Ngọn cờ đầu chống Pháp ở Tây Nguyên (kỳ 4): Khắc ghi chiến công thủ lĩnh N'Trang Lơng
Khắc ghi chiến công của người thủ lĩnh M’Nông, tỉnh Đắk Nông đã triển khai xây dựng các công trình nhằm góp phần giáo dục đạo đức, lý tưởng cách mạng cho các thế hệ mai sau.
Phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng với tầm vóc, giá trị lịch sử đã khẳng định niềm tự hào dân tộc, động viên đồng bào các dân tộc thắt chặt tình đoàn kết, nỗ lực vượt khó vươn lên. Để khắc ghi chiến công của người thủ lĩnh M’Nông, tỉnh Đắk Nông đã triển khai xây dựng các công trình nhằm góp phần giáo dục đạo đức, lý tưởng cách mạng cho các thế hệ mai sau.
Để khắc ghi chiến công, nêu cao đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, năm 2011, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về việc xây dựng Tượng đài N’Trang Lơng và phong trào đấu tranh giải phóng các dân tộc 1912-1936 tại TP. Gia Nghĩa.
Với tinh thần đó, năm 2012, nhân kỷ niệm 100 năm Phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng, tỉnh Đắk Nông đã tổ chức lễ đặt đá; năm 2015 khởi công xây dựng tượng đài ở ngọn đồi Đắk Nur, phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa). Khuôn viên tượng đài có tổng diện tích xây dựng là 5,9 ha, kinh phí hơn 167 tỷ đồng, được chia làm hai giai đoạn. Trong đó, một phần kinh phí có được từ nguồn đóng góp của Nhân dân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Việc xây dựng Tượng đài N’Trang Lơng và phong trào đấu tranh giải phóng các dân tộc 1912-1936 mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đối với người con ưu tú đã có nhiều đóng góp trong công cuộc đấu tranh chống thực dân xâm lược, cũng như tôn vinh giá trị cao đẹp của lòng yêu nước.
Công trình được xem là dấu ấn nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc của tỉnh Đắk Nông trong chặng đường xây dựng và phát triển. Về tổng thể, công trình đã thể hiện được sự hùng dũng, uy nghi, mạnh mẽ như chính thủ lĩnh N’Trang Lơng và phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của đồng bào M’nông.
Cuối tháng 12/2022, tỉnh Đắk Nông trọng thể tổ chức kỷ niệm 110 năm Phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng (1912-2022) và khánh thành Tượng đài N’Trang Lơng và phong trào đấu tranh giải phóng các dân tộc 1912-1936, nhằm tôn vinh người con ưu tú đã có nhiều đóng góp trong công cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược cũng như nêu cao giá trị cao đẹp của lòng yêu nước.
“Dự án Tượng đài N’Trang Lơng và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc 1912-1936 là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh. Do đó, Ban đã quyết liệt đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ sớm hoàn thành công trình. Hiện nay cơ bản các hạng mục đã hoàn tất, sẵn sàng cho buổi lễ khánh thành và kỷ niệm 110 năm Phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng”.
Ông Nguyễn Thái Vượng, Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông
Cùng với xây dựng tượng đài, tại huyện Tuy Đức - vùng căn cứ năm xưa của nghĩa quân N’Trang Lơng cũng tập trung xây dựng, tôn tạo các di tích gắn với phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của đồng bào M’nông do N’Trang Lơng lãnh đạo.
Năm 2007, Cụm di tích lịch sử các địa điểm về Phong trào khởi nghĩa do N’Trang Lơng lãnh đạo được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Sau khi được công nhận, UBND tỉnh Đắk Nông đã có Quyết định 741 về việc Quy hoạch chi tiết xây dựng Dự án trùng tu, tôn tạo Khu di tích lịch sử Đồn Bu Mêra, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.
Ngày 17/2/2011, UBND tỉnh tiếp tục có Quyết định 243 về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử các địa điểm phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của đồng bào M’nông do N’Trang Lơng lãnh đạo.
Theo đó, Cụm di tích lịch sử này có diện tích 42 ha, trải dài trên địa bàn các xã Đắk R’tíh, Đắk Búk So, Quảng Tâm được khoanh vùng, triển khai theo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng điểm du lịch văn hóa từ nguồn ngân sách Nhà nước. Hiện nay, dự án tôn tạo, phục dựng di tích đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Năm 2016, di tích đã được triển khai đầu tư tôn tạo, phục dựng giai đoạn I (tại địa điểm đồn Bu Mêra) gồm các hạng mục như: cổng, tường rào, hào lũy của đồn, giao thông tuyến số 1 với tổng diện tích khuôn viên 28.000m2. Đối với hạng mục bon Bu Nơr được phục dựng theo nguyên mẫu làng cổ M’nông và có tính sáng tạo như là một bảo tàng sống.
Theo kế hoạch, ngôi nhà được bố trí, sắp xếp nơi ngủ, bếp ăn kèm theo các vật dụng sinh hoạt hằng ngày, công cụ lao động; đồng thời phục dựng, giới thiệu một số nghề truyền thống như: đan gùi, dệt thổ cẩm, làm rượu cần... Dự án hiện đang được Sở VHTT&DL tiếp tục triển khai thực hiện.
Điều đáng ghi nhận, Dự án phục dựng, tôn tạo Cụm di tích lịch sử các địa điểm phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của đồng bào M’nông do thủ lĩnh N’Trang Lơng lãnh đạo ở huyện Tuy Đức (chưa hoàn thiện) sẽ là “địa chỉ đỏ” về nguồn giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ trên địa bàn.
Mới đây, vào tháng 5/2022, UBND huyện Tuy Đức phối hợp với Binh đoàn 16 tổ chức Lễ khánh thành và bàn giao Công trình hoa viên và Nhà tưởng niệm thủ lĩnh N’Trang Lơng. Công trình có tổng diện tích hơn 11.000m2 nằm ở thôn 3, xã Đắk Búk So, trong đó, diện tích xây dựng khuôn viên bậc cấp và nhà tưởng niệm 6.750m2; diện tích trồng cây xanh, thảm cỏ và mái taluy 4.658m2.
Công trình có tổng mức đầu tư 5,2 tỷ đồng, trong đó Binh đoàn 16 hỗ trợ chi phí xây dựng hơn 4,6 tỷ đồng, UBND huyện chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, quản lý dự án hơn 517 triệu đồng bằng nguồn xã hội hóa.
Công trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung và huyện Tuy Đức nói riêng đối với thủ lĩnh N’Trang Lơng. Công trình hoàn thiện và đưa vào sử dụng góp phần phát triển không gian kiến trúc cảnh quan xanh, sạch, đẹp theo đúng quy hoạch và định hướng phát triển của huyện. Đặc biệt, công trình này được xây dựng tại khu vực có nhiều trường học của huyện là địa điểm để các em học sinh thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”
Ông Phạm Ngọc Ẩn, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông
Còn theo Bà Phạm Thị Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức, là địa phương gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp của thủ lĩnh N’Trang Lơng, trong thời gian qua, huyện Tuy Đức đã huy động các nguồn lực để trùng tu, tôn tạo và xây dựng các khu di tích để ghi nhớ công lao của người con M’nông anh dũng, kiên cường. Đây sẽ là “địa chỉ đỏ” để tìm hiểu lịch sử, qua đó góp phần giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc”.