Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang

Nguyễn Hồng (t.h)| 01/09/2021 10:19

Ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang nằm trong khu phố cổ của thủ đô Hà Nội. Nơi đây, năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm tháng trôi qua, căn nhà 48 Hàng Ngang trở thành địa chỉ đỏ, thu hút du khách và các thế hệ trên mọi miền đất nước đến tham quan, tìm hiểu về truyền thống cách mạng của cha ông.

Di tích lịch sử đặc biệt

76 năm trước, ngôi nhà 48 Hàng Ngang thuộc sở hữu của ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ, một doanh nhân buôn tơ lụa nổi tiếng giàu có. Ngôi nhà có hình ống, nằm gần cuối phố Hàng Ngang, nơi buôn bán sầm uất của khu vực phố cổ.

Ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên ngôn Độc lập

Nhà hai mặt phố, gắn số 48 là mặt tiền phố Hàng Ngang, gắn số 35 là mặt tiền phố Hàng Cân. Trong những ngày đầu Cách mạng tháng Tám 1945, ngôi nhà là nơi làm việc của Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập và ngày 2/9/1945, Người đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây cũng là nơi đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở trong những ngày đầu trở về Hà Nội và ra những quyết định có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với dân tộc Việt Nam.

Kiến trúc ngôi nhà

Tầng 1 của ngôi nhà ngày xưa là gian hàng bán vải tơ lụa mở ra phố Hàng Ngang, sân, nhà kho, nhà để xe ở phía sau có cổng ra phố Hàng Cân. Tầng 2 là phòng khách, phòng ăn. Tầng 3, tầng 4 dùng để ở. Với một vị trí thuận lợi, lại là cơ sở cách mạng từ tiền khởi nghĩa, ngôi nhà số 48 Hàng Ngang đã được Trung ương Đảng chọn là nơi làm việc cũng là nơi ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày 25/8/1945 đến ngày 2/9/1945.
Nơi lưu dấu những kỷ vật

Sau này, ngôi nhà 48 Hàng Ngang được gia đình ông Trịnh Văn Bô hiến tặng cho Nhà nước và trở thành một di tích lịch sử, bởi nơi đây đã gắn liền với sự kiện quan trọng của đất nước. Trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử, đến nay, kiến trúc của ngôi nhà 48 Hàng Ngang hầu như vẫn còn nguyên vẹn.

Hiện tại tầng 1, phòng ngoài được dùng làm nơi trưng bày các di ảnh, đồ vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc lão thành cách mạng. Trên tầng 2 là nơi làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương được giữ nguyên nội thất, với những hiện vật đã có, trong đó đặt ở giữa chiếc bàn chữ nhật dài màu cánh gián, xung quanh là 8 ghế tựa, một ghế lớn ở đầu, đều bọc nỉ xanh, phủ khăn trắng và một bàn nhỏ đặt một chiếc máy chữ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sử dụng.

Tầng 3 của ngôi nhà là phòng truyền thống và nơi dâng hương. Nơi đây đã có rất nhiều đoàn học sinh, sinh viên, khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu, học tập.

“Địa chỉ đỏ” về giáo dục lòng yêu nước

Qua dòng chảy thời gian, ngôi nhà và những kỷ vật mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường dùng trong những ngày Người sống và làm việc tại nơi đây được gìn giữ, bảo quản rất tốt. Ngôi nhà 48 Hàng Ngang đã trở thành một di tích lịch sử, một địa chỉ đỏ để các thế hệ sau đến tìm hiểu truyền thống cách mạng và lòng yêu nước nàn, quyết tâm giành độc lập dân tộc, cơm no áo ấm cho Nhân dân của các thế hệ cha ông; biết thêm về nơi ra đời của bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/di-san-truyen-thong/ngoi-nha-so-48-hang-ngang-88729.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/di-san-truyen-thong/ngoi-nha-so-48-hang-ngang-88729.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO