Những năm gần đây, ngành chăn nuôi của tỉnh ngày càng phát triển theo hướng quy mô lớn, quy mô trang trại. Tuy nhiên, hình thức chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh vẫn chiếm tỷ lệ lớn.
Tổng hộ chăn nuôi của tỉnh khoảng 11.000 hộ, chiếm khoảng 90% trong chủ thể chăn nuôi trên địa bàn. Trước những ảnh hưởng của giá thức ăn chăn nuôi tăng, nông hộ đối diện nhiều khó khăn, thua lỗ.
Ông Trần Văn Hồng, thôn 6, xã Đắk Ha (Đắk Glong) là hộ chăn nuôi gà quy mô lớn, nhưng lại không liên kết trong sản xuất, tiêu thụ. Hai năm nay, trước những ảnh hưởng của giá thức ăn tăng cao, gia đình đã phải giảm đàn gà xuống còn 1/2.
Ông Hồng cho biết: “Với đàn gà thịt khoảng 1.000 con gần xuất chuồng, trước đây tôi tốn 2 triệu đồng tiền thức ăn/ngày, nay lên mức 2,4 triệu đồng/ngày. So với trước, giá thức ăn tăng lên khoảng 20-30%. Do đó, phải giảm đàn nuôi để cắt bớt lỗ”.
Cũng theo ông Hồng, với tình hình này, năm 2022, gia đình phải tiếp tục giảm đàn nuôi. Bởi hiện nay, giá gà thịt không tăng, một số thời điểm còn giảm, nên việc giảm đàn sẽ hạn chế các rủi ro về kinh tế.
Gia đình ông Hoàng Mười, thôn 10, xã Đắk Wer (Đắk R’lấp) chăn nuôi heo với khoảng 50 con/lứa. Thời gian gần đây, hoạt động chăn nuôi của ông chịu ảnh hưởng lớn bởi giá thức ăn gia súc tăng.
Theo ông Mười, hiện giá thức ăn chăn nuôi tăng khoảng 32.000 đồng/tạ. Còn giá heo thịt lại không tăng, thậm chí từ đầu tháng 2/2022 tới nay còn giảm. Hiện heo hơi ở mức giá 52.000 đồng/kg, giảm so với đầu năm khoảng 4.000 đồng/kg. Trước thực tế này, gia đình đang tính toán cắt giảm đàn heo để tránh lỗ.
Chi phí thức ăn chăn nuôi tăng gây khó khăn cho hoạt động chăn nuôi của ông Hoàng Mười, xã Đắk Wer (Đắk R'lấp) |
Theo bà Ninh Thị Hằng, chủ một cơ sở bán thức ăn chăn nuôi tại TP. Gia Nghĩa, giá các loại thức ăn chăn nuôi có xu hướng tăng mạnh từ giữa tháng 2/2022 đến nay.
Trong đó, đối với các loại thức ăn chăn nuôi công nghiệp hiện dao động ở mức 12.000 đồng/kg tùy loại, tăng khoảng từ 300-500 đồng/kg so với cách đây vài tháng. Mức giá này cũng tăng khoảng 30%, so với năm 2020; khoảng 15% so với cùng kỳ 2021.
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), cả nước hiện có khoảng 265 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Trong đó, sản lượng lớn tập trung vào nhóm các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Trong khi đó, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nguồn cung nguyên liệu trên thế giới giảm mạnh trong thời gian qua. Ngoài yếu tố dịch bệnh, biến đổi khí hậu đã khiến sản lượng một số loại ngũ cốc chính của một số quốc gia như Mỹ, Argentina, Brazil... giảm mạnh.
Điều này khiến giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh. Giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm cũng vì thế tăng cao.
Thức ăn chăn nuôi các loại tăng khoảng 300-500 đồng/kg so với cách đây vài tháng |
Cũng theo Cục Chăn nuôi, từ đầu năm đến nay, giá heo, gà xuất chuồng vẫn đang ở mức thấp, nhu cầu tiêu thụ thịt chưa nhiều. Nhất là từ sau Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp, trường học, bếp ăn tập thể chưa hoạt động bình thường trở lại, gây áp lực rất lớn đối với người chăn nuôi.
Trước bối cảnh trên, Cục Chăn nuôi cho rằng, giải pháp trước mắt, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cần chủ động tìm kiếm, tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu trong nước để thay thế cho nguồn nhập khẩu.
Về các giải pháp lâu dài, các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu để đa dạng hóa nguồn cung. Đặc biệt, các cấp, ngành cần quan tâm nâng cao năng lực sản xuất nguyên liệu trong nước.
Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT, trong bối cảnh hiện nay, người chăn nuôi, nhất là các nông hộ, cần tận dụng, đa dạng thêm các loại thức ăn cho vật nuôi. Trong đó, bà con cần tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp, tự chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm. Từ đó, giảm bớt gánh gặng chi phí mua thức ăn chăn nuôi công nghiệp...