Nông nghiệp - Nông thôn

Người dân tộc thiểu số ở Đắk Nông thoát nghèo từ cây cà phê

Mẫn Doanh 30/06/2023 07:28

Trong những năm qua, cây cà phê đã, đang giúp đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Đắk Nông thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu

Năm 2000, ông Điểu Tùng ở bon Đắk R’Moan, xã Đắk R’Moan (Gia Nghĩa) cải tạo 2 ha vườn điều, chặt bỏ những cây năng suất thấp, xuống giống trồng xen gần 2.000 cây cà phê. Khi cà phê có nguồn thu, song song với việc chăm sóc, ông dùng lợi nhuận để cải tạo vườn, chuyển đổi những cây già cỗi, xuống giống và trồng thêm được hơn 400 trụ tiêu.

Nhờ chăm chỉ lao động, mỗi năm, gia đình ông có nguồn thu nhập ổn định. Sản lượng cà phê có khi đạt hơn 5 tấn/ha. Gia đình ông được xem là hộ đồng bào DTTS trồng cà phê đạt năng suất cao. Mỗi năm, gia đình ông có thu nhập hơn 250 triệu đồng từ trồng trọt, giúp gia đình có cuộc sống ấm no.

img_1121(1).jpg
Cà phê trở thành cây xóa đói giảm nghèo vùng DTTS

Thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, đến nay, nhiều hộ đồng bào Mông ở huyện Đắk Glong chú trọng trồng cây lâu năm, đầu tư kỹ thuật vào trồng trọt. Nhiều năm trước, gia đình anh Thào Seo Chứ là một trong nhiều hộ người Mông ở thôn 1, xã Đắk Som (Đắk Glong) chuyển đổi phương thức sản xuất, từ canh tác cây hoa màu ngắn ngày sang trồng cà phê.

Anh Chứ cho biết: "Trước đây, mì là cây trồng chính của bà con trong bản. Nhưng trồng mì có khi không đủ ăn. Sau đó,, bà con được vay vốn chính sách, lấy ngắn nuôi dài, phát triển trồng cây cà phê và chăn nuôi gia súc. Năm nay, cà phê của gia đình chúng tôi thu hoạch tầm 3 tấn, cũng được hơn 100 triệu đồng. Số tiền ấy giúp gia đình tôi đủ trang trải trong cuộc sống. Ngoài mở rộng diện tích trồng cây cà phê, tôi trồng xen một số cây trồng khác, hy vọng nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích”.

Không chỉ giúp xóa đói giảm, nghèo, không ít hộ DTTS còn biết dựa vào cây cà phê vươn lên làm giàu chính đáng. Bà H’Xiêm là một trong những người M’nông tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh giỏi tại bon Bu Bơr, xã Trường Xuân (Đắk Song).

Gia đình bà chọn cây cà phê và hồ tiêu làm cây chủ lực sản xuất. Bà trồng hơn 4 ha cà phê, 3 ha hồ tiêu. Riêng cây cà phê, bình quân hằng năm, gia đình bà thu hoạch được khoảng 16 tấn. Sau khi trừ chi phí cũng mang lại nguồn thu nhập hơn 300 triệu đồng. Tích góp nguồn vốn từ việc trồng trọt, buôn bán, vào năm 2014, bà H’Xiêm thành lập công ty riêng, chuyên kinh doanh phân bón, thu mua nông sản tại địa phương. Nhờ đó, gia đình bà có nguồn thu nhập ổn định hơn 1 tỷ đồng/năm. Bà tận dụng được nguồn lao động đông đảo trong gia đình và tạo việc làm thường xuyên cho 8 nhân công với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng.

_dsc0706(1).jpg
Ngôi nhà khang trang, kiên cố của gia đình bà H’Xiêm

Thay đổi tập quán canh tác, tăng hiệu quả sản xuất

Đã có thời kỳ, cà phê không được giá, cùng với ảnh hưởng thiên tai, một số người dân chặt phá vườn cà phê để chuyển đổi cây trồng. Đứng trước thực trạng ấy, cấp ủy, chính quyền các địa phương phải vào cuộc tuyên truyền.

Anh Triệu Văn Hùng, dân tộc Dao, ở thôn Đức Bình, xã Đức Mạnh (Đắk Mil) là một trong những người trồng cà phê theo chuẩn 4C ở Đắk Mil. Theo anh Hùng, cà phê đã nuôi sống nhiều người dân. Để có vườn cà phê xanh ngút ngàn như bây giờ là bao mồ hôi, công sức khai hoang, chăm sóc nhiều năm trời, đâu phải muốn bỏ là bỏ ngay được.

"Nhiều hôm đi ra vườn, nghe dân làng bàn chặt cà phê để trồng cây khác, rồi nghe chuyện cà phê không còn là cây chủ lực, không còn là cây xóa đói giảm nghèo, nhưng tôi không hề nao núng. Tôi nghĩ phải chăm sóc tốt cho cây cà phê, hướng đến sản xuất bền vững theo xu hướng thị trường”, anh Hùng cho biết.

dsc_6573(1).jpg
Đồng bào DTTS tái canh cà phê bằng phương pháp ghép chồi

Không chỉ đa dạng hóa cây trồng trong vườn cà phê bằng cách trồng xen các loại cây khác, một số hộ DTTS tận dụng nguồn hỗ trợ, thực hiện tái canh cà phê mang lại hiệu quả. Thời gian qua, các dự án được triển khai như Dự án 3 EM (Tăng cường năng lực kinh tế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Nông), Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình tái canh cà phê… có các chính sách hỗ trợ cây giống, máy móc, nông cụ, phân bón, vật tư cho đồng bào tái canh cà phê. Việc thay đổi tập quán canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả tái canh, cải tạo cà phê, đem lại hiệu quả nhất định.

Là thành viên của HTX nông nghiệp Công Bằng Thuận An, bà H’Plơ, dân tộc M’nông, bon Sa Pa, xã Thuận An (Đắk Mil) làm cà phê VietGAP. Bà là người tâm huyết, gắn bó với cây cà phê từ khi bén rễ ở vùng đất này. Với bà, cây cà phê là cả một ký ức, bà chưa bao giờ có ý định thay thế bằng cây trồng khác. Khi vườn cà phê đã già cỗi, bà đưa giống cà phê dây vào trồng tái canh. Vườn cà phê sau khi tái canh đều cho thấy những ưu điểm vượt trội so với các giống cũ như hái nhanh, lợi công, năng suất tăng...

"Cà phê vụ vừa rồi vừa trúng mùa vừa được giá, gia đình phấn khởi lắm. Thời điểm giá cà phê cao, vào đúng thời điểm vườn nhà tôi chín rộ, trừ chi phí đầu tư, gia đình thu về hơn 150 triệu đồng. Gia đình tôi sẽ tiếp tục thực hiện cải tạo, tái canh cà phê già cỗi trong vườn", bà H’Plơ chia sẻ. 

Những diện tích cà phê già cỗi, hết chu kỳ kinh doanh, sâu bệnh, năng suất thấp, hiệu quả kinh tế kém đã được bà con thực hiện tái canh đúng quy trình.

Anh Điểu Giá ở bon Bù Dấp, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) là một trong những người đã tái canh cây cà phê mang lại hiệu quả. Trước đây, anh Điểu Giá có hơn 1,5 ha cà phê được bố mẹ để lại. Cây già cỗi, năng suất rất kém. Năm 2015, được Hội nông dân và Dự án 3EM hỗ trợ, hướng dẫn, anh Điểu Giá cưa 200 gốc cà phê để tái canh bằng phương pháp ghép chồi giống cà phê lai đa dòng. Anh cải tạo vườn cà phê với hình thức ghép chồi phù hợp với điều kiện kinh tế, trình độ sản xuất và mang lại nhiều ưu thế về thời gian chăm sóc, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất. Chỉ 2 năm sau, 200 gốc cà phê tái canh ghép đã cho thu bói 2,5 tạ; tăng hơn 1 tạ so với sản lượng cũ. Đến nay, các cây ghép đều đang phát triển tốt, cho trái to, ước đạt hơn 1 tấn nhân.

"Trước sự vượt trội về năng suất của những cây cà phê ghép, tôi tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu giống mới chất lượng để tái canh toàn bộ vườn cà phê của gia đình", anh Điểu Giá đề ra mục tiêu để phấn đấu thực hiện.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Người dân tộc thiểu số ở Đắk Nông thoát nghèo từ cây cà phê
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO