Nghị quyết số 162/2024/QH15 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035

05/12/2024 20:11

Toàn văn Nghị quyết số 162/2024/QH15 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025 – 2035.

NGHỊ QUYẾT

Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035

QUỐC HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020/QH14;

Căn cứ Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 64/2020/QH14, Luật số 72/2020/QH14, Luật số 03/2022/QH15 và Luật số 38/2024/QH15;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 59/2020/QH14;

Sau khi xem xét Tờ trình số 444/TTr-CP ngày 13 tháng 9 năm 2024 của Chính phủ đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, Báo cáo thẩm tra số 2927/BC-UBVHGD15 ngày 16 tháng 10 năm 2024 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Báo cáo số 1070/BC-UBTVQH15 ngày 22 tháng 11 năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội;

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1

Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 (sau đây gọi là Chương trình) với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Mục tiêu thực hiện Chương trình:

a) Mục tiêu tổng quát:

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện nhân cách, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam. Nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa, nhu cầu tập luyện, giải trí của Nhân dân, thu hẹp sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư, giới tính, từ đó nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc. Huy động sự tham gia của tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Huy động nguồn lực, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả cho phát triển văn hóa, đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Xây dựng nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, chất lượng cao, có bản lĩnh chính trị phục vụ nhu cầu trong nước và hướng đến đáp ứng các thị trường nước ngoài. Phát huy tính dân tộc, tính khoa học, tính đại chúng của văn hóa thông qua đầu tư để bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc, xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, trong đó Nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ đóng vai trò quan trọng. Chú trọng hội nhập quốc tế và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam;

b) Mục tiêu cụ thể:

Đến năm 2030 đạt 09 nhóm mục tiêu cụ thể sau:

(1) Hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người, hệ giá trị gia đình Việt Nam được triển khai thực hiện trên cả nước thông qua các bộ quy tắc ứng xử;

(2) Phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 03 loại hình thiết chế văn hóa cấp tỉnh (Trung tâm Văn hóa hoặc Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Bảo tàng, Thư viện); 80% các đơn vị hành chính cấp huyện có Trung tâm Văn hóa - Thể thao đạt chuẩn; bảo đảm vận hành hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở cấp xã, thôn;

(3) Phấn đấu hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 95% di tích quốc gia đặc biệt (khoảng 120 di tích) và 70% di tích quốc gia (khoảng 2.500 di tích);

(4) Phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP của cả nước;

(5) Phấn đấu 100% đơn vị hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tin học hóa, chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4;

(6) Phấn đấu 100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa;

(7) 90% văn nghệ sỹ tài năng, công chức, viên chức thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn;

(8) Các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật, điện ảnh, lý luận phê bình văn học, nghệ thuật xuất sắc, chất lượng cao được hỗ trợ sáng tác, công bố, phổ biến;

(9) Hằng năm, có ít nhất 05 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa, nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam.

Đến năm 2035 đạt 09 nhóm mục tiêu cụ thể sau:

(1) Phấn đấu 100% các địa phương đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, hệ giá trị gia đình thời kỳ mới vào hương ước, quy ước của dòng họ, cộng đồng, làng xã và hỗ trợ thực hiện có hiệu quả;

(2) 100% thư viện trong mạng lưới thư viện đáp ứng điều kiện thành lập và bảo đảm điều kiện hoạt động theo quy định của Luật Thư viện;

(3) Phấn đấu hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 100% di tích quốc gia đặc biệt và ít nhất 80% di tích quốc gia;

(4) Phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% GDP của cả nước;

(5) Hoàn thiện Thư viện số quốc gia, xây dựng thư viện thông minh, mở rộng kết nối, tích hợp dữ liệu với các thư viện trong mạng lưới thư viện Việt Nam và quốc tế;

(6) 85% cơ sở giáo dục trên toàn quốc có đủ hệ thống phòng học cho các môn học Âm nhạc, Mỹ thuật, Nghệ thuật;

(7) 100% văn nghệ sỹ tài năng, công chức, viên chức thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được tiếp cận, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn;

(8) Hằng năm, có từ 10 - 15 tác phẩm, công trình văn hóa, nghệ thuật tầm quốc gia về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước;

(9) Hằng năm, có ít nhất 06 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa, nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam.

2. Phạm vi và thời gian thực hiện Chương trình:

a) Phạm vi: Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ, tương tác văn hoá lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập;

b) Thời gian thực hiện Chương trình: từ năm 2025 đến hết năm 2035.

3. Kinh phí thực hiện Chương trình:

3.1. Tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2025 - 2030 tối thiểu là 122.250 tỷ đồng, trong đó:

a) Vốn ngân sách trung ương: 77.000 tỷ đồng (chiếm 63%) bao gồm:

- Vốn đầu tư phát triển: 50.000 tỷ đồng;

- Vốn sự nghiệp: 27.000 tỷ đồng;

b) Vốn ngân sách địa phương: 30.250 tỷ đồng (chiếm 24,6%);

c) Nguồn vốn khác: dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng (chiếm 12,4%).

Trong quá trình điều hành, Chính phủ tiếp tục cân đối ngân sách trung ương để ưu tiên hỗ trợ thêm cho Chương trình phù hợp với điều kiện thực tế và có giải pháp huy động phù hợp mọi nguồn vốn hợp pháp để thực hiện.

3.2. Căn cứ kết quả thực hiện của Chương trình giai đoạn 2025 - 2030, Chính phủ trình Quốc hội quyết định nguồn lực thực hiện Chương trình giai đoạn 2031 - 2035.

4. Nguyên tắc phân bổ vốn ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình:

a) Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung vào các nội dung cần ưu tiên thực hiện trước nhằm tạo đột phá trong phát triển văn hóa:

(1) Các nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết trong bảo tồn, phát triển văn hóa, phát triển con người toàn diện, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc;

(2) Các nhiệm vụ mà Nhà nước cần đầu tư để dẫn dắt, định hướng, chi phối, tạo nền tảng để thu hút toàn xã hội tham gia phát triển văn hóa;

(3) Các nhiệm vụ về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa;

(4) Hỗ trợ các địa phương có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội khó khăn;

b) Bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật, tạo quyền chủ động cho các cấp chính quyền địa phương;

c) Các dự án thuộc Chương trình sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương được lập, thẩm định và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công hoặc thực hiện theo cơ chế rút gọn được Chính phủ ban hành đối với dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp và theo quy định của pháp luật;

d) Nguyên tắc hỗ trợ của ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện Chương trình:

- Ngân sách trung ương ưu tiên hỗ trợ các địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương, đặc biệt là các địa phương miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, các địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương từ 60% trở lên;

- Đối với các địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương, chỉ hỗ trợ vốn từ ngân sách trung ương cho một số nhiệm vụ cụ thể theo nguyên tắc, tiêu chí được Thủ tướng Chính phủ ban hành;

- Nguồn vốn ngân sách trung ương phân bổ cho các địa phương, cùng với nguồn vốn ngân sách địa phương hỗ trợ thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; bảo đảm tính công bằng, công khai, minh bạch và theo quy định của pháp luật;

đ) Căn cứ tổng mức vốn ngân sách trung ương hỗ trợ (bao gồm vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp) và nguồn vốn ngân sách địa phương, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định phân bổ, bảo đảm đồng bộ, không chồng chéo, không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung hoạt động với các chương trình mục tiêu quốc gia khác.

5. Tập trung nguồn lực của Chương trình để giải quyết các vấn đề cấp thiết sau đây:

- Phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp;

- Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, phát triển hệ thống hạ tầng, cảnh quan, thiết chế văn hóa đồng bộ, hiệu quả;

- Nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa;

- Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc;

- Thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật;

- Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa;

- Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực văn hóa;

- Phát triển nguồn nhân lực văn hóa;

- Hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới;

- Tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình, nâng cao năng lực thực hiện Chương trình, truyền thông, tuyên truyền về Chương trình.

6. Giải pháp và cơ chế quản lý, điều hành Chương trình:

a) Giải pháp huy động vốn:

- Thực hiện đồng bộ các giải pháp về huy động vốn, bảo đảm huy động đầy đủ, kịp thời theo quy định.

- Các địa phương có trách nhiệm bố trí đủ vốn ngân sách địa phương; huy động tối đa nguồn lực và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện Chương trình.

- Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước được phân bổ để đầu tư cho các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, góp phần thu hẹp khoảng cách về phát triển văn hóa giữa các vùng, miền, giữa nông thôn và đô thị;

b) Cơ chế quản lý, điều hành Chương trình:

- Thành lập Ban Chỉ đạo chung cho các chương trình mục tiêu quốc gia ở cấp trung ương và ở địa phương bảo đảm hạn chế sự chồng chéo, trùng lặp giữa các chương trình.

- Thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, đánh giá việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành. Có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện Chương trình (nếu có).

7. Cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện Chương trình:

a) Thực hiện đầu tư xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài;

b) Áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù quy định tại các khoản 1, 3, 4, 5, 6 và 8 Điều 4 của Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18 tháng 01 năm 2024 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;

c) Căn cứ mục tiêu của Chương trình, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương để chuẩn bị đầu tư các dự án xây dựng cơ bản trong khuôn khổ Chương trình ngay sau khi Chương trình được phê duyệt chủ trương đầu tư;

d) Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định việc sử dụng ngân sách thuộc Chương trình để hỗ trợ các dự án phát triển công nghiệp văn hóa do doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cộng đồng thực hiện; hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện các dự án, phi dự án phục hồi, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, bảo vệ, phát huy đa dạng các biểu đạt văn hóa trong cộng đồng, ưu tiên tài năng trẻ, người dân tộc thiểu số và phụ nữ, bảo đảm quyền bình đẳng giới trên địa bàn.

Trong khuôn khổ Chương trình, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được quy định đối tượng, nội dung, mức hỗ trợ cao hơn mức quy định hoặc chưa được quy định trong văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách địa phương đối với người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể.

Điều 2

1. Giao Chính phủ triển khai, thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

a) Ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện Chương trình;

b) Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ chế rút gọn đối với một số dự án đầu tư để thực hiện Chương trình có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, chủ yếu theo hình thức Nhà nước hỗ trợ đầu tư một phần kinh phí, phần còn lại do Nhân dân đóng góp, có sự tham gia giám sát của Nhân dân;

c) Hằng năm, báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Chương trình tại kỳ họp cuối năm của Quốc hội.

2. Giao Thủ tướng Chính phủ triển khai, thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

a) Quyết định đầu tư Chương trình theo quy định của Luật Đầu tư công và Nghị quyết này; ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về phát triển văn hóa toàn diện các cấp (tỉnh, huyện, xã) bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng, miền;

b) Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình; chỉ đạo tổ chức thực hiện, theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Chương trình; chỉ đạo địa phương thực hiện cân đối, huy động, lồng ghép và sử dụng các nguồn lực bảo đảm thực hiện hiệu quả Chương trình.

Điều 3

Giao Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai, thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

1. Xây dựng kế hoạch và cân đối, bố trí ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình. Ban hành quy định về lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác có cùng nội dung, nhiệm vụ để thực hiện Chương trình trên địa bàn, phấn đấu hoàn thành mục tiêu của Chương trình đã được phê duyệt; không để xảy ra tình trạng nợ đọng kinh phí;

2. Hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp tại kỳ họp cuối năm và báo cáo Chính phủ về kết quả thực hiện Chương trình.

Điều 4

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Chương trình.


Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2024.

Theo xaydungchinhsach.chinhphu.vn
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/nghi-quyet-so-162-2024-qh15-phe-duyet-chu-truong-dau-tu-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-ve-phat-trien-van-hoa-giai-doan-2025-2035-119241205201115143.htm
Copy Link
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/nghi-quyet-so-162-2024-qh15-phe-duyet-chu-truong-dau-tu-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-ve-phat-trien-van-hoa-giai-doan-2025-2035-119241205201115143.htm
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Nghị quyết số 162/2024/QH15 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO