Đồng chí Ngô Gia Tự. Ảnh: Tư liệu |
Về nước, mới 19 tuổi đời, Ngô Gia Tự hăm hở lao vào hoạt động cách mạng với tốc độ và hiệu quả hiếm thấy. Nhờ đó, giữa năm 1927, Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên tỉnh Bắc Giang được thành lập. Giữa năm 1928, Ngô Gia Tự là Bí thư Tỉnh bộ và là Ủy viên Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên. Tại Hội nghị Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ tháng 9/1928, theo đề xuất của Ngô Gia Tự, lãnh đạo Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ đã đi tới quyết định thực hiện cuộc vận động “vô sản hóa” đưa các hội viên vào nhà máy, hầm mỏ, đồn điền để thâm nhập cuộc sống, tuyên truyền, giác ngộ, tổ chức vận động công nhân và nhân dân lao động đi theo con đường cách mạng.
Với quyết định trên, đông đảo hội viên Thanh niên Bắc Kỳ háo hức tỏa đi khắp các cơ sở công nghiệp trong toàn xứ. Bấy giờ Ngô Gia Tự ở Hà Nội vừa để “vô sản hóa”, gấp rút dịch và biên soạn tài liệu về chủ nghĩa Mác - Lênin, mở lớp huấn luyện, bồi dưỡng lý luận và công tác “vô sản hóa” cho cán bộ, hội viên, đồng thời chỉ đạo phong trào “vô sản hóa” trong toàn xứ Bắc Kỳ. Chỉ sau một thời gian ngắn, các hội viên Việt Nam Cách mạng thanh niên Bắc Kỳ đã xây dựng được nhiều cơ sở cách mạng thanh niên trong nhà máy, hầm mỏ... Chính trong thời gian này, Ngô Gia Tự đã hướng dẫn dìu dắt đồng chí Nguyễn Văn Cừ vào con đường hoạt động cách mạng để sau đó 10 năm trở thành Tổng Bí thư của Đảng (năm 1938 – 1940) khi mớ 26 tuổi đời.
Tháng 3/1929, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc... họp tại số nhà 5D Hàm Long (Hà Nội) bàn việc lập Đảng Cộng sản. Đầu tháng 5/1929, tại Đại hội toàn quốc Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên ở Hương Cảng (Trung Quốc), Ngô Gia Tự và đoàn đại biểu Bắc Kỳ đưa ý kiến và kiên quyết bảo vệ quan điểm phải thành lập ngay Đảng Cộng sản ở Việt Nam. Ý kiến thành lập Đảng của đoàn đại biểu Bắc Kỳ đã gây ra cuộc tranh luận sôi nổi, gay gắt trong Đại hội. Tuy vậy, vấn đề thành lập Đảng Cộng sản vẫn không được Đại hội tán thành. Ngô Gia Tự cùng đoàn đại biểu Bắc Kỳ thoát ly Đại hội để khẳng định thái độ kiên quyết bảo vệ những quan điểm của mình.
Về nước, Ngô Gia Tự trực tiếp lãnh đạo phong trào vô sản hóa. Ngày 28/5/1929, đồng chí trực tiếp chỉ đạo cuộc đấu tranh bãi công của công nhân Xưởng sửa chữa ô tô Avia (Hà Nội), buộc chủ hãng phải nhường một số quyền lợi cho người lao động. Đây là cuộc đấu tranh có quy mô lớn và có ý thức giai cấp rõ rệt nhất của phong trào công nhân bấy giờ, gây tiếng vang lớn trong cả nước. Ngô Gia Tự đã đánh giá “Đây là cơn giông đầu mùa báo hiệu cả một bầu trời sấm sét nay mai”. Phong trào công nhân trong giai đoạn này, nổi bật là cuộc đấu tranh của công nhân Xưởng sửa chữa ô tô Avia có ý nghĩa trực tiếp đến sự ra đời của các tổ chức Đảng Cộng sản ở Việt Nam sau đó.
Ngày 17/6/1929, tại số nhà 312 phố Khâm Thiên (Hà Nội), Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập, Ngô Gia Tự được bầu là một trong bảy Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời. Để xây dựng Đảng lớn mạnh hơn nữa, tháng 7/1929 Ngô Gia Tự được Trung ương Đông Dương Cộng sản Đảng cử vào Nam Kỳ vận động các tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên Nam Kỳ chuyển thành các chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng. Với sự hoạt động tích cực của đồng chí, chỉ sau một thời gian ngắn tại Nam Kỳ đã thành lập được nhiều chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở cả thành thị, nông thôn, đồng bằng và trung du miền núi làm hạt nhân phát triển phong trào. Đầu năm 1930, khi công nhân đồn điền Phú Riềng bãi công bột phát vũ trang chiếm đồn điền lập “khu đỏ”, Ngô Gia Tự đã cùng chi bộ đảng ở đây hướng cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đơn độc thành bãi công đòi quyền dân sinh, dân chủ.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), ngày 24/2/1930 đã diễn ra Hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản ở Nam Kỳ. Ngô Gia Tự đã ký quyết định tán thành Đông Dương Cộng sản liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau đó, trên cương vị Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, Ngô Gia Tự tập trung lãnh đạo công tác xây dựng Đảng, vận động quần chúng, xây dựng phong trào cách mạng. Khi phong trào cách mạng đang phát triển mạnh thì ngày 31/5/1930 Ngô Gia Tự bị sa vào tay giặc. Chánh mật thám Đông Dương, Chánh mật thám Nam Kỳ trực tiếp thẩm vấn cùng với những đòn tra khảo dã man nhưng Ngô Gia Tự vẫn kiên trung giữ vững khí phách người cộng sản ưu tú. Đồng chí luôn nhắn nhủ mọi người: “Phải hy sinh tất cả cho Đảng, sinh mệnh của Đảng quý hơn sinh mệnh của mình”.
Sau đó, Ngô Gia Tự bị biệt giam ở địa ngục trần gian Côn Đảo. Tại đây Ngô Gia Tự đã biến nhà tù thành trường học cộng sản, thành mặt trận tiếp tục tranh đấu. Trong ngục tù đế quốc, Ngô Gia Tự đã dịch nhiều cuốn sách kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, viết báo, tiếp tục nghiên cứu và rút kinh nghiệm về sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào cách mạng. Đồng chí thường nói với bạn tù “Phải biến nhà tù thành trường học”. Cuối năm 1934, chi bộ nhà tù Côn Đảo tổ chức để Ngô Gia Tự vượt ngục trở về đất liền trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng nhưng đồng chí đã hy sinh trên đường vượt biển.
Trong buổi đầu cách mạng, trước những thử thách lịch sử, với việc thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở Việt Nam, sáng lập Đông Dương Cộng sản Đảng và thống nhất các tổ chức cộng sản trong nước năm 1930 đã cho thấy tầm trí tuệ và những cống hiến lớn lao của đồng chí Ngô Gia Tự đối với cách mạng nước ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: "Trong Đảng ta, các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí khác đã vì dân, vì Đảng mà oanh liệt hy sinh, đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập". |