Người Đắk Nông hướng về nguồn cội

Hoàng Bảo| 08/04/2022 10:11

Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”, là tâm tư, tình cảm, lời nhắn nhủ của mỗi người con đất Việt từ bao đời nay mỗi khi tháng Ba về. Hòa chung dòng chảy ấy, tháng Ba này, những người con Đắk Nông dù không sinh ra ở nơi Đất Tổ nhưng vẫn luôn thành kính, nhớ về nguồn cội.

Tâm lúc nào cũng thành kính tri ân

May mắn nhiều lần được đặt chân lên mảnh đất Phú Thọ, thăm viếng nơi thờ tự các Vua Hùng, dù đi vào thời điểm nào, dịp gì, bà Hà Thị Hạnh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cũng đều mang trong mình một nỗi niềm xúc động, khó tả thành lời. Bà Hạnh kể lại, mỗi lần về dâng hương tại Đền Hùng, trong lòng đều cảm thấy tự hào, xúc động xen lẫn hạnh phúc. Về với Đất Tổ Vua Hùng, bà như được hòa mình vào dòng chảy lịch sử của dân tộc hàng ngàn năm trước. Những câu ca, tục ngữ, lời dạy của cha ông, của Bác Hồ được khắc tạc trên bia đá, lối đi đã trở thành bài học quý giá nhắc nhở bà cần phải biết về nguồn cội, tự hào về truyền thống con Lạc cháu Rồng.

Hiện nay, cuộc sống dù bộn bề đến đâu, công việc vất vả thế nào, nhưng đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” vẫn không thể nào phai trong tâm khảm của bà. Đặc biệt, lời căn dặn của Bác Hồ “Các Vua Hùng đã có công dựng nước/Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” đã trở thành bài học lớn, nhắc nhở bà phải cố gắng hơn nữa trong học tập, lao động, không ngừng đổi mới, sáng tạo, xứng đáng là con cháu Vua Hùng, Bác Hồ kính yêu và người đầy tớ trung thành của Nhân dân.

Lãnh đạo các tỉnh tham gia Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng

Khắc ghi lời dạy của cha ông, hàng năm, mỗi dịp đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, các thế hệ trong gia đình bà Hạnh đều tạm gác lại công việc riêng để cùng nhau quây quần, sum họp, làm mâm cơm có bánh chưng xanh, thắp nén nhang thơm thành kính dâng lên Vua Hùng, tổ tiên. “Nhớ về nguồn cội, không nhất thiết là phải về quê hương Phú Thọ, viếng Đền Hùng vào ngày Giỗ Tổ mà tùy điều kiện hoàn cảnh, mỗi người có một cách thức hướng về cội nguồn dân tộc. Riêng tôi, chỉ cần tâm lúc nào cũng thành kính tri ân, nhớ về công lao của các Vua Hùng, tự hào về truyền thống dân tộc, luôn cố gắng, hết sức mình trong công việc và cuộc sống thì đó là cách hướng về nguồn cội sâu sắc, thiết thực nhất”, bà Hạnh chia sẻ.

Tìm hiểu về lịch sử các Vua Hùng

Tương tự, ông Nguyễn Văn Hưng ở phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) đã may mắn được một lần được đặt chân đến Phú Thọ, thăm Đền Hùng vào đúng ngày Giỗ Tổ. Nhiều năm trôi qua, thời gian làm ông quên đi nhiều thứ, nhưng hình ảnh dòng người xuôi ngược, khắp bốn phương già, trẻ, gái, trai hành hương dâng hương, mâm quả tại các đền thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã trở thành ký ức đẹp không thể nào quên đối với ông. Để rồi giờ đây, khi đến ngày Giỗ Tổ, ông Hưng lại xốn xang, hồi tưởng lại về chuyến đi ý nghĩa ấy.

Ông Hưng cho rằng, không phải người con sinh ra ở mảnh đất Vua Hùng mới nhớ về nguồn cội mà hễ là người dân Việt Nam thì dù ở đâu, làm gì cũng đều dành một ngày để tìm về sử xưa, hiểu thêm về Vua Hùng, lịch sử dân tộc. Ông Hưng chia sẻ: “Hướng về nguồn cội, tưởng nhớ đến công lao dựng nước của các Vua Hùng là một trong những tình yêu quê hương sâu sắc nhất, bởi “Con người có tổ có tông, như cây có cội, như sông có nguồn”. Hàng năm, đến ngày Giỗ Tổ, gia đình tôi lại quây quần nói chuyện, tìm hiểu thêm về lịch sử các Vua Hùng qua các phương tiện thông tin đại chúng. Tôi cũng thường xuyên nhắc nhở con cháu phải luôn cố gắng học tập, lao động tốt để góp phần dựng xây đất nước mạnh giàu”.

Ban Biên tập Báo Đắk Nông trồng cây lưu niệm tại Vườn cây Báo Đảng thuộc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng

Thêm yêu, tự hào về truyền thống

Đặt chân lên Phú Thọ đúng vào dịp Giỗ Tổ Vua Hùng, bà H’Vi Ê ban, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh không thể nào quên được cảm giác bồi hồi, háo hức xen lẫn tự hào khi lần đầu được về với Đất Tổ thiêng liêng. Hòa vào dòng người tấp nập, bà càng thêm yêu, tự hào về truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của người Việt.

Bà H’Vi cho biết: “Là người dân đất Việt, tôi luôn tự hào mình là con cháu dòng dõi Vua Hùng. Do đó, tháng Ba về cũng chính là dịp để mỗi người, mỗi gia đình bớt chút thời gian tưởng nhớ, tri ân công lao dựng nước của các cha ông. Ngoài quây quần, trò chuyện, ôn lại lịch sử dân tộc, tôi còn thường xuyên chia sẻ với người thân về Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, ý nghĩa của mỗi câu ca dao, tục ngữ, lời căn dặn của Bác Hồ về trách nhiệm của thế hệ hôm nay với đất nước. Với vai trò là Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, tôi cũng thường xuyên động viên chị em phát huy tinh thần đoàn kết, luôn cố gắng xứng đáng là dòng dõi Bà Trưng, Bà Triệu, con Lạc cháu Hồng, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp”.

Có thể nói, hướng về nguồn cội là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và Giỗ Tổ Hùng Vương chính là dịp để nét đẹp ấy thêm được phát huy. Hàng năm vào ngày 10/3 âm lịch, không chỉ có những người con Phú Thọ mà hầu hết người dân đến từ các vùng miền khác trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đều luôn thành kính tri ân, nhớ về nguồn cội dân tộc với những hoạt động thiết thực, ý nghĩa, phù hợp. Đây cũng là cách để “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Phú Thọ”-Di sản văn hóa phi vật thể trường tồn cùng thời gian.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người Đắk Nông hướng về nguồn cội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO