Đời sống

Người dân Buôn Choáh giúp nhau thoát nghèo từ nuôi dê

Thanh Hằng 29/06/2023 05:28

Để nâng cao năng lực cạnh tranh trong sản xuất, kinh doanh, xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm dê thịt, 18 hộ dân xã Buôn Choáh (Krông Nô) đã liên kết thành lập Chi hội nghề nghiệp nuôi dê. Mô hình đã khai thác được lợi thế của địa phương, giúp các hộ dân thoát nghèo.

ADQuảng cáo

Anh Nông Văn Lương, thôn Cao Sơn, xã Buôn Choáh được biết đến là người có nhiều kinh nghiệm nuôi dê. Mới đây, khi Chi hội nghề nghiệp nuôi dê được thành lập, anh được các thành viên khác bầu làm chi hội trưởng.

Anh Lương cho biết, năm 2016, gia đình bắt đầu nuôi dê. Từ vài con giống ban đầu, đến nay đàn dê đã phát triển lên hơn 50 con. Với hình thức vừa nuôi nhốt, kết hợp chăn thả tự nhiên, khai thác nguồn thức ăn phong phú nên đàn dê nhanh lớn và cho thịt săn chắc, được thị trường đón nhận tích cực.

Theo anh Lương, dê là động vật ít bị bệnh nên nuôi dê khá đơn giản và nhàn nhã. Bên cạnh đó, tận dụng được lợi thế về nguồn thức ăn tại địa phương, nghề nuôi dê đã mang lại nguồn thu hơn 100 triệu đồng mỗi năm, giúp gia đình anh ổn định đời sống, kinh tế.

hinh-1-2-.jpg
Anh Nông Văn Lương cùng nhiều hộ dân khác của xã Buôn Choáh thoát nghèo từ nuôi dê.

Với tư cách là người đứng đầu Chi hội nghề nghiệp nuôi dê, anh Lương đã xây dựng được mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa các hội viên. Nhờ đó, đến nay hầu hết các hội viên đều thuần thục kỹ thuật nuôi dê cho hiệu quả cao.

ADQuảng cáo

Hiện nay, chi hội hoạt động theo nguyên tắc "4 tự" (tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm), "5 cùng" (cùng nuôi và chăm sóc đàn dê, cùng mối quan tâm, cùng có sự chia sẻ, cùng nhau trách nhiệm, cùng nhau hưởng lợi).

Hàng tháng các thành viên trong chi hội đều ngồi lại để rút kinh nghiệm và chia sẻ kiến thức chăm sóc dê. Đối với những hộ có dê đẹp, giống tốt, các thành viên đổi chéo cho nhau, vừa giúp tiết kiệm chi phí, vừa nâng cao hiệu quả sản xuất”

Anh Nông Văn Lương, thôn Cao Sơn, xã Buôn Choáh

Như nhiều hội viên khác, nghề nuôi dê cũng đã mang lại cho gia đình anh La Văn Lợi, thôn Cao Sơn nguồn thu hơn 100 triệu đồng/năm. Ngoài hình thức chăn thả tự nhiên, tận dụng các loại lá cây trong vườn, anh Lợi còn trồng thêm cỏ cho dê ăn. Điều này không những chủ động được lượng thức ăn thô xanh phục vụ cho phát triển đàn dê mà còn góp phần phòng tránh được những rủi ro đáng tiếc khi chăn thả trong tự nhiên như ăn phải thức ăn kém chất lượng, không an toàn.

Anh La Văn Lợi đánh giá: “Với đặc trưng là vùng đất núi lửa, rất ít cây trồng phát triển được nên việc nuôi dê đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Dê là loài vật dễ nuôi, có sức đề kháng khá tốt, điều quan trọng nhất vẫn là công tác vệ sinh chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho dê”.

Thực tế cho thấy, việc đầu tư nuôi dê đã giúp nhiều hộ gia đình có nguồn thu ổn định. Ngoài ra, nông dân còn tận dụng phân dê bón cho cây trồng, mỗi năm mỗi hộ tiết kiệm được từ 10-15 triệu đồng tiền mua phân bón.

Theo lãnh đạo UBND xã Buôn Choáh, trong thời gian qua Chi hội nghề nghiệp nuôi dê của xã đã tổ chức tốt các hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm mang lại lợi ích chung về kinh tế và quyền lợi của mỗi hội viên. Trong thời gian tới, mô hình cũng hứa hẹn tạo ra những sản phẩm đạt chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân Buôn Choáh giúp nhau thoát nghèo từ nuôi dê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO