Người đầu tiên ở Đắk Nông nuôi thành công cá trắm giòn
Gia đình chị Phạm Thị Tâm và anh Đinh Văn Điệp ở thôn 10, xã Nam Bình, huyện Đắk Song (Đắk Nông) nuôi cá trắm giòn, mỗi năm thu về 400 triệu đồng.
Chị Tâm chia sẻ, năm 2019, sau khi về quê Nam Định và thấy gia đình người thân nuôi cá trắm giòn ăn ngon mà hiệu quả kinh tế cao đã mua 200 con đưa vào Đắk Song nuôi.
Chị Tâm cho hay: “Tôi thích nuôi cá và đam mê nó. Sau hơn 1 năm chăm sóc, đến lúc ăn thịt cá trắm thấy giòn là biết mình đã nuôi thành công ở vùng nước Đắk Nông này rồi. Tôi rất mừng!”.
Ban đầu, anh chị chỉ nuôi cá ở 1 ao với diện tích 1.500m2 nhưng hiện nay đã mở rộng ra 7 ao với tổng tiện tích 10.500m2, tương đương hơn 1ha. 3 năm trở lại đây, mỗi năm gia đình xuất bán khoảng 7 tấn cá trắm giòn.
Chị Tâm thông tin thêm, để nuôi được cá trắm giòn nguồn nước cần phải sạch, tốt nhất là có nước chảy. Gia đình phải xử lý nước ở các ao và học tập kỹ thuật phòng, trị bệnh thì cá mới nhanh lớn.
Cá khoảng 1,5kg trở xuống cho ăn cỏ và cám. Sau đó cho ăn đậu tằm, khoảng 7-8 tháng cá trắm sẽ đạt từ 6-10kg.
“Để cá trắm có thịt giòn, vị béo, ngọt và đạt trọng lượng cao gấp nhiều lần cá trắm thường, bí quyết đó là từ tầm khoảng 2kg phải cho ăn hoàn toàn bằng đậu tằm. Đậu tằm được gia đình mua từ ngoài Hải Dương vào. Gia đình ủ đậu tằm đến khi hạt nứt thì cho cá ăn. Lúc này, hạt đậu tằm giàu dinh dưỡng sẽ là nguồn thức ăn tốt cho cá trắm. Đến thời điểm này, con cá trắm giòn nặng nhất của gia đình nuôi đạt 13,8kg”, chị Tâm cho biết.
Mật độ nuôi cá trong ao càng thấp thì cá lớn nhanh. Nếu mật độ ao khoảng 1.000m2 mà nuôi 1.000 con thì chậm lớn, còn nuôi 500 con thì nhanh lớn. “Con cá cần môi trường thoáng đãng, vận động thoải mái thì nhanh lớn”, chị Tâm chia sẻ.
Chị Tâm tính toán, cứ 1 tấn cá chi phí mua giống khoảng 70 triệu đồng và cần 2 tấn đậu tằm với khoảng 40 triệu đồng. Hiện nay, gia đình bán cá trắm giòn với giá chung cho sỉ và lẻ là 180.000 đồng/kg. Tính ra, 7 tấn cá sau khi trừ chi phí lời khoảng lời 400 triệu đồng”.
Chị Tâm cho biết, gia đình không đủ cung cấp cho các nhà hàng ở huyện Đắk Song mà chỉ đủ phục vụ bán lẻ. “Gia đình phục vụ từ nông trại đến bàn ăn. Ai mua bao nhiêu bán bấy nhiêu, thậm chí cần chế biến, nấu nướng thì chúng tôi cũng phục vụ. Các hộ cần học hỏi kinh nghiệm nuôi cá trắm giòn chúng tôi sẵn sàng chia sẻ”, chị Tâm cho hay.
Theo ông Nguyễn Văn Anh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đắk Song đánh giá: “Mô hình nuôi cá trắm giòn của gia đình anh Điệp, chị Tâm là mô hình kinh tế mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thời gian qua, chúng tôi đã dẫn các nông dân đến gia đình chị Tâm tham quan, học hỏi để có thể áp dụng nuôi, từ đó nhân rộng”.