Nghị quyết 68 có thể là bước ngoặt, đột phá thứ ba trong lịch sử phát triển khu vực kinh tế tư nhân

Anh Đào| 10/05/2025 08:37

Theo ông Phan Đức Hiếu, Đại biểu Quốc hội - chuyên gia kinh tế, việc ra đời Nghị quyết 68 ở thời điểm này, nếu triển khai thực hiện tốt thì đây có thể là bước ngoặt, đột phá thứ ba trong lịch sử phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Tại Tọa đàm "Để kinh tế tư nhân bứt phá theo Nghị quyết 68 - Những việc cần làm ngay" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, Ông Phan Đức Hiếu, Đại biểu Quốc hội - chuyên gia kinh tế cho rằng, sự ra đời của Nghị quyết 68 là rất cần thiết và có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay. Những thông điệp trong nghị quyết rất rõ ràng và mạnh mẽ, đã đi thẳng vào những vấn đề của khu vực kinh tế tư nhân, giải quyết những trở ngại tồn tại lâu nay.

“Trong suốt từ thời gian đó đến nay, chúng ta vẫn liên tục cải cách. Tuy nhiên, việc ra đời Nghị quyết 68 ở thời điểm này, cá nhân tôi cho rằng nếu triển khai thực hiện tốt thì đây có thể là bước ngoặt, đột phá thứ ba trong lịch sử phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Và tôi so sánh sự đột phá lần này khác với hai lần đột phá trước”, Ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB, chia sẻ, khi Nghị quyết 68 đưa vấn đề kinh tế tư nhân là quan trọng hàng đầu, chúng tôi nhìn nhận vừa là vinh dự nhưng cũng vừa là trách nhiệm. Chúng tôi cũng như các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đã mong mỏi Nghị quyết này từ rất lâu. Chúng tôi thấy rằng việc triển khai Nghị quyết này đang được triển khai gấp rút.

Nghị quyết 68 là bước ngoặt đột phá thứ ba trong lịch sử phát triển khu vực kinh tế tư nhân
Ông Phan Đức Hiếu, Đại biểu Quốc hội - chuyên gia kinh tế (Ảnh: VGP)

Ở góc độ cơ quan quản lý, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, Nghị quyết lần này khẳng định rõ ràng yêu cầu bình đẳng giữa các khu vực kinh tế trong cơ hội kinh doanh, tiếp cận nguồn lực... Không chỉ dừng ở trên nghị quyết, điều này sẽ được thể chế hóa bằng các giải pháp cụ thể. Nếu vẫn có hành vi phân biệt đối xử, người thực hiện phải chịu trách nhiệm.

Phân tích thêm, chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu cho rằng, nếu như cải cách thể chế tốt, đáp ứng đúng nhu cầu nguyện vọng của người dân và doanh nghiệp thì người ta cho rằng đây là một biện pháp cải cách rẻ nhất nhưng lại mang lại hiệu quả lớn nhất.

Ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh cải cách thể chế sẽ là biện pháp hiệu quả nhất, công bằng nhất, tốn ít chi phí nhất mà có thể làm được gọi là khả thi nhất, đứng từ góc độ của Chính phủ.

Nhìn vào Nghị quyết 68, số lượng giải pháp về cải cách thể chế là chủ đạo. Như vậy, như Tổng Bí thư Tô Lâm nói, thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn và nếu như chúng ta tập trung cải cách mạnh mẽ về thể chế thì tác động nó sẽ rất lớn. Chúng tôi hiểu là thể chế phải đi trước, thể chế phải đi trước thì mới có kết quả.

Tinh thần xây dựng Nghị quyết 68 cần được tiếp tục và phát huy trong tinh thần thể chế hóa Nghị quyết của Quốc hội. Theo đó, việc thể chế hóa Nghị quyết không thể quá kéo dài thời gian, cần rất nhanh, khẩn trương và mạnh mẽ.

Về phương pháp tiến hành, chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu cho rằng có thể chia thành ba nhóm công việc, trong đó cần xác định rõ ưu tiên nhóm nào, mức độ nào.

Nhóm thứ nhất là phải sửa đổi hoặc bãi bỏ một số luật lệ, quy định. Tuy nhiên bước này không thể thực hiện ngay mà có thể cần thêm thời gian, dự kiến khoảng bảy tháng.

Nhóm thứ hai là tiếp tục sửa đổi, bãi bỏ các quy định, trong bối cảnh hiện nay khi Chính phủ đã trình trên 30 dự thảo luật tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 9 này nên chúng ta không thể chậm trễ thêm nữa. Những nội dung chưa đáp ứng yêu cầu của nghị quyết hoặc chưa được cập nhật trong các dự thảo luật, thì cần được bổ sung ngay sau khi Nghị quyết ban hành.

Nhóm thứ ba là với những quy định pháp luật mà hiện chưa trình ra Quốc hội, bây giờ mới bắt đầu triển khai. Trường hợp này có thể áp dụng một Nghị quyết của Quốc hội mang tính quy phạm để tổ chức triển khai thực hiện, dự kiến sẽ trình tại kỳ họp thứ 9. Điều quan trọng là phạm vi nghị quyết cần mở rộng để tích hợp tối đa nhóm giải pháp, vấn đề, gia tăng hiệu suất và tính thực thi của các nghị quyết do Bộ Chính trị đề ra.

Chỉ trừ những vấn đề cần thêm thời gian nghiên cứu, chỉnh sửa từng phần, còn lại phải ưu tiên đưa đầy đủ các nội dung trong dự thảo Nghị quyết để Quốc hội bàn thảo, xem xét. Tinh thần là phải tối đa hóa những nội dung của Nghị quyết số 68. Vì đối với doanh nghiệp, người dân, họ không nhất thiết hiểu chi tiết như các đại biểu Quốc hội về quy trình vận hành của hệ thống pháp luật. Họ chỉ quan tâm Nghị quyết số 68 đã nêu rõ, vậy tại sao việc thể chế hóa lại chậm chạp, chưa đi vào cuộc sống.

Phan Đức Hiếu mong muốn việc thể chế hóa nghị quyết lần này phải thật rõ ràng, cụ thể. Ngoài các nội dung như về giảm thuế môn bài, miễn thuế, hay những ưu đãi rõ ràng khác, tôi đề nghị Nghị quyết này nhất thiết phải bao hàm các điểm sau:

Trước hết, Nghị quyết số 68 đã đề cập loại bỏ ít nhất 30% các quy định về thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ. Nếu ngay trong nghị quyết có thể quy định một danh mục phụ lục cụ thể thì hoàn toàn có thể hoàn thành trong vòng một đến hai tuần, yêu cầu các bộ ngành rà soát, xác định các thủ tục hành chính không còn cần thiết để loại bỏ khẩn trương. Nếu không có các danh mục, các quy định, điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính cần bãi bỏ thì nghị quyết sẽ khó phát huy tối đa hiệu quả.

Ông Hiếu lấy ví dụ, trong danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hiện nay do các bộ ngành quản lý, có gần 200 ngành nghề. Thực hiện tinh thần nghị quyết, cần bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, thì qua đó sẽ giảm thiểu ngay các "giấy phép con" không còn cần thiết nữa. Việc này cần triển khai ngay.

Thực tế, hiện nay xã hội cũng đang đặt nhiều câu hỏi về chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư, như việc tại sao vẫn còn thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, tại sao phải điều chỉnh kéo dài, có khi khiến doanh nghiệp phải chờ từ một năm cho đến nhiều năm mới hoàn thiện. Thậm chí, phê duyệt chủ trương đầu tư còn nhanh hay chậm hơn cả đầu tư xây dựng một nhà máy. Đây là bất cập cần xem xét tháo gỡ bằng những giải pháp mạnh mẽ trong nghị quyết.

Dưới góc độ của doanh nghiệp ông Từ Tiến Phát kiến nghị trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội cần quy định cụ thể các nội dung về thành lập doanh nghiệp, hậu kiểm, tháo gỡ rào cản liên quan đến thuế, kiểm tra, thanh tra đối với doanh nghiệp.

Theo thuongtruong.com.vn
https://thuongtruong.com.vn/news/nghi-quyet-68-co-the-la-buoc-ngoat-dot-pha-thu-ba-trong-lich-su-phat-trien-khu-vuc-kinh-te-tu-nhan-140114.html
Copy Link
https://thuongtruong.com.vn/news/nghi-quyet-68-co-the-la-buoc-ngoat-dot-pha-thu-ba-trong-lich-su-phat-trien-khu-vuc-kinh-te-tu-nhan-140114.html
x

Nổi bật

    Mới nhất
    Nghị quyết 68 có thể là bước ngoặt, đột phá thứ ba trong lịch sử phát triển khu vực kinh tế tư nhân
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO