dựng pháp luật - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật

Ngày 6/9, tại Nhà Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khoá XV. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì hội nghị. Các đồng chí: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đồng chủ trì. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 62 điểm cầu tại các tỉnh/thành phố trong cả nước.

Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc lần thứ Nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội Khóa XV đang diễn ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, Chính phủ xác định tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan của Chính phủ, bảo đảm đúng quy định “chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung và tiến độ trình các đề án, dự án, văn bản pháp luật được giao”.

Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, về việc ban hành kế hoạch triển khai thi hành và phổ biến luật, nghị quyết, các bộ, cơ quan ngang bộ chủ động tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các Kế hoạch để triển khai thi hành các luật, nghị quyết ngay sau khi được Quốc hội thông qua.

Bên cạnh đó, 41/63 (năm 2022), 28/63 (năm 2023) tỉnh, thành phố cũng đã ban hành văn bản riêng chỉ đạo, hướng dẫn các luật, pháp lệnh mới, xây dựng Kế hoạch triển khai các luật, pháp lệnh.

Để triển khai thực hiện luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương đã ban hành Kế hoạch hoạt động; Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, đoàn thể ban hành Kế hoạch Phổ biến, giáo dục pháp luật hoặc lồng ghép công tác Phổ biến, giáo dục pháp luật trong Kế hoạch công tác năm, Kế hoạch triển khai luật, pháp lệnh.

Từ đầu nhiệm kỳ đến Kỳ họp thứ Tư, trên cơ sở phân công của Thủ tướng Chính phủ, các bộ có nhiệm vụ trình hoặc ban hành theo thẩm quyền 50 văn bản để quy định chi tiết 20 luật, nghị quyết đã có hiệu lực.

Kết quả, tính đến ngày 30/8/2023, số văn bản đã được ban hành là 38 văn bản, còn lại 10 văn bản chưa được ban hành. Trong số 38 văn bản được ban hành, có 09/38 văn bản được ban hành đảm bảo có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật.

Đối với luật, nghị quyết hoặc nội dung giao quy định chi tiết chuẩn bị có hiệu lực, các bộ có nhiệm vụ phải ban hành hoặc trình ban hành 41 văn bản quy định chi tiết Luật Thi đua, khen thưởng, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sẽ có hiệu lực từ 1/1/2024 và Luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực từ 1/1/2023.

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung, tiến độ xây dựng pháp luật - Ảnh 2.

Công tác xây dựng pháp luật đã gắn kết hơn với công tác thi hành pháp luật

Về công tác triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Năm, theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, các bộ có nhiệm vụ phải xây dựng, ban hành hoặc trình ban hành 37 văn bản quy định chi tiết 9 luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Năm. Trong đó, có 3 luật, nghị quyết có hiệu lực từ rất sớm (1.8.2023 và 15.8.2023). Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đã ban hành 6 văn bản.

“Các bộ, cơ quan ngang bộ đã có chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng pháp luật. Có 8 Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp chỉ đạo công tác này.

Công tác xây dựng pháp luật đã gắn kết hơn với công tác thi hành pháp luật, cải cách thủ tục hành chính Tổ chức pháp chế phát huy tốt hơn vai trò đầu mối trong công tác xây dựng pháp luật, góp phần rút ngắn thời gian ban hành văn bản, nâng cao chất lượng công tác xây dựng và thi hành pháp luật.

Những kết quả nêu trên đã góp phần tích cực vào việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của luật, pháp lệnh, đưa luật, pháp lệnh nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung, tiến độ xây dựng pháp luật - Ảnh 3.

Công tác triển khai thi hành pháp luật vẫn còn một số hạn chế, bất cập

Tuy nhiên, theo đánh giá, công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết còn một số hạn chế, bất cập nhất định.

Đó là, việc ban hành văn bản quy định chi tiết để có hiệu lực đồng thời với văn bản được quy định chi tiết vẫn chưa được thực hiện triệt để. Vẫn còn nợ văn bản ban hành chi tiết các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ.

Công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật tại một số cơ quan chưa hiệu quả, đầy đủ, đúng theo quy định.

Việc xử lý văn bản sau rà soát chưa kịp thời, nhất là việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định do cấp có thẩm quyền của địa phương ban hành để phù hợp với văn bản của trung ương; chưa thực sự kết nối hiệu quả giữa kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật với hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật…

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung, tiến độ xây dựng pháp luật - Ảnh 4.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hồ Long

Khẩn trương ban hành Nghị định mới về tổ chức pháp chế

Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng, ban hành 82 văn bản quy định chi tiết (gồm 12 văn bản nợ ban hành các luật, nghị quyết đã có hiệu lực và 70 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết hoặc nội dung được giao quy định chi tiết sẽ có hiệu lực trong thời gian tới).

Đồng thời khẩn trương ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế nhằm kịp thời tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thời gian qua, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế.

Để hoàn thành nhiệm vụ, Chính phủ xác định tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan của Chính phủ, bảo đảm đúng quy định “chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung và tiến độ trình các đề án, dự án, văn bản pháp luật được giao”.

Các bộ, ngành thường xuyên, chủ động rà soát, đánh giá các quy định pháp luật, các quan hệ xã hội thuộc lĩnh vực quản lý; chủ động lập đề nghị xây dựng và tổ chức soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết theo đúng trình tự, thủ tục quy định.

Chú trọng lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, các chuyên gia, nhà khoa học; tăng cường truyền thông chính sách, phản biện xã hội đối với các nội dung có tác động lớn đến người dân và doanh nghiệp.

Nâng cao chất lượng thẩm định thông qua phát huy cơ chế hoạt động của các hội đồng thẩm định, hội đồng tư vấn thẩm định, thu hút sự tham gia của đại diện các bộ, ngành liên quan, các tổ chức đại diện cho các nhóm lợi ích, các hiệp hội và các chuyên gia, nhà khoa học uy tín.

Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức pháp chế của bộ, ngành; bảo đảm nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật; chú trọng củng cố kiện toàn tổ chức pháp chế, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn và quan tâm chế độ, chính sách cho đội ngũ này.

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung, tiến độ xây dựng pháp luật - Ảnh 5.

Tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm

Để tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cơ quan chủ trì lập đề nghị, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cần kịp thời báo cáo, xin ý kiến cấp ủy, tổ chức Đảng về những chính sách quan trọng, định hướng lớn; đề cao trách nhiệm người đứng đầu và từng cá nhân, chú trọng tổng kết pháp luật, đánh giá tác động chính sách, lấy ý kiến, tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý, thẩm định; tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong công tác xây dựng pháp luật…

Chính phủ kiến nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Chính phủ ngay từ giai đoạn đầu trong công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm tính khả thi các quy định giao quy định chi tiết trong các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết gắn với các điều kiện tối thiểu về thời gian, nguồn lực; giúp Chính phủ và các bộ tăng cường hoạt động giám sát đối với việc xây dựng và thi hành pháp luật, kịp thời phát hiện những nội dung trái pháp luật, những vi phạm trong thi hành pháp luật để kiến nghị các biện pháp xử lý phù hợp.

Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các cơ quan của Chính phủ trong việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; tổ chức triển khai thi hành luật, pháp lệnh, ban hành văn bản quy định chi tiết; thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua hoạt động truy tố, xét xử và thi hành án./.

Theo xaydungchinhsach.chinhphu.vn
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/nguoi-dung-dau-phai-chiu-trach-nhiem-ve-toan-bo-noi-dung-tien-do-xay-dung-phap-luat-1192309061551088.htm
Copy Link
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/nguoi-dung-dau-phai-chiu-trach-nhiem-ve-toan-bo-noi-dung-tien-do-xay-dung-phap-luat-1192309061551088.htm
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung, tiến độ xây dựng pháp luật
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO