Nghiên cứu các cơ chế, chính sách ưu đãi mới với đặc khu kinh tế

27/03/2025 16:02

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nghiên cứu các cơ chế, chính sách ưu đãi mới với đặc khu kinh tế trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh.

Chính sách ưu đãi mới với đặc khu kinh tế

Chính sách ưu đãi mới với đặc khu kinh tế (Hình từ Internet)

Xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế có chính sách ưu đãi mới với đặc khu kinh tế

Tại Chỉ thị 10/CT-TTg năm 2025 về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thủ tướng chỉ đạo các nội dung về công tác quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, trong đó chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu các cơ chế, chính sách ưu đãi mới với đặc khu kinh tế. Cụ thể:

Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế, trong đó nghiên cứu, đề xuất các cơ chế,chính sách ưu đãi mới, đặc thù, vượt trội đối với khu công nghiệp, khu kinh tế, khu thương mại tự do, đặc khu kinh tế nhằm phát triển các mô hình khu công nghiệp có tính chuyên môn, chuyên biệt và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; các mô hình khu kinh tế mới để thu hút đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực trọng tâm theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; hoàn thiện trình Chính phủ trong tháng 8 năm 2025.

Xem thêm tại Chỉ thị 10/CT-TTg năm 2025.

Dự thảo Luật khu công nghiệp, khu kinh tế

Theo Hồ sơ xây dựng Luật khu công nghiệp khu kinh tế, chính sách quản lý nhà nước về khu công nghiệp khu kinh tế theo nguyên tắc ‘một cửa, tại chỗ’ được xây dựng như sau:

Cơ chế “một cửa, tại chỗ” là trụ cột trong hoạt động của các Ban quản lý, được hình thành ngay từ khi ra đời mô hình khu công nghiệp, khu kinh tế, được duy trì, phát triển trong hơn 30 năm qua và đến nay đã trở thành nguyên tắc hoạt động của các Ban quản lý trong cả nước. Cơ chế này đã đơn giản hóa, rút ngắn thời gian thực hiện nhiều thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng, môi trường, đất đai, lao động, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, được các nhà đầu tư đánh giá cao và được chứng minh trong thực tiễn.

Tuy nhiên, một số quy định của pháp luật hiện hành không trực tiếp giao chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu kinh tế cho Ban quản lý nên mô hình “một cửa, tại chỗ” tại các khu công nghiệp, khu kinh tế hiện nay được thực hiện chủ yếu dựa trên cơ chế ủy quyền. Đối với một số nhiệm vụ được giao cho Ủy ban nhân dân và các cơ quan quản lý nhà nước cấp huyện, không có cơ chế để ủy quyền cho Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế thực hiện. Cùng với đó, hiện nay, Ban Quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế không có chức năng thanh tra, xử lý vi phạm nên công tác theo dõi, giám sát, xử lý vi phạm trong khu công nghiệp, khu kinh tế còn gặp nhiều vướng mắc.

Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính) đề xuất xác định Ban Quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế là cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thực hiện đầy đủ các chức năng quản lý nhà nước trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, lao động, thanh tra, xử lý vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện dự án trong khu công nghiệp, khu kinh tế; đồng thời, quy định cụ thể cơ chế kiểm tra, giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm hành chính và trách nhiệm của các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan trong việc hướng dẫn, giám sát, kiểm tra Ban Quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế thực hiện các công tác này.

Lê Quang Nhật Minh

x

Nổi bật

    Mới nhất
    Nghiên cứu các cơ chế, chính sách ưu đãi mới với đặc khu kinh tế
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO