Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời như sau:
Tại Điểm a Mục 3 Quyết định số 176-HĐBT ngày 9/10/1989 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quy định về chế độ thôi việc như sau: Đối với số lao động ra làm việc ở khu vực ngoài kinh tế quốc doanh được thực hiện chế độ trợ cấp thôi việc thì cứ mỗi năm công tác liên tục được trợ cấp một tháng lương cơ bản cộng phụ cấp (nếu có), tối thiểu là 3 tháng, do đơn vị trả, Nhà nước trợ giúp một phần đối với đơn vị có nhiều khó khăn nhưng tối đa không quá 1/2 số trợ cấp, phần trợ giúp này phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể.
Trợ cấp theo chế độ này được chi trả trực tiếp một lần cho người lao động. Nếu nguồn chi trả và số tiền mặt có khó khăn thì bàn với người lao động trả rải ra một số lần.
Mặt khác, tại Công văn số 3168/LĐTBXH-CSLĐXH ngày 24/9/1993 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có quy định: Những người đã nghỉ theo chế độ thôi việc hưởng trợ cấp một lần, đã được giải quyết đúng chính sách chế độ thì không được trả lại số tiền trợ cấp đã nhận để chuyển sang hưởng chế độ hưu trí, mất sức lao động; đơn vị nào giải quyết sai chế độ, chính sách thì đơn vị ấy phải chịu trách nhiệm giải quyết đúng chính sách, chế độ của Nhà nước đối với người lao động.
Tại Khoản 6 Điều 123 Luật BHXH năm 2014 quy định: Người lao động có thời gian làm việc trong khu vực Nhà nước trước ngày 1/1/1995 nếu đủ điều kiện hưởng nhưng chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng BHXH.
Việc tính thời gian công tác trước ngày 1/1/1995 để hưởng BHXH được thực hiện theo các văn bản quy định trước đây về tính thời gian công tác trước ngày 1/1/1995 để hưởng BHXH của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, quân nhân, và công an nhân dân.
Trường hợp theo thông tin ông cung cấp ông đã nghỉ việc theo Quyết định số 176-HĐBT từ trước năm 1995 nên không có căn cứ để tính hưởng chế độ BHXH đối với thời gian làm việc trước tháng 1/1995.