Giải trí

Bài văn mẫu phân tích tác phẩm Một người Hà Nội của tác giả Nguyễn Khải

Hùng Cường22/05/2024 14:30

Một người Hà Nội là một trong những tác phẩm hiện thực của văn học lớp 12. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn các em soạn bài cũng như các cách phân tích tác phẩm đầy đủ nhất

1. Tìm hiểu chung về tác phẩm Một người Hà Nội của Nguyễn Khải

Tác giả Nguyễn Khải

Tiểu sử

- Nguyễn Khải (1930 – 2008), tên thật là Nguyễn Mạnh Khải, ông sinh ra tại Hà Nội.

- Nhà văn được rèn luyện và trưởng thành trong quân ngũ

- Một trong những cây bút hàng đầu của văn xuôi Việt Nam từ sau Cách mạng tháng 8

Sự nghiệp văn học

a. Tác phẩm chính

Xung đột, Mùa lạc, Một người Hà Nội, Thượng Đế thì cười,.....

b. Phong cách nghệ thuật

Có khả năng phát hiện vấn đề, khả năng phân tích tâm lý nhân vật, giọng văn đôn hậu, trầm lắng, chiêm nghiệm.

Tác phẩm Một người Hà Nội

1. Tóm tắt

Truyện xoay quanh nhân vật cô Hiền, một “hạt bụi vàng” của thủ đô nghìn năm văn hiến. Cô xinh đẹp, thông minh, lại sinh ra trong một gia đình giàu có lương thiện khiến nhân vật “tôi” phải trân trọng, ngưỡng mộ. Thời trẻ, cô mở một xa-lông văn học, giao lưu với khách văn chương trí thức. Đến tuổi lập gia đình, cô chọn một ông giáo Tiểu học trong sự ngỡ ngàng của biết bao người. Suốt thời kháng chiến chống Pháp, vợ chồng cô vẫn sống ở Hà Nội một cách đường hoàng, sung túc, sinh hoạt nền nếp, lễ nghi bất chấp xung quanh đói khổ, buông tuồng. Cô Hiền làm nghề hoa giấy và có cái mặt tư sản nhưng không bị cải tạo vì cô chẳng bóc lột ai. Khi người con cả xin vào chiến trường, cô không ngăn cản. Cậu thứ hai thi được điểm cao nên trường giữ lại. Năm 1975, con cả của cô trở về và đã là thượng úy. Cô Hiền tổ chức bữa ăn bạn bè như mấy chục năm nay cô vẫn làm mỗi tháng. Nhân vật “tôi” chuyển vào Sài Gòn sinh sống nhưng cứ ra Hà Nội lại ghé vào thăm cô Hiền. “Tôi” tỏ ý buồn phiền về lối ứng xử xuống cấp của người Hà Nội thời nay. Cô Hiền kể cho anh nghe chuyện cây si bật gốc vì bão ở đền Ngọc Sơn.

2. Tìm hiểu chung

- Xuất xứ: Tác phẩm in trong tập truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Khải.

- Hoàn cảnh ra đời: Tác phẩm ra đời khi đất nước có nhiều thăng trầm, biến động, những giá trị truyền thống cũng dần phai mờ, đặc biệt là những giá trị của người Hà Nội.

3. Tìm hiểu chi tiết

a. Nhân vật cô Hiền

* Giới thiệu chung:

- Thời trẻ là cô gái thông minh, xinh đẹp, xuất thân trong một gia đình giàu có, lương thiện.

- Có nếp sống và nếp nghĩ độc đáo, khác lạ

+ Nếp sống, hành động:

Thời chống Pháp: vẫn sống ở Hà Nội, không dính líu gì đến “chính phủ”, sống một cuộc sống đường hoàng, sung túc, giữ nền nếp sinh hoạt và lễ nghi tốt đẹp của người Hà Nội.

Thời kì Hà Nội giải phóng: vẫn giữ gìn cách sống và nếp cũ của người Hà Nội.

Thời chống Mỹ: không khuyến khích cũng không ngăn cản con cái tòng quân.

Sau 1975: giữ nếp sống thanh lịch của người Hà Nội, vẫn tổ chức bữa cơm bạn bè mỗi tháng một lần giữa những cựu công dân của Hà Nội.

+ Nếp nghĩ: Vừa thích ứng với cái mới, vừa giữ gìn nếp sống và cách nghĩ riêng của mình: “Vui hơi nhiều… đến làm ăn chứ?”, “Một đời tao chưa từng bị ai cám dỗ, kể cả chế độ”, “Người đàn bà không là nội tướng thì cái gia đình ấy cũng chả ra sao”, “Chúng mày là người Hà Nội… buông tuồng”, “Xã hội nào cũng phải có… cho mọi giá trị”.

* Tính cách đặc sắc và sinh động

- Một người phụ nữ sắc sảo và tinh tế:

+ Mạnh dạn, thẳng thắn bày tỏ suy nghĩ của mình trước những điều chưa hợp lý của chế độ mới.

+ Với người giúp việc thì coi như người nhà, tình nghĩa như người trong họ.

+ Với thời cuộc, bộc lộ rõ ràng thái độ của mình: “Tao có bộ mặt rất tư sản, nhưng lại không bóc lột ai cả thì làm sao thành tư sản được”.

- Một người phụ nữ thông minh, quyết đoán, có đầu óc thực tế và giỏi tính toán

+ Mọi việc cô làm đều có sự tính toán trước: Sau ngày Hà Nội giải phóng, cô có hai dinh cơ, năm 1956, cô bán ngôi nhà ở Hàng Bún...

+ Cô đã tính là làm, đã làm là không để ý đến những lời đàm tiếu của thiên hạ: “Một đời tao chưa từng bị ai cám dỗ, kể cả chế độ”.

- Một người phụ nữ chu toàn mọi việc, như một nội tướng trong gia đình

+ Đặc biệt quan tâm, coi trọng vai trò của người phụ nữ trong gia đình, coi là “nội tướng”

+ Gần 30 tuổi bà mới lấy chồng, nhưng lại chọn một anh giáo tiểu học.

+ Việc sinh con: Kết thúc vào năm 40 tuổi. Tình thương con của cô là sự sáng suốt của một người mẹ có tầm nhìn xa, trông rộng.

+ Cô quan tâm, dạy dỗ con cái từ khi còn nhỏ và từ những chuyện nhỏ nhất. Với cô, trách nhiệm quan trọng nhất là tạo dựng nhân cách và chuẩn bị cho con cái một tương lai tốt đẹp.

- Một con người giàu tự trọng và sống có trách nhiệm

Chuyện hai người con xin đi bộ đội: “Tao đau đớn mà bằng lòng, vì tao không muốn nó sống bám vào sự hi sinh của bạn bè. Nó dám đi cũng là biết tự trọng”, “Tao cũng muốn sống bình đẳng với các bà mẹ khác, hoặc sống cả, hoặc chết cả, vui lẻ có hay hớm gì”

- Một con người luôn lưu giữ những nét đẹp của người Hà Nội, luôn nuôi dưỡng niềm tin vào cuộc sống.

+ Có niềm tin mãnh liệt vào những giá trị cổ truyền: “Với người già, bất kể ai, cái thời đã qua luôn là thời vàng son, mỗi thế hệ đều có thời vàng son của họ. Hà Nội thì không thế”

+ Câu truyện cây si và những suy nghĩ của cô Hiền.

b. Các nhân vật khác

* Nhân vật “tôi”:

- Giỏi quan sát, từng trải qua nhiều biến động của thời cuộc, biết trân trọng giá trị văn hóa và biết quý trọng những con người có bản lĩnh văn hóa như cô Hiền.

- Một người lính, một người bình thường trong cuộc đời.

* Nhân vật Dũng: dũng cảm, có lòng tự trọng, biết chiến đấu khi tổ quốc cần, tình nghĩa, đại diện cho thanh niên Hà Nội.

* Nhân vật người mẹ của Tuất: kiên cường, bản lĩnh, biết vượt lên đau thương.

* Những thanh niên Hà Nội và những người tạo nên “nhận xét không mấy vui vẻ” của nhân vật “tôi”: hời hợt, thô lỗ, ích kỉ, làm xấu đi diện mạo và văn hóa của Hà Nội.

c. Hình ảnh cây si cổ thụ

- Câu chuyện về cây si cổ thụ đã nói lên quy luật bất diệt của sự sống: “thiên địa tuần hoàn, cái vào ra của tạo vật không thể lường trước được”.

- Cây si cũng là một biểu tượng nghệ thuật, một hình ảnh ẩn dụ về vẻ đẹp của Hà Nội: có thể bị tàn phá, “bị nhiễm bệnh” nhưng vẫn là một người Hà Nội với truyền thống văn hóa đã được nuôi dưỡng suốt trường kì lịch sử, là cốt cách, tinh hoa, linh hồn của đất nước.

d. Giá trị nội dung

- Khẳng định sức sống bền bỉ của các giá trị văn hóa mang nét đẹp Hà Nội.

- Gửi gắm niềm thiết tha gìn giữ các giá trị ấy cho hôm nay và cho cả mai sau.

- Nhân vật cô Hiền là “một người Hà Nội” mãi mãi là hạt bụi vàng trong bể vàng trầm tích của văn hóa xứ sở.

e. Giá trị nghệ thuật

- Giọng điệu trần thuật: vừa tự nhiên, dân dã, hài hước vừa chiêm nghiệm, suy tư, triết lý.

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật: khắc họa nhân vật thông qua suy nghĩ, lời nói, hành động. Nhân vật được cá thể hóa cao độ với lứa tuổi, giai tầng, tính cách, cuộc đời riêng.

den-va-xanh-duong-dam-chuyen-nghiep-de-xuat-nganh-cong-nghiep-thuc-pham-ban-thuyet-trinh-su-menh-va-muc-tieu-6-.jpg

2. Hướng dẫn soạn bài Một người Hà Nội - Nguyễn Khải

Câu 1 (Trang 98 SGK Ngữ Văn 12 Tập 2):

* Tính cách, phẩm chất của cô Hiền:

- Cô Hiền là nhân vật trung tâm của truyện. Cũng như người Hà Nội khác, cô đã cùng Hà Nội, cùng đất nước trải qua nhiều biến động thằng trầm nhưng vẫn giữ được cốt cách người Hà Nội. Cô sống thẳng thắn, chân thành, không giấu giếm thái độ của mình với mọi hiện tượng xung quanh.

- Cô sống rất chân thành, thẳng thắn: Hòa bình lặp lại ở miền Bắc, cô Hiền không hề giấu giếm quan điểm của mình: “vui hơn nhiều, nói cũng hơi nhiều”, theo cô “chính phủ can thiệp vào nhiều việc của dân quá”...

- Là một người có đầu óc quan sát thực tế: Cô tính toán mọi việc trước sau rất khôn khéo và “đã tính là làm, đã làm là không để ý đến những điều đàm tiếu của thiên hạ”...

+ Việc hôn nhân: lấy chồng trước ba mươi tuổi, chồng cô là một ông giáo tiểu học chăm chỉ.

+ Việc sinh con: dừng lại ở tuổi 40 sau khi sinh được 5 người con để nuôi dạy cho chu đáo.

+ Việc dạy con: dạy con từ những cái nhỏ nhất, dạy con cách sống “biết tự trọng, biết xấu hổ”, biết sống đúng với bản chất người Hà Nội.

- Là một người yêu nước thầm kín: Đất nước bước vào giai đoạn kháng chiến chống Mĩ, cô sẵn sàng cho con trai ra trận: “tao đau đớn mà bằng lòng”, “vì tao không muốn nó sống bám vào sự hi sinh của bạn bè. Nó dám đi cũng là biết tự trọng”...

* Tác giả cho cô Hiền là “một hạt bụi vàng” của Hà Nội là một sự khẳng định những phẩm chất cao đẹp của con người cô, những tinh hoa trong bản chất người Hà Nội. Những người Hà Nội như cô bình thường và vô danh nhưng là “những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội”. Ánh vàng đó chính là truyền thống đẹp đẽ, cốt cách trong sáng của con người nơi đây.

Câu 2 (Trang 98 SGK Ngữ Văn 12 Tập 2):

a, Nhân vật tôi: Là người có những quan sát tinh tế, cảm nhận nhạy bén, sắc sảo về nhân vật cô Hiền, về Hà Nội.

- Lúc đầu nhân vật còn tỏ ra nghi ngại, giữ khoảng cách với cô Hiền.

- Về sau anh khâm phục, ngợi ca khẳng định nét đẹp của người Hà Nội, nét đẹp trong bề sâu nhân cách con người.

- Thể hiện một tình yêu sâu nặng, cách nhìn nhận về Hà Nội: đa chiều, lịch lãm.

b, Nhân vật Dũng

Anh là đứa con trai đầu mà cô Hiền rất mực yêu quý. Anh đã sống đúng với những lời mẹ dạy về cách sống của người Hà Nội. Năm 1965, Dũng “tình nguyện đăng kí xin đi đánh Mĩ”, anh đã dũng cảm, kiên cường chiến đấu suốt mười năm trở về lại Hà Nội trong ngày toàn thắng.

→ Nhân vật góp phần tô điểm thêm cốt cách tinh thần của người Hà Nội, phẩm giá cao đẹp của thanh niên Việt Nam.

c, Người mẹ Tuất: người mẹ yêu thương con hết mực, bà nén chịu nỗi đau mất con, tiếp tục sống, tiếp tục xây dựng cuộc sống.

d, Những người tạo nên “nhận xét không mấy vui vẻ” của nhân vật tôi về Hà Nội

- Đó là ông bạn trẻ đạp xe như gió... làm xe người khác suýt đổ, lại còn phóng xe vượt qua rồi lên mặt chửi: “tiên sư cái anh già”.

- Đó là những người mà nhân vật tôi quên đường hỏi thăm, những người trả lời sõng hoặc hất cằm, có những người giương mắt nhìn như con thú lạ...

→ Đó là một góc khác, những “hạt sạn của Hà Nội” mà người nghệ sĩ đã dám thẳng thắn nhìn vào và phản ánh trong tác phẩm của mình.

Câu 3 (Trang 98 SGK Ngữ Văn 12 Tập 2):

Chuyện cây si cổ thụ đổ ở đền Ngọc Sơn bị bão đánh bật rễ rồi lại hồi sinh gợi những suy nghĩ, chiêm nghiệm về quy luật bất diệt của cuộc sống. Cây si dù bị bật một phần rễ vẫn hồi sinh, lại trổ cành, xanh lá nhờ ý thức bảo vệ của con người.

→ Vẻ đẹp, sức sống, truyền thống văn hóa của Hà Nội cũng bền bỉ, trường tồn cùng tạo vật, thiên nhiên.

=> Ý nghĩa triết luận đậm nét, sâu sắc của chi tiết nghệ thuật cây si cổ thụ đổ đã thể hiện sinh động phong cách ngòi bút của Nguyễn Khải.

Câu 4 (Trang 98 SGK Ngữ Văn 12 Tập 2):

- Đặc sắc trong giọng điệu trần thuật: giọng điệu đầy chiêm nghiệm, vừa tự nhiên, dân dã, vừa trĩu nặng suy tư, vừa giàu chất khái quát, triết lí.

=> Làm nên chất tự sự vừa đời thường vừa hiện đại.

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật của Nguyễn Khải:

+ Đặt nhân vật trong nhiều quan hệ (gia đình, xã hội), nhân vật được soi chiếu trên nhiều bình diện (hôn nhân, nuôi dạy con cái, quản lí gia đình, cách nhìn nhận đối với con người và hiện tượng xung quanh, quan niệm và cách xử thế...).

+ Tạo tình huống gặp gỡ giữa nhân vật “tôi” và nhân vật khác.

+ Ngôn ngữ nhân vật góp phần khắc họa tính cách ( ngôn ngữ nhân vật cô Hiền ngắn gọn, rõ ràng, dứt khoát, ngôn ngữ nhân vật “tôi” đậm vẻ suy tư, chiêm nghiệm, pha một chút hài hước, vui vẻ...).

Bài văn mẫu phân tích tác phẩm Một người Hà Nội chi tiết

Dàn ý

1. Mở bài

- Tác giả Nguyễn Khải

+ Phong cách sáng tác sau năm 1975 chủ yếu viết về những vấn đề nóng của xã hội, về chủ đề văn hóa chính trị, sự thay đổi của con người.

- Giới thiệu về hoàn cảnh sáng tác truyện ngắn “Một người Hà Nội”.

+ Viết năm 1990 khi đất nước bước dần sang nền kinh tế thị trường

+ Chủ đề chính để khắc họa vẻ đẹp của con người Hà Nội trong sự đổi thay của đất nước.

2. Thân bài

- Vẻ đẹp của nhân vật chính - cô Hiền:

+ Cô xuất thân trong một gia đình gia giáo, giàu có, nề nếp, là người Hà Nội gốc

+ Cô có ngoại hình đẹp, yêu kiều

+ Thông minh hơn người, yêu văn chương yêu nghệ thuật

+ Cô Hiền có vẻ đẹp kiêu kỳ của người Hà Nội gốc.

+ Cô có lối sống ngay thẳng, dám bộc lộ quan điểm của bản thân dù trong hoàn cảnh nào.

+ Dù thời đại có biến chuyển, xã hội có phần biến chất thì cô vẫn luôn giữ được cho mình lối sống đẹp

+ Cô vẫn luôn giữ mối quan hệ với những văn nhân, nghệ sĩ, luôn nuôi dưỡng cho tâm hồn mình, luôn biết yêu và trân trọng vẻ đẹp tinh thần.

+ Trong gia đình nhỏ, cô là người vợ đảm đang, tháo vát.

+ Cô một tay quán xuyến mọi việc lớn nhỏ trong nhà, từ kiếm tiền nuôi gia đình lẫn giữ lửa cho ngôi nhà.

+ Với con mình, cô là người mẹ mẫu mực, nghiêm khắc. Cô dạy các con từ cách ngồi, cách ăn, cách nói chuyện, đi đứng và đặc biệt là cách sống.

+ Cô dạy con phải có trách nhiệm với đất nước nên dù đau lòng cô vẫn chấp nhận để con ra chiến trường bảo vệ đất nước.

--> Cô Hiền là “hạt bụi vàng” mang trong mình vẻ đẹp thuần túy không trộn lẫn. Đố là vẻ đẹp của tinh thần và cốt cách đã được ngấm sâu từ nền văn hóa vùng đất kinh kỳ, không thể phai nhòa theo năm tháng theo xã hội.

3. Kết bài

- Tóm lại nội dung bài viết.

- Nghệ thuật trần thuật của tác giả xuyên suốt cả đoạn trích.

Bài mẫu

Tác phẩm tiêu biểu nhất trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn Nguyễn Khải là truyện ngắn “Một người Hà Nội”. Tác phẩm này đã thể hiện được phần nào góc nhìn mới mẻ của tác giả về cuộc sống, về con người trong giai đoạn đổi mới hậu chiến tranh.

Cảm nhận đầu tiên của mỗi người về một tác phẩm chắc hẳn là đến từ nhan đề tác phẩm đó. Ngay từ tên tác phẩm “Một người Hà Nội” nhà văn Nguyễn Khải đã tạo ra hình tượng một con người của thủ đô nghìn năm văn hiến, thuần túy không hề pha trộn với bất cứ văn hóa vùng miền nào khác. Đây cũng là cách để tác giả mở ra một câu chuyện nghệ thuật của mảnh đất kinh kỳ, nghệ thuật cổ kính đang có phần thay đổi do thời đại biến chuyển.

Nhân vật chính trong tác phẩm Một người Hà Nội là cô Hiền - một người phụ nữ Hà Nội gốc, gia cảnh giàu có nhiều đời. Trong con người cô có đầy đủ vẻ đẹp ngoại hình và tâm hồn, cô đã tạo cho mình cốt cách văn hóa ứng xử của người Hà Nội. Chính phẩm chất bền vững đấy khiến cho người đọc có niềm tin rằng vẻ đẹp văn hóa truyền thống trong cô sẽ không bao giờ bị phai nhòa theo thời gian, luôn bền vững dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Cô cũng luôn yêu mảnh đất mình sinh ra và lớn lên, dù nơi đó có trải qua tàn phá bởi chiến tranh, oằn mình chịu những trận bom đạn thì cô vẫn luôn cố gắng ở lại nơi này, cùng nó vượt qua mọi khó khăn đau thương.

Cô Hiền được nhà văn miêu tả là một người phụ nữ xinh đẹp, sang trọng, quý phái, mang phong cách của một người gốc Hà Nội. Không chỉ ngoại hình đẹp, tâm hồn và tính cách của cô cũng được tác giả đánh giá rất cao. Cô là người thẳng thắn trong giao tiếp, luôn có cái nhìn nhạy bén trong mọi vấn đề nhất là về những người xung quanh và thực tế cuộc sống. Cô luôn thẳng thắn nói ra quan điểm cá nhân của mình, luôn sống thật với bản thân, không bao giờ giả dối lươn lẹo dù thực tế hoàn cảnh có ra sao. Cô Hiền còn giữ được nhịp sống của bản thân và gia đình luôn đẹp, chậm, dù ngoại cảnh cuộc sống đang đầy bon chen xô bồ. Dù trong hoàn cảnh nào thì cốt cách tốt đẹp của cô luôn được tỏa sáng. Nhưng cô cũng không phải là người rời xa thực tế, cô hiểu rõ mối quan hệ giữa giá trị vật chất và giá trị tinh thần và cô luôn có cách để trung hòa hai mặt đối lập đó, không để bên nào vượt đi quá xa ngoài tầm kiểm soát. Niềm đam mê nghệ thuật, tâm hồn phóng khoáng của cô cũng không bị giới hạn bởi tuổi tác. Cô vẫn giữ được thói quen từ khi còn trẻ là luôn tham gia các buổi giao lưu văn nghệ với các nghệ sĩ, văn công. Cuộc sống của cô luôn đầy đủ cả về vật chất và đủ đầy với tâm hồn nghệ sĩ, trân trọng cái đẹp. Nhưng thực tế cuộc sống nghệ thuật đó cũng không làm cô bị ánh hào quang nghệ sĩ mờ mắt. Cô lại rất thực tế trong cuộc sống hôn nhân của mình, cô chọn bình yên hơn so với những điều kiện mà cô đang có. Chồng của cô Hiền không phải là một danh nhân, một phú hộ hay một người nghệ sĩ. Cô chọn lấy một người thầy giáo tiểu học hiền lành chăm chỉ ở độ tuổi gần ba mươi - một độ tuổi khá muộn so với việc kết hôn thời đó. Sự lựa chọn này cũng như một sự hiểu trước cô chọn bình yên hơn là sóng giá do gia đình danh gia vọng tộc mang lại. Cô cũng rất mạnh mẽ với quyết định của mình, dù mọi người xung quanh đều bàn tán khó hiểu trước lựa chọn của cô. Hẳn phải là người đã có những trải nghiệm thực tế, một tâm hồn mạnh mẽ thì cô mới có thể bỏ qua mọi lời đàm tiếu của thiên hạ, vượt qua tất cả những thị phi mà mồm người khác tạo ra.

Trong cuộc sống gia đình, cô vẫn luôn là người vợ đảm đang giỏi việc nước đảm việc nhà. Cô luôn làm tròn bổn phận của mình, vừa quản lý được kinh tế vừa kiếm tiền nhưng cũng không bao giờ quên giữ lửa cho ngôi nhà của mình. Với con thì cô khá nghiêm khắc, cô luôn dạy con phải có lòng yêu nước, phải giữ được cho mình lòng tự trọng tối thiểu, phải hiểu rõ được trách nhiệm với nước nhà, với xã hội, với gia đình của mình. Cô được tác giả Nguyễn Khải ví như một “hạt bụi vàng” bởi cô còn là người hiền lành, sống biết trước biết sau, sống tình nghĩa nhân hậu và coi mọi người đều như người thân trong nhà mình. Cách gọi này cũng thể hiện được sự trân trọng yêu quý của tác giá với tâm hồn và cốt cách đang dần bị mai một, cần được lưu giữ.

Tác phẩm Một người Hà Nội này không chỉ nói đến mặt tốt của con người qua cô Hiền mà còn có thêm nhiều người Hà Nội khác. Đó vẫn là những thanh niên kiên cường yêu nước, sẵn sàng hy sinh thân mình xung phong ra chiến trường đánh giặc, xả thân vì mảnh đất mình đang sống, vì quê hương mình yêu thương như Dũng, Tuất. Đó còn là những bà mẹ Việt Nam anh hùng nén nỗi đau tiễn con mình ra trận dù biết chắc con mình khó có khả năng quay trở lại.

Tất cả những con người đấy đã tạo thành một xã hội tốt đẹp, luôn có những người thầm lặng dùng cách các khác nhau để bảo vệ Hà Nội. Có người thì cầm súng bảo vệ cho Hà Nội bình yên hòa bình, cũng có những người ngày ngày gìn giữ nét đẹp văn hóa, cốt cách trong con người sống tại mảnh đất Hà Nội.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Bài văn mẫu phân tích tác phẩm Một người Hà Nội của tác giả Nguyễn Khải
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO