Nghị quyết 158/2024/QH15 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025

05/12/2024 19:02

Toàn văn Nghị quyết số 158/2024/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

NGHỊ QUYẾT

Về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025

QUỐC HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020/QH14;

Trên cơ sở xem xét các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan hữu quan và ý kiến đại biểu Quốc hội;

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Mục tiêu tổng quát

Năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tập trung cao độ hơn nữa cho bổ sung, hoàn thiện, tháo gỡ vướng mắc trong hệ thống pháp luật, hoàn thành về cơ bản việc xử lý những bất cập, tồn đọng, vướng mắc liên quan đến thể chế và tổ chức thực hiện kéo dài, đáp ứng tốt nhất cho yêu cầu đổi mới sáng tạo, tạo đột phá phát triển đất nước trong tình hình mới. Thực hiện cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực thực chất, hiệu quả gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, sớm hoàn thành các công trình, dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng quốc gia, khai thác hiệu quả không gian phát triển mới. Chú trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là cho những ngành, lĩnh vực ưu tiên, mới nổi; thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn gắn với bảo đảm an ninh, an toàn để thúc đẩy phát triển. Phát triển văn hoá, xã hội gắn kết chặt chẽ, hài hoà với phát triển kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân. Đẩy mạnh hơn nữa cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường phân cấp, phân quyền thực chất, hiệu quả; tiếp tục hoàn thiện, sắp xếp lại tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nhưng không làm ảnh hưởng, cản trở mà là để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, không hình sự hoá các quan hệ kinh tế và dân sự; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Làm tốt hơn nữa công tác truyền thông chính sách, thông tin, tuyên truyền với tinh thần lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội. Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế; nâng cao uy tín, vị thế nước ta trên trường quốc tế.

Điều 2. Các chỉ tiêu chủ yếu

1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5 - 7,0% và phấn đấu khoảng 7,0 - 7,5%.

2. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 đô la Mỹ (USD).

3. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%.

4. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%.

5. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,3 - 5,4%.

6. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 25 - 26%.

7. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 70%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 29 - 29,5%.

8. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.

9. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 0,8 - 1%.

10. Số bác sĩ trên 1 vạn dân đạt khoảng 15 bác sĩ.

11. Số giường bệnh trên 1 vạn dân đạt 34,5 giường bệnh.

12. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,15%.

13. Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 80,5 - 81,5%.

14. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%.

15. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%.

Điều 3. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

Quốc hội cơ bản tán thành các nhiệm vụ, giải pháp do Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước trình và các cơ quan của Quốc hội kiến nghị, đồng thời đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau đây:

3.1. Có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt để tháo gỡ thể chế, khắc phục điểm nghẽn; đẩy mạnh hơn nữa việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; tập trung cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp

Đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực; từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; các quy định của luật phải ổn định, phổ quát, lâu dài, chỉ quy định những vấn đề khung, mang tính nguyên tắc; chủ động, tích cực, khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế khuyến khích cho những vấn đề mới, dự án công nghệ cao, dự án lớn, xu hướng mới, tạo khung khổ pháp lý cho chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn.

Thể chế hoá kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng; các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả hoạt động rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; khẩn trương sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật theo hướng vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó chủ động sửa đổi. Tập trung cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, không để phát sinh thủ tục, quy định kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật mới không phù hợp, thiếu tính khả thi nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Chính phủ, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương tích cực tổ chức triển khai, trong đó đặc biệt tập trung xây dựng, hoàn thiện và ban hành theo thẩm quyền kịp thời các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 và Kỳ họp thứ 8. Chính phủ, Quốc hội theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động, phối hợp xem xét ban hành nghị quyết thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh, chưa có quy định hoặc đã có nhưng không còn phù hợp, đã được cấp có thẩm quyền cho ý kiến. Chú trọng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phục hồi và phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững các loại thị trường, nhất là thị trường tài chính, thị trường vàng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản. Tăng cường kỷ luật, kiểm soát quyền lực, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác xây dựng pháp luật. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; Trung ương, Chính phủ, Quốc hội giữ vai trò kiến tạo, hoàn thiện cơ chế, chính sách và tăng cường kiểm tra, giám sát và trách nhiệm giải trình; không để đùn đẩy trách nhiệm, kiên quyết xóa bỏ cơ chế “xin - cho”.

3.2. Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ sản xuất kinh doanh đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế

Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, đồng bộ, hài hoà, chặt chẽ với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác. Có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, kịp thời hơn nữa tháo gỡ thể chế, sớm khắc phục các điểm nghẽn, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm và các Chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún; thu hồi các dự án không triển khai theo kế hoạch phê duyệt, kiên quyết cắt giảm, loại bỏ những dự án không thật sự cần thiết, không hiệu quả; trong đó ưu tiên bố trí nguồn lực của ngân sách nhà nước cả trung ương và địa phương thực hiện các công trình kết nối các tỉnh, kết nối vùng, kết nối quốc gia, quốc tế, nhất là kết nối các trung tâm kinh tế và các địa phương là cực tăng trưởng; các địa phương chủ động tự cân đối nguồn lực của địa phương để đầu tư các dự án kết nối vùng thuộc phạm vi tỉnh với tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ và kinh tế ban đêm...).

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý chặt chẽ thu ngân sách nhà nước, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để dành tăng thêm cho chi đầu tư phát triển hạ tầng chiến lược; kiểm soát bội chi, nợ công trong giới hạn an toàn, hợp lý, đồng thời nghiên cứu, xem xét tận dụng dư địa về nợ công, nợ chính phủ, bội chi để huy động thêm nguồn lực cho phát triển. Phát triển mạnh thị trường trong nước, thúc đẩy xuất khẩu, tiếp tục giảm chi phí logistics thông qua hoàn thiện hạ tầng chiến lược. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng, đa dạng hoá chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và thị trường xuất, nhập khẩu gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu, rộng hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu; khai thác hiệu quả các thị trường mới, thị trường Halal, phấn đấu thặng dư thương mại bền vững.

3.3. Tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi

Thực hiện nghiêm Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, Quy định số 189-QĐ/TW ngày 08/10/2024 của Bộ Chính trị quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, nhất là các kết luận thanh tra do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về thực hiện kết luận thanh tra, tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản do vi phạm, tiêu cực, tham nhũng. Đẩy mạnh hơn nữa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí một cách thực chất, hiệu quả. Thực hiện quyết liệt, có hiệu quả chủ trương tinh giản, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và sắp xếp tổ chức bộ máy đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ, ngành, địa phương. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, tập trung số hoá toàn diện hoạt động quản lý nhà nước, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số; tích cực thực hiện Đề án 06, xây dựng cơ sở dữ liệu đầu tư, doanh nghiệp, ngân hàng... sớm đưa vào vận hành và kết nối đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia.

3.4. Tập trung các nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, ưu tiên công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, hệ thống đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, các dự án có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn, hạ tầng chuyển đổi số; kết nối hệ thống cao tốc với sân bay, cảng biển và triển khai hệ thống đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị

Tập trung nguồn lực, phấn đấu hoàn thành mục tiêu cả nước có 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025. Đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án hạ tầng giao thông chiến lược, quan trọng quốc gia; đặc biệt là các tuyến đường cao tốc giai đoạn 2026 - 2030, kịp thời nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường cao tốc phân kỳ theo quy mô quy hoạch; phấn đấu hoàn thành thủ tục và khởi công đầu tư trong năm 2025 đối với tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng và đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị hoàn thiện thủ tục đầu tư toàn tuyến dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án hạ tầng quy mô lớn, đặc biệt là trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; có cơ chế tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư; bảo đảm nguồn cung nguyên vật liệu, kiểm soát giá nguyên vật liệu, chỉ tiêu sử dụng đất để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng các dự án cao tốc. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu, trọng tâm là các công trình thuỷ lợi phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Có giải pháp đột phá, thiết thực, hiệu quả tháo gỡ pháp lý phát triển các dự án kết cấu hạ tầng đầu tư theo phương thức đối tác công tư; đồng thời, báo cáo cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương, cơ chế, chính sách xử lý một số dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư có tồn tại, vướng mắc. Tập trung thực hiện hiệu quả Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII; sửa đổi Luật Điện lực phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế; nghiên cứu, tham mưu, xây dựng và trình phê duyệt các cơ chế, chính sách phát triển điện lực, năng lượng tái tạo, hydrogen, báo cáo khởi động lại điện năng lượng hạt nhân, phù hợp với mục tiêu, quy hoạch, điều kiện, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tích cực triển khai các tiêu chí, tiêu chuẩn về hạ tầng thương mại. Nghiên cứu, phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, không gian ngầm đô thị, khu công nghiệp. Chú trọng xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số đồng bộ, hiện đại. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

3.5. Tập trung thực hiện cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và trong nội ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế

Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước; khẩn trương thực hiện Kết luận số 93-KL/TW ngày 06/9/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới cơ chế phân cấp ngân sách nhà nước theo hướng tăng cường tính chủ đạo của ngân sách trung ương và nâng cao tính chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo của ngân sách địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan, nhất là cho đầu tư phát triển. Tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại đầu tư công (cả ngân sách trung ương và địa phương) theo hướng tập trung vốn vào các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, các công trình, dự án trọng điểm, liên kết vùng, liên kết quốc gia, liên kết quốc tế, có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo phương thức đối tác công tư. Triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025; tập trung xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém. Đẩy mạnh tiến độ cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, tháo gỡ các vướng mắc về phương án sử dụng đất sau khi cổ phần hoá. Nâng cao hiệu quả hoạt động gắn với cơ cấu lại và phát huy vai trò của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong việc đầu tư các dự án quy mô lớn, tác động lan tỏa, góp phần thúc đẩy tăng trưởng; quyết liệt chỉ đạo, xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng, kéo dài, nhất là vấn đề phát hành trái phiếu, cổ phiếu, bảo lãnh phát hành của doanh nghiệp và các tổ chức có liên quan. Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Kết luận số 77-KL/TW ngày 02/5/2024 của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả. Tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế nhưng phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành, đẩy mạnh phát triển các doanh nghiệp lớn dân tộc. Tăng cường liên kết giữa tổ chức kinh tế tập thể với các thành phần kinh tế khác, nhất là với doanh nghiệp nhà nước; tổ chức triển khai hiệu quả Luật Hợp tác xã năm 2023. Có cơ chế hỗ trợ trực tiếp bằng tiền hoặc bằng công trình hạ tầng để thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư nước ngoài, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong nước và các doanh nghiệp trong nước, tham gia sâu rộng hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Phấn đấu năm 2025, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt khoảng 55%. Đẩy mạnh việc thực hiện có hiệu quả cao Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trọng tâm là phát triển kinh tế nông thôn, tăng thu nhập theo hướng gắn với quá trình đô thị hóa đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.

3.6. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phong trào khởi nghiệp, sáng tạo

Thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI. Triển khai có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo hướng chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Quan tâm tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Khuyến khích phát triển các mô hình trường học mới như trường học số, trường học thông minh...; tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông, công bằng, bình đẳng, thúc đẩy xã hội học tập và học tập suốt đời; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục. Tiếp tục giải quyết vấn đề thiếu giáo viên. Đầu tư xây dựng, sửa chữa các trường phổ thông, mầm non, đáp ứng nhu cầu học tập. Thực hiện các giải pháp đột phá mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển và đổi mới giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, trong đó quan tâm phát triển các chương trình đào tạo đại học đạt trình độ quốc tế, tập trung triển khai hiệu quả Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”, Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao. Có chính sách hữu hiệu để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào khu vực công.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đột phá thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; có chính sách ưu đãi đủ mạnh để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp, nhất là đầu tư phát triển công nghệ hydrogen xanh, sản xuất chip bán dẫn... Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phong trào khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia; phát huy hiệu quả của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia gắn với hình thành và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo và tăng cường kết nối, hợp tác với thế giới, khu vực; phấn đấu năm 2025 thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII).

3.7. Thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe Nhân dân; đầu tư phát triển công nghiệp văn hoá

Tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đời sống văn hoá cơ sở; tổ chức triển khai có hiệu quả cao Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025 - 2035. Chú trọng đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa; tạo lập môi trường thúc đẩy đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, sáng tạo, đa dạng, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền; ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp và cải tạo hệ thống thiết chế văn hóa. Chuẩn bị và tổ chức tốt các hoạt động, kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước trong năm 2025. Thực hiện tốt chính sách người có công với cách mạng; tiếp tục quan tâm hỗ trợ nhà ở cho người có công. Tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo, đẩy mạnh Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước” trong năm 2025. Tiếp tục rà soát chính sách cho phù hợp triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, bảo đảm tăng dần mức sống tối thiểu và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân. Tập trung cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc, người dân vùng biên giới, hải đảo, vùng khó khăn; triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030. Tiếp tục thực hiện các giải pháp mở rộng độ bao phủ và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Tăng cường kết nối cung cầu, phát triển mạnh thị trường lao động; làm tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động và tăng cường quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam. Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Nâng cao năng lực dự báo, giám sát và phát hiện sớm, khống chế kịp thời, có hiệu quả các dịch bệnh, các sự kiện khẩn cấp về y tế công cộng. Tập trung mở rộng hoạt động khám, chữa bệnh từ xa, ngay từ cơ sở, tăng cường chỉ đạo, chuyển giao kỹ thuật, kịp thời hỗ trợ cho các cơ sở y tế tuyến dưới. Khắc phục cho được tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị cần thiết khám chữa bệnh cho Nhân dân. Thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tạo môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để phát triển trẻ em toàn diện; thực hiện tốt công tác người cao tuổi, thanh niên, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ.

3.8. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường

Quyết liệt triển khai các chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động thực hiện các cam kết tại COP26, trọng tâm là đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập và ngăn chặn suy giảm tài nguyên nước; đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia thượng nguồn và các tổ chức quốc tế trong việc bảo vệ và sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước ở lưu vực các dòng sông xuyên biên giới, nhất là sông Mê Công và sông Hồng. Nâng cao hiệu quả sử dụng và có giải pháp huy động nguồn lực tài chính từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản, nhất là khoáng sản chiến lược cho phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục hiện đại hóa mạng lưới khí tượng thuỷ văn, nâng cao chất lượng công tác dự báo, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh thực hiện các sáng kiến, cam kết của Việt Nam tại COP28 và Kế hoạch huy động nguồn lực triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

3.9. Tăng cường liên kết vùng, thực hiện hiệu quả quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng đô thị hoá và kinh tế đô thị

Tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 vùng kinh tế - xã hội. Tiếp tục hoàn thiện thể chế và hệ thống pháp lý về vùng, bảo đảm hiệu quả điều phối, liên kết phát triển vùng, xúc tiến đầu tư. Phát huy vai trò của hội đồng điều phối vùng trong việc xử lý các vấn đề nội vùng và liên vùng, triển khai hiệu quả các quy hoạch vùng và kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng. Hoàn thiện, phê duyệt và triển khai các kế hoạch thực hiện quy hoạch các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và quy hoạch ngành quốc gia. Nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng. Tập trung triển khai Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Phấn đấu năm 2025 đạt tỷ lệ đô thị hoá toàn quốc trên 45%.

3.10. Tăng cường, củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội

Chủ động nắm tình hình, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; không để bị động, bất ngờ. Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tiếp tục xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ các cấp vững chắc. Thực hiện tốt chủ trương kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh. Tích cực, chủ động tham gia có trách nhiệm các cuộc diễn tập đa phương về tìm kiếm, cứu nạn, cứu trợ thảm họa... Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về khắc phục hậu quả chiến tranh, rà phá bom, mìn, xử lý chất độc hóa học, các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc. Bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Tăng cường các giải pháp đấu tranh tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, kiềm chế, giảm thiểu số vụ phạm tội về trật tự xã hội; tập trung trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy, nổ, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ.

3.11. Đẩy mạnh triển khai đồng bộ, hiệu quả, toàn diện công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các nguồn lực để phục vụ phát triển đất nước, củng cố và nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam

Tiếp tục củng cố cục diện đối ngoại thuận lợi, giữ đà và triển khai tốt quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn và các đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, hiệu quả. Chuẩn bị và tổ chức tốt các sự kiện đa phương quan trọng, nhất là Hội nghị Thượng đỉnh đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) năm 2025, các hội nghị quốc tế khác và chuẩn bị đăng cai năm APEC 2027 tại Việt Nam. Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước; khai thác hiệu quả cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA); đa dạng hóa, mở rộng thị trường xuất khẩu nhằm tránh phụ thuộc vào một số đối tác nhất định; hoàn thiện khung khổ pháp lý, hỗ trợ thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực mới mang tính đột phá. Tăng cường gắn kết, phối hợp chặt chẽ và đồng bộ hơn nữa công tác ngoại giao văn hóa với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và công tác người Việt Nam ở nước ngoài để đóng góp tích cực vào phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ sức mạnh mềm, nâng cao vị thế và uy tín đất nước. Tiếp tục đổi mới, triển khai hiệu quả công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân.

3.12. Chủ động hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền, tạo động lực, truyền cảm hứng, khuyến khích đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội

Tập trung thông tin tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các sự kiện lớn của đất nước. Tích cực thông tin, tuyên truyền gương người tốt, việc tốt; tăng cường cung cấp thông tin góp phần ổn định dư luận xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước. Thực hiện tốt công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; kiên quyết đấu tranh chống các hành vi sai trái, phản bác các quan điểm, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; thông tin phản hồi những vấn đề được dư luận quan tâm; triệt phá, gỡ bỏ, ngăn chặn các thông tin xấu, độc, sai sự thật; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước thiết thực, hiệu quả; thực hiện tốt nguyên tắc dân chủ cơ sở, phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Điều 4. Tổ chức thực hiện

Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức thực hiện thành công Nghị quyết này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận giám sát và động viên mọi tầng lớp Nhân dân thực hiện Nghị quyết này.

Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài nêu cao tinh thần thi đua yêu nước, đoàn kết, phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, thách thức, thích ứng linh hoạt, hiệu quả với bối cảnh, tình hình thế giới, trong nước, tăng tốc, bứt phá, về đích, thực hiện thành công toàn diện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.


Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 12 tháng 11 năm 2024.

Theo xaydungchinhsach.chinhphu.vn
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/nghi-quyet-158-2024-qh15-cua-quoc-hoi-ve-ke-hoach-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-nam-2025-119241205190209681.htm
Copy Link
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/nghi-quyet-158-2024-qh15-cua-quoc-hoi-ve-ke-hoach-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-nam-2025-119241205190209681.htm
x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Nghị quyết 158/2024/QH15 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO