Người có uy tín-Cầu nối ý Đảng lòng dân ở huyện nghèo Đắk Nông
Huyện Đắk Glong (Đắk Nông) triển khai thực hiện hiệu quả Dự án 10 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2015 (Chương trình 1719) góp phần thúc đẩy, phát huy tối đa vai trò của người có uy tín (NCUT) trong cộng đồng dân tộc thiểu số.
“Cánh chim đầu đàn” trong cộng đồng
NCUT không chỉ tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước mà còn gương mẫu trong lao động sản xuất, giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Bằng sự tận tâm và trách nhiệm, họ trở thành cầu nối hiệu quả giữa chính quyền và người dân trên địa bàn huyện Đắk Glong.
Tự hào khi được người dân tin tưởng và bầu làm NCUT, ông K’Lớ, bon B’Năm Păng Rắh, xã Đắk Plao, huyện Đắk Glong luôn tâm niệm phải làm cầu nối vững chắc giữa chính quyền và người dân, để bà con có động lực phát triển bền vững hơn. Ông xác định rõ vai trò của NCUT là phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân.

Để bà con tin tưởng và làm theo, K’Lớ tự mình làm gương, nói đi đôi với hành động, đặc biệt là trong việc phát triển kinh tế gia đình. Ông tích cực phối hợp với các hội, đoàn thể tuyên truyền, vận động đồng bào trong bon tham gia các chương trình MTQG.
Đơn cử như Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2025 (Chương trình 1719) nhằm xây dựng các mô hình, chuỗi sản xuất, giúp bà con thoát nghèo bền vững.
Chị H’Ding, bon B’Năm Păng Rắh, xã Đắk Plao phấn khởi: “Gia đình tôi trước đây rất khó khăn, nhưng nhờ sự hướng dẫn của ông K’Lớ, chúng tôi đã mạnh dạn nuôi dê thương phẩm. Giờ đây, cuộc sống đã ổn định hơn, chăm lo cho các con tốt hơn”.
Từ tháng 3/2024, hệ thống đèn năng lượng mặt trời đã được lắp đặt, tự động thắp sáng từ 18 giờ và duy trì suốt đêm, mang lại nhiều tiện ích cho bà con bon Kon Hao, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong. Để có công trình ý nghĩa này, trưởng bon, NCUT Sầm Minh Đông là người tiên phong vận động Nhân dân, kêu gọi xã hội hóa, giúp bon làng ngày càng đổi thay.

Từng chứng kiến cảnh người dân đi lại khó khăn vào ban đêm, nơm nớp lo lắng về an ninh trật tự, ông Đông trăn trở tìm cách khắc phục. Ông cùng Ban tự quản, Chi bộ bon Kon Hao họp bàn, đưa ra phương án lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời. Dự toán kinh phí lên đến 110 triệu đồng, một con số không nhỏ đối với bà con trong bon.
Song, với tinh thần "Nhà nước và Nhân dân cùng làm", ông kiên trì vận động, giải thích lợi ích lâu dài của công trình để từng hộ dân dần hiểu ra, đồng lòng đóng góp.
Chỉ trong thời gian ngắn, công trình hoàn thành mang đến niềm vui lớn cho bà con. “Khi bon làng có hệ thống chiếu sáng, ai cũng phấn khởi. Việc đi lại ban đêm thuận tiện, an ninh trật tự bảo đảm hơn", chị H’Tư, người dân bon Kon Hao bày tỏ.
Người dân tin tưởng, chính quyền đồng hành
Những năm qua, ông Sầm Minh Đông không chỉ là cầu nối giữa chính quyền và Nhân dân mà còn là người truyền cảm hứng trong phong trào phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Gần gũi, sát sao đời sống bà con, ông hiểu rõ hoàn cảnh từng hộ, kịp thời hỗ trợ khi cần thiết; vận động đồng bào áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi vươn lên thoát nghèo.
Bà Nguyễn Thị Nguyên, Bí thư Chi bộ bon Kon Hao nhận xét: "Ông Đông rất nhiệt tình, đi từng ngõ, gõ từng nhà, nắm vững tình hình đời sống bà con. Nhờ ông, bon làng ngày càng khởi sắc, các hoạt động phong trào diễn ra sôi nổi".
Những nỗ lực của ông Đông được ghi nhận qua nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành. Nhưng với ông, phần thưởng lớn nhất chính là sự tin yêu của bà con. Nhìn thấy bon làng ngày càng phát triển, cuộc sống người dân ổn định hơn, đó mới là niềm vui và động lực để ông tiếp tục cống hiến.

Tại xã Quảng Hòa, ông Dương Văn Hoạt, Bí thư Chi bộ thôn 6 cũng là một NCUT tiêu biểu. Là người dân tộc Tày nhưng đã gắn bó với bà con người Mông, Dao suốt nhiều năm, ông Hoạt không ngừng học hỏi tiếng các dân tộc khác để giao tiếp dễ dàng hơn.
Ông Hoạt chia sẻ: “Mình phải hiểu bà con thì bà con mới tin tưởng. Khi thấy tôi cố gắng học ngôn ngữ của họ, mọi người cũng cởi mở hơn, chia sẻ những tâm tư. Tôi cũng tích cực tham gia các buổi tập huấn và hội nghị địa phương tổ chức. Qua đó có thể trao đổi kinh nghiệm và nâng cao kỹ năng tuyên truyền. Các tài liệu và thông tin về chính sách cũng được cung cấp đầy đủ giúp tôi tuyên truyền và vận động người dân một cách hiệu quả, đưa chính sách đi vào đời sống”.

Quảng Hòa có hơn 90% dân số là đồng bào DTTS nên việc tuyên truyền chính sách luôn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ NCUT làm cầu nối, cấp ủy, chính quyền địa phương đã triển khai hiệu quả hơn các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Phan Đình Mạo, Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong
Phát huy hơn nữa vai trò người có uy tín
Giai đoạn 2022 – 2024, tổng nguồn vốn thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 10 Chương trình 1719 huyện Đắk Glong là 856 triệu đồng. Trong đó, hơn 300 triệu đồng được bố trí thực hiện nội dung chế độ chính sách đối với NCUT trong vùng đồng bào DTTS. Đến nay, huyện giải ngân được 196 triệu đồng, đạt gần 65%.
Từ nguồn lực trên, địa phương tổ chức hội nghị gặp mặt; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, cung cấp thông tin cho NCUT; đi học tập kinh nghiệm các mô hình phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ thăm hỏi, động viên những NCUT trong những dịp đặc biệt...
Những chính sách này giúp đội ngũ NCUT tiếp tục phát huy vai trò, trở thành lực lượng nòng cốt trong cộng đồng. Sự quan tâm kịp thời của chính quyền giúp NCUT thêm vững tin, tiếp tục cống hiến vì cộng đồng.

Ông Đoàn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết: “Hiện nay, toàn huyện có 52 NCUT trên tổng số 61 thôn, buôn, bon. NCUT góp phần quan trọng trong việc củng cố sự đoàn kết và thống nhất trong cộng đồng các dân tộc; tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn. Họ còn là đầu mối quan trọng trong vận động và xây dựng các mô hình kinh tế, sản xuất, kinh doanh hiệu quả”.
Thực hiện chính sách đối với NCUT trong vùng đồng bào DTTS theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2019 - 2024, huyện Đắk Glong được phân bổ 325 triệu đồng. Hàng năm, huyện tổ chức các buổi gặp mặt, tặng quà và thăm hỏi hơn 300 lượt NCUT; phổ biến, cung cấp thông tin được 6 đợt, thu hút 316 lượt NCUT tham gia. NCUT có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế - xã hội và tuyên truyền chính sách được khen thưởng. Huyện cử 189 lượt NCUT tham gia tập huấn, bồi dưỡng và 21 người đi học tập kinh nghiệm tại các tỉnh khác…