Người dân Đắk Nông hưởng lợi từ Chương trình giảm nghèo thông tin
Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, Đắk Nông đã triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ và tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân phát huy tinh thần tự lực vươn lên.
Anh Điểu Khanh, ở bon Bu P'răng, xã Quảng Trực (Tuy Đức) từng là hộ kinh tế khó khăn do không biết kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây nông nghiệp. Qua tham gia những lớp tập huấn, được hướng dẫn kỹ thuật, anh đã thay đổi lối canh tác, áp dụng hiệu quả mô hình xen canh hiệu quả.
Với 2 ha đất, anh Khanh trồng cà phê xen mắc ca, hồ tiêu. "Việc phát triển kinh tế rất cần kiến thức, định hướng và quy trình chăm sóc. Tôi đã học được cách phát triển kinh tế hiệu quả, tạo nguồn thu nhập ổn định khoảng 600 triệu đồng mỗi năm", anh Khanh cho biết.
Anh Điểu Khanh là một trong rất nhiều hộ nghèo được hưởng lợi từ Chương trình tuyền thông giảm nghèo về thông tin. Theo Sở LĐ-TB&XH, toàn tỉnh Đắk Nông có 13.342 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 7,97%. Trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số 9.589 hộ, chiếm tỷ lệ 20,11%; hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ 3.892 hộ, chiếm tỷ lệ 24,56%.
Kết quả trên đã đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 16/12/2021 của Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Ông Hồ Sỹ Hải, Trưởng Phòng Bảo trở xã hội (Sở LĐ-TB&XH) cho biết, hiện toàn tỉnh có khoảng 50% hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet.
Bên cạnh đó, có 30% các hộ gia đình sinh sống địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn muốn được tiếp cận thông tin về giảm nghèo bền vững thông qua các hình thức xuất bản phẩm, sản phẩm truyền thông.
Trong 2 năm qua, việc triển khai Chương trình tuyền thông giảm nghèo về thông tin (Tiểu dự án 1), tỉnh Đắk Nông được phân bổ nguồn vốn gơn 2,4 tỷ đồng.
Từ nguồn kinh phí này, các cơ quan, đơn vị đã xây dựng các chuyên trang, chuyên mục “Đắk Nông - Giảm nghèo về thông tin” trên báo in, báo điện tử, sóng truyền hình của địa phương và sóng phát thanh khu vực Tây Nguyên.
Thông qua truyền thông giảm nghèo thông tin, có khoảng 21.860 người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật… được hưởng lợi từ dự án.
Đối với Tiểu dự án 2 (Truyền thông về giảm nghèo đa chiều) đến nay, Sở LĐ-TB&XH đã triển khai thực hiện và có khoảng 21.860 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được thụ hưởng.
Thông qua các hình thức như tuyên truyền bằng hình ảnh trực quan như pa nô, áp phích, tờ rơi, cổng thông tin điện tử, qua mạng xã hội facebook, zalo... đã từng bước nâng cao nhận thức, ý thức cho người nghèo về tính tự lập, tự vươn lên.
Chương trình tuyền thông giảm nghèo về thông tin đã huy động được sự tham gia hưởng ứng tích cực của các giai tầng trong xã hội về công tác giảm nghèo.
Theo ông Nguyễn Công Tự, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Nông, đối với hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, các nội dung truyền thông tập trung vào các chính sách về đổi mới phương thức sản xuất.
Việc truyền thông được lấy dẫn chứng cụ thể thông qua các mô hình tổ chức sản xuất như: doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ gia đình, cộng đồng dân cư...
Từ đó, góp phần định hướng sản xuất, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người nghèo.
“Chương trình còn chú trọng đào tạo kỹ năng nghề, tạo việc làm, sinh kế bền vững cho người dân. Đồng thời, chuyển dịch lao động phù hợp với nhu cầu thị trường”, ông Tự cho biết thêm.