Chính trị

Ngọn cờ đầu chống Pháp ở Tây Nguyên Kỳ 2: Ý chí đấu tranh kiên cường

Nhóm PV 16/12/2022 16:08

Hơn 25 năm đấu tranh kiên cường, cuộc khởi nghĩa N’Trang Lơng đã ghi những chiến công oanh liệt, buộc thực dân Pháp rút khỏi cao nguyên trong một thời gian dài (1915-1928).

ky-2_anh-1.jpg

“Khởi nghĩa Yên Thế” ở cao nguyên M’nông

Các nhà nghiên cứu lịch sử nhận định, cuộc khởi nghĩa do N’Trang Lơng lãnh đạo giống như khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo. Vì vậy, vai trò của thủ lĩnh N’Trang Lơng ở Tây Nguyên giống như vai trò của anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám ở miền núi trung du phía Bắc.

ky-1-anh-4(1).jpg
Dưới chế độ cai trị hà khắc của thực dân Pháp, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên hết sức căm phẫn.

Về quy mô có thể khác nhau, nhưng về tính chất và vai trò đối với lịch sử Việt Nam thì Phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng kéo dài 24 năm (1912-1936) ở Tây Nguyên có nhiều điểm tương đồng với phong trào khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám cũng kéo dài 29 năm (1884-1913).

Phong trào N’Trang Lơng là một trong những phong trào chống Pháp diễn ra trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ta đời. Nó phản ánh tinh thần yêu quê hương, đất nước và tinh thần đấu tranh bất khuất chống giặc ngoại xâm, là phẩm chất xuyên suốt của con người các dân tộc Việt Nam trong lịch sử, bất kể ở đồng bằng hay miền núi, ở dân tộc Kinh hay các dân tộc thiểu số.

ky-2_anh-3(1).jpg
Tù trưởng người M'nông N'Trang Lơng đã lãnh đạo các dân tộc vùng lên đấu tranh giải phóng dân tộc.

Cuộc khởi nghĩa đã xây dựng được một mặt trận đoàn kết chiến đấu chung giữa cộng đồng người M’nông và người Stiêng, lôi cuốn cả một bộ phận người Mạ ở trung lưu sông Đồng Nai và một bộ phận người Campuchia. Đối diện với quân xâm lược nhà nghề, nắm trong tay nhiều vũ khí hiện đại, nhưng N’Trang Lơng và đội quân của mình vẫn bám chắc vào rừng núi, tìm mọi cách xây dựng, phát triển lực lượng trong suốt 1/4 thế kỷ, để rồi luôn tấn công quân xâm lược với tinh thần chủ động, tích cực, táo bạo, mưu trí.

Qua đó cho thấy, mặc dù là một phong trào đấu tranh tự phát của các dân tộc Tây Nguyên, nhưng nghĩa quân vẫn phát huy tinh thần chiến đấu kiên cường. Đối diện với một phong trào đấu tranh to lớn và mãnh liệt như vậy, nền cai trị của thực dân Pháp tại đây nhiều lần bị đặt trong tình trạng nguy hiểm, thậm chí có lúc bị đánh đổ như năm 1914 - 1915.

ky-2_anh-5-1-.jpg
Vai trò của thủ lĩnh N’Trang Lơng ở Tây Nguyên giống như vai trò của anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám ở miền núi trung du phía Bắc.

Ngay sau khi cuộc khởi nghĩa N’Trang Lơng kết thúc, núi rừng Tây Nguyên lại ào ào, sôi động với phong trào Nước Xu (1935 - 1939), rồi từ từ chuyển mình theo con đường đấu tranh cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Khắc họa người con khí phách, kiên cường

Nhiều năm nay, già làng Điểu Nơi, bon Jiêng Ngaih, xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) dành thời gian để nghiên cứu, sưu tầm những tài liệu về người anh hùng N’Trang Lơng. Ông lão 74 tuổi tự hào rằng, trong vô vàn câu chuyện mà ông sưu tầm, có những câu chuyện đã được in thành sách, làm nổi bật hình tượng người con M’nông khí phách, kiên cường.

ky-2_anh-6(1).jpg
Ông Điểu Nơi ở bon Jiêng Ngaih, xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) dành thời gian để nghiên cứu, sưu tầm những tài liệu về người anh hùng N’Trang Lơng.

Lần giở những trang sách đã ngả màu, được ghi chép bằng tiếng M’nông, già làng Điểu Nơi kể lại: “Quân Pháp đến đây lúc nào cũng rêu rao là khai sáng cho đồng bào, thế nhưng chúng liên tục cướp bóc, giết hại người vô tội, trái hẳn với những lời nói chúng đưa ra. Chứng kiến cảnh bon làng bị phá hoại, N’Trang Lơng cùng với 2 thủ lĩnh người M’nông khác đã lên kế hoạch trừng trị những kẻ gây ra tội ác cho đồng bào”.

Lời kể của già làng lão Điểu Nơi gợi ra một thời kỳ hào hùng, khí thế. Thời kỳ ấy, đồng bào M’nông luôn sẵn sàng chiến đấu với kẻ thù nhưng cũng hết sức khôn khéo để không phải chịu tổn thất lớn khi đối đầu với những kẻ đang cầm trong tay súng ống, đạn dược. Cũng vì thế, trong vô vàn câu chuyện về N’Trang Lơng, già làng Điểu Nơi ghi nhớ nhất đó là câu chuyện giáp mặt với Henri Maitre - tên thực dân người Pháp sừng sỏ thời kỳ ấy.

“Khi ấy, khắp vùng cao nguyên M’nông đều đồng lòng theo N’Trang Lơng đánh thực dân, nên Henri Maitre tức giận, muốn giết hại ông. Hắn đi vào bon, bắt gặp thanh niên trai tráng nào cũng túm lấy mà hỏi: "Có biết N’Trang Lơng ở đâu không?". Có lần hắn đặt câu hỏi ấy với chính N’Trang Lơng mà không biết rằng, người đối diện là người hắn đang truy tìm”, ông Điểu Nơi kể lại.

Năm 1914, thủ lĩnh N’Trang Lơng lập mưu trá hàng (giả vờ đầu hàng), mời Henri Maitre đến buôn Bu N’Đơr tiếp nhận sự đầu thú. Henri Maitre tưởng thật nên chủ quan cùng một tốp lính đến bon thì rơi vào bẫy phục kích, dẫn đến bị tiêu diệt. Khiếp sợ trước nghĩa quân, một thời gian dài, thực dân Pháp không dám tàn phá bon làng, nhờ đó mà bà con có thời gian sản xuất, ủng hộ nghĩa quân.

Để tôn vinh cuộc khởi nghĩa do N’Trang Lơng lãnh đạo, Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông đã có chủ trương tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn và xuất bản ấn phẩm lịch sử “Phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng (1912-1936)”

ky-2-anh-7.jpg

Tại Hội thảo ấn phẩm lịch sử “Phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng (1912-1936)” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức vào đầu tháng 8/2011, hầu hết các tham luận của các nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam đã khẳng định, cuộc khởi nghĩa N’Trang Lơng có một vị thế, ý nghĩa rất to lớn trong lịch sử đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược của các dân tộc Tây Nguyên trước năm 1945.

Lúc bấy giờ, cùng với việc đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, bổ sung thêm nhiều tư liệu, luận cứ khoa học xác đáng, hầu hết các tham luận của các nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam cho rằng, việc tỉnh Đắk Nông biên soạn ấn phẩm về cuộc khởi nghĩa N’Trang Lơng rất có ý nghĩa đối với khoa học lịch sử và thực tiễn.

Nhiều ý kiến cho rằng, gần 100 năm kể từ khi cuộc khởi nghĩa N’Trang Lơng nổ ra vẫn chưa có một công trình khoa học hay một cuốn sách tương xứng về người anh hùng của Tây Nguyên và về cuộc khởi nghĩa vũ trang tiêu biểu của Tây Nguyên bất khuất.

Vì vậy việc biên soạn, xuất bản ấn phẩm là rất phù hợp với thực tế nhu cầu của địa phương và cả nước muốn hiểu biết đầy đủ, chân thực, khách quan về cuộc khởi nghĩa N’Trang Lơng. Trên quan điểm sử học Mác xít về nhân vật lịch sử và cuộc khởi nghĩa quan trọng này làm cơ sở cho việc phát huy truyền thống đoàn kết, bất khuất, kiên cường của các dân tộc Tây Nguyên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Vinh dự được tham gia vào quá trình biên soạn, xuất bản ấn phẩm “Phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng (1912-1936)”, đồng chí Điểu Xuân Hùng, UVTV, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nhấn mạnh: “Cuốn sách về anh hùng N’Trang Lơng ra đời, với độ chính xác, chân thực về lịch sử, tính khoa học, góp phần nâng cao nhận thức đúng đắn, cùng ý nghĩa tích cực, tác dụng to lớn của toàn bộ cuộc khởi nghĩa N’Trang Lơng đối với phong trào chống thực dân Pháp của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Bên cạnh đó, ấn phẩm cũng nêu cao tinh thần đoàn kết chiến đấu của hai dân tộc Việt Nam - Campuchia trong suốt chiều dài lịch sử, là tài liệu quý báu để thế hệ trẻ tìm hiểu lịch sử, tiếp nối truyền thống vẻ vang của dân tộc”

Đọc tiếp

    Nổi bật

        Mới nhất
        Ngọn cờ đầu chống Pháp ở Tây Nguyên (kỳ 2): Ý chí đấu tranh kiên cường
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO